Việc xem nhẹ những quy định về chăn nuôi chó của nhiều người đã gây ra không ít hệ lụy khó lường. Bởi chó không chỉ là nguồn lây truyền bệnh dại khi mắc bệnh tấn công con người mà còn là thủ phạm gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng.
Việc xem nhẹ những quy định về chăn nuôi chó của nhiều người đã gây ra không ít hệ lụy khó lường. Bởi chó không chỉ là nguồn lây truyền bệnh dại khi mắc bệnh tấn công con người mà còn là thủ phạm gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng.
|
Chó thả rông trên QL20 (địa bàn huyện Đức Trọng), là hình ảnh có thể bắt gặp thường xuyên hằng ngày. Ảnh: C.P |
Mới đây, chiếc xe gắn máy do một phụ nữ khoảng 40 tuổi điều khiển với tốc độ khoảng 60 km/h bon bon chạy trên QL20, đoạn qua địa phận thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), bỗng xuất hiện một con chó nặng chừng 20 kg băng ngang sang bên kia đường. Trong lúc xe đang chạy với tốc độ cao, gặp tình huống bất ngờ, người phụ nữ này đã phanh gấp và ngã nhào, trượt dài trên mặt đường hơn 10 m. Rất may, vụ tai nạn không gây tử vong nhưng nạn nhân đã bị gãy chân trái, đa chấn thương vùng đầu, mặt, được người dân địa phương chuyển tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Con chó to lớn không bị xe gắn máy cán qua người nên nhanh chân chạy lủi vào vườn rau kề đó. Đây chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến chó thả rông mà chúng tôi tận mắt chứng kiến.
Chó là vật nuôi truyền thống rất gần gũi với con người. Ngoài việc có tình cảm gắn bó với gia chủ, nuôi để làm cảnh, chó còn mang “trọng trách” trông coi tài sản, xua đuổi kẻ trộm, người lạ vào nhà mà chưa được sự đồng ý của chủ nhân. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về chăn nuôi chó vẫn chưa được mọi người quan tâm đúng mức. Theo tìm hiểu của PV, tại các vùng nông thôn, trong đó có Lâm Đồng, phần lớn các gia đình đều chăn nuôi chó với mục đích để chó trông coi nhà cửa. Dù vậy, khi được hỏi về nuôi chó phải tuân thủ các quy định của pháp luật thì nhiều người vẫn không biết pháp luật có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này, ngoài một số người biết nuôi chó là phải tiêm phòng để ngừa bệnh dại.
Ông Nguyễn Dậu, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, từ trước tới nay gia đình ông chỉ biết quy định nuôi chó là phải tiêm phòng bệnh dại hằng năm, ngoài ra ông không biết gì thêm. Do vậy, bầy chó 5 con của gia đình ông Dậu thường ngày vẫn mặc sức ngang dọc, chạy khắp nơi trong thôn. Ông Dậu còn chủ quan cho rằng đàn chó này rất hiền, chưa tấn công ai bao giờ. Tuy nhiên, mối nguy từ nuôi chó thả rông lại không hẳn chỉ nằm ở đó. Nhà ông Dậu ngay trên mặt QL20, hằng ngày lượng người tham gia giao thông rất lớn, trong lúc người điều khiển phương tiện, nhất là xe gắn máy chạy với tốc độ cao trên đường thì đàn chó vẫn thản nhiên chạy qua lại, đùa giỡn ngay trên mặt đường. Ông Dậu thừa nhận điều này là rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông nếu chẳng may tông vào chó, hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường. Chính bản thân người đàn ông này cũng đã chứng kiến một vụ tai nạn do người đi đường tông phải chó dẫn đến bị thương nặng, nằm bất tỉnh tại chỗ.
Theo một cán bộ Công an huyện Đức Trọng, hằng năm đơn vị đều tiếp nhận, xử lý những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến chó thả rông. Những vụ tai nạn không chỉ xảy ra ở những tuyến đường lớn như QL20, các tuyến tỉnh lộ, mà còn ở đường liên thôn, liên xã. Người bị tai nạn do tông phải chó trên đường nhẹ thì trầy xước mặt mày, nặng thì gãy tay chân, thậm chí dẫn đến tử vong. Mặc dù đã có quy định chế tài cụ thể đối với người chăn nuôi chó thả rông gây tai nạn nhưng khi gặp những tình huống này, lực lượng chức năng rất khó xử lý. Nguyên nhân là do khi xảy ra tai nạn, chủ những con chó này thường không nhận đó là chó của gia đình mình. Phần lớn những vụ tai nạn giao thông do chó thả rông gây ra nạn nhân hoàn toàn chịu thiệt, không có căn cứ để yêu cầu bồi thường về mặt dân sự hoặc xử lý hình sự.
|
Cuối chiều, tại TP Đà Lạt, nhiều người thường thả rông chó không rọ mõm tại Quảng trường Lâm Viên. Ảnh: C.P |
Ở TP Đà Lạt, việc chăn nuôi chó diễn ra ít hơn, chủ yếu là các loại chó cảnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người ra đường dẫn theo chó nhưng lại không rọ mõm theo quy định. Điều này rất dễ dẫn đến chó bộc phát tấn công người đi đường. Tại khu quy hoạch Nguyễn Thị Nghĩa, TP Đà Lạt, cách đây khoảng 3 tháng, một con chó cảnh trong lúc đang cùng chủ nhân đi thể dục đã nhảy xô vào cắn một người phụ nữ mắc chứng bệnh về năng lực hành vi. Chủ sở hữu chú chó này đã phải đưa nạn nhân tới cơ sở y tế khám và điều trị vết thương trong nhiều ngày.
Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Cụ thể, Điều 7, Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật… Những chế tài xử phạt nghiêm khắc cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tin rằng ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thú y, đặc biệt là chăn nuôi chó của nhân dân sẽ được nâng cao.
Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, chó là nguồn mang mầm bệnh dại chiếm tới 90%. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài và vị trí vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở con vật có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10-15 ngày phát bệnh thường thải vi rút qua nước bọt gây nhiễm cho người, gia súc khác qua vết cào, cắn, liếm. |
C.PHONG