Một dự án cấp nước sạch đã được đầu tư và đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí để lắp đặt đồng hồ nước nên đến nay chỉ có rất ít hộ được sử dụng nguồn nước sạch. Trước thực trạng này, UBND huyện Cát Tiên và chủ đầu tư đã tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm nỗ lực đưa nước sạch về tận nhà cho bà con vùng nông thôn.
Một dự án cấp nước sạch đã được đầu tư và đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí để lắp đặt đồng hồ nước nên đến nay chỉ có rất ít hộ được sử dụng nguồn nước sạch. Trước thực trạng này, UBND huyện Cát Tiên và chủ đầu tư đã tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm nỗ lực đưa nước sạch về tận nhà cho bà con vùng nông thôn.
|
Hệ thống xử lý nước sạch Ghềnh Đá (xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên). Ảnh: Đ.A |
30 năm mong chờ nguồn nước sạch
Gần 30 năm vào xã Đức Phổ (huyện Cát Tiên) sinh sống và lập nghiệp, đây là lần đầu tiên gia đình ông Nguyễn Liên (75 tuổi) được sử dụng nguồn nước máy. Nước được đưa đến tận nhà, chất lượng nguồn nước tốt khiến cả gia đình ông rất vui mừng. Rồi đây, sẽ không còn những ngày tháng thiếu nước sinh hoạt khi mùa khô đến, không còn cảnh phải lọc phèn từ nguồn nước giếng để phục vụ sinh hoạt mỗi ngày. Tương tự, anh Mai Hoàng Hổ (Thôn 1, xã Đức Phổ) cũng không giấu nổi vui mừng khi nước máy được kéo đến tận nhà. Anh cho biết: “Từ trước đến nay, cả gia đình đều sử dụng nguồn nước giếng đào. Tuy nhiên, do nguồn nước nhiễm phèn nên muốn sử dụng thì phải có máy lọc nước. Sau khi lọc, nước cũng chỉ để dùng cho tắm giặt, còn đa số nước ăn uống phải dùng nước đóng bình mới đảm bảo vệ sinh”.
Đây là 2 trong số khoảng hơn 300 hộ dân trên địa bàn xã Đức Phổ, Gia Viễn, thị trấn Phước Cát 1 và một phần thị trấn Cát Tiên được lắp đặt đồng hồ nước. Trong khi đó, còn hơn 3.000 hộ dân khác cũng muốn được sử dụng nguồn nước máy nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể tiếp cận được. Một trong những lý do đó là chi phí lắp đặt đồng hồ nước khoảng 1,5 triệu đồng/đồng hồ mà người dân phải chịu là số tiền khá lớn đối với đại đa số người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Nam, Ban quản lý Dự án hệ thống cấp nước Ghềnh Đá cho biết: Dự án này được Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Lộc Phát (TP Hồ Chí Minh) đầu tư từ năm 2016 và khánh thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào tháng 4/2018. Theo thiết kế, hệ thống xử lý nước có công suất 2.000 m3/ ngày đêm, có khả năng phục vụ cho khoảng 4.000 hộ dân. Đến nay, phía công ty đã lắp đặt hệ thống đường ống chính và ống phụ với tổng chiều dài 40 km, cơ bản đi đến trung tâm các xã, thị trấn trong vùng dự án. Tuy nhiên, khi lập dự án thì chi phí lắp đặt đồng hồ nước là do dân chịu. Đây là một trở ngại lớn đối với người dân tại vùng còn nhiều khó khăn. Trước thực tế này, công ty cũng đã có cơ chế cho dân trả trước 50%, số tiền còn lại sẽ trả trong thời hạn 45 ngày. Hiện tại, có khoảng 50 - 60 đồng hồ nước đã lắp đặt cho dân nhưng vẫn chưa thu tiền được. Cũng theo ông Nam, để duy trì vận hành như hiện nay thì tiền nước thu được không đủ để bù vào tiền điện, hóa chất và các chi phí khác. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của dự án trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo.
Sẽ được hỗ trợ lắp đặt đồng hồ
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Đối với huyện Cát Tiên, việc thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nước sạch có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đem lại lợi ích rất lớn cho người dân và phù hợp với chủ trương chung. Hiện tại, hệ thống nước ngầm thông qua giếng khoan, giếng đào mà người dân đang sử dụng đều bị nhiễm các chất ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Năm 2016, UBND huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 12 mẫu nước để đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả là cả 12 mẫu đều có các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Người dân đa phần phải sử dụng máy lọc nước hoặc sử dụng nguồn nước từ các công trình nước sạch nhỏ lẻ khác nhưng hầu hết không đảm bảo nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện thì đến năm 2020, huyện Cát Tiên có 70% hộ dân khu vực đô thị và 50% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Chính vì vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý nước sạch Ghềnh Đá là hoàn toàn phù hợp với chủ trương chung. Dự án này có chi phí đầu tư 36 tỷ đồng; trong đó, huyện đã hướng dẫn để dự án tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển Lâm Đồng với số tiền 18 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh Lâm Đồng về chính sách xã hội hóa, khuyến khích công tác đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung giai đoạn 2017 - 2020.
Tuy nhiên, khi lập dự án để trình tỉnh ra quyết định đầu tư thì thay vì phải đầu tư khép kín theo quy định từ hệ thống đường ống đến đồng hồ nhưng dự án lại không có phần lắp đặt đồng hồ nước, chi phí này người dân phải chịu. Từ nhu cầu thực tế của người dân, huyện đã trình UBND tỉnh để có hướng tháo gỡ những khó khăn. Theo đó, tháng 4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định này có hiệu lực ngay khi ban hành. Trong danh mục các dự án được hỗ trợ thì có dự án về nước sạch với mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/m3 công suất ngày đêm và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt đường ống đến các cụm từ 10 hộ trở lên. Với nguồn hỗ trợ này, người dân chắc chắn sẽ được hỗ trợ để lắp đặt đồng hồ nước trong thời gian tới. Hiện tại, huyện đã đề nghị UBND tỉnh sớm hỗ trợ để người dân tiếp cận được nguồn nước sạch càng sớm càng tốt.
ÐÔNG ANH