Thứ 3, 22/04/2025, 00:43

Việc thu tiền thuê đất ở Công ty chè Minh Rồng đúng hay sai?

09:08, 13/08/2018

Rất nhiều hộ dân nhận khoán bức xúc phản ánh đến Báo Lâm Ðồng việc Công ty Cổ phần chè Minh Rồng (gọi tắt Công ty) thu tiền thuê đất của họ sai quy định. Ðể xác minh kịp thời sự việc, phóng viên đã làm việc với các bên liên quan, gồm các hộ dân, Công ty và các cơ quan chức năng của tỉnh.   

Rất nhiều hộ dân nhận khoán bức xúc phản ánh đến Báo Lâm Ðồng việc Công ty Cổ phần chè Minh Rồng (gọi tắt Công ty) thu tiền thuê đất của họ sai quy định. Ðể xác minh kịp thời sự việc, phóng viên đã làm việc với các bên liên quan, gồm các hộ dân, Công ty và các cơ quan chức năng của tỉnh.   
 
Các hộ nhận khoán phản ánh về việc Công ty thu tiền thuê đất
Các hộ nhận khoán phản ánh về việc Công ty thu tiền thuê đất

Công ty: Hai bên đã đồng thuận ký kết 
 
Công ty tiền thân là Nông trường chè Minh Rồng, thành lập tháng 8/1998, thuộc Công ty chè Lâm Đồng với tổng diện tích khoảng 450 ha. Đại diện Công ty cho biết, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chè, Công ty chè Lâm Đồng đã ban hành các quy chế hoạt động số 78 và 298. Theo đó, Nông trường (bên A) tiến hành ký hợp đồng giao nhận khoán đất sản xuất với các công nhân lao động (bên B). Điều khoản Hợp đồng là, ngoài các vườn chè đã được xuống giống, bên A có nghĩa vụ cung ứng đầy đủ, kịp thời phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bên B chăm sóc chè; bên B có nghĩa vụ đóng phần trăm sản lượng/đơn vị diện tích (tương ứng chè loại 1 là 20%, loại 2 là 55% và loại 3 là 25%/tổng sản lượng thu hoạch). 
 
Từ năm 2005, căn cứ Quyết định số 1604 (ngày 28/6) của UBND tỉnh Lâm Đồng, Nhà máy chè Minh Rồng chuyển cổ phần hóa. Theo đó, Công ty được miễn tiền thuê đất sản xuất 11 năm đối với khu vực huyện Bảo Lâm và 7 năm đối với khu vực thành phố Bảo Lộc. Thời gian này, Công ty vẫn áp dụng các điều khoản hợp đồng với người nhận khoán như đã thỏa thuận trước đó. Đến năm 2014, khi chính sách miễn tiền thuê đất đã hết đối với khu vực phường Lộc Phát (Bảo Lộc), Công ty tiến hành ký kết lại hợp đồng với người nhận khoán với điều khoản mới là bên B phải “gánh” thêm nghĩa vụ đóng tiền thuê đất theo thỏa thuận (Điều 3, Khoản 1, điểm c). Đây là nguyên nhân phát sinh và hình thành mâu thuẫn giữa hai bên A và B. Nhiều hộ nhận khoán bức xúc cho rằng việc phải đóng tiền thuê đất là do Công ty áp đặt nên họ đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.
 
Trao đổi với ông Lê Đình Thuần, Giám đốc Công ty cho biết rõ hơn: Do Nhà nước thu hồi để phục vụ quy hoạch, xây dựng các dự án, hiện tại diện tích đất sản xuất của Công ty được UBND Lâm Đồng cấp quyết định cho thuê lại đã giảm rất nhiều. Tổng diện tích đất của Công ty còn khoảng 200 ha và được ký hợp đồng giao khoán với khoảng 400 hộ cá nhân. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, Công ty phải đóng nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng tiền thuê đất. Căn cứ theo đơn giá quy định và tổng số tiền phải đóng tiền thuê đất hàng năm, chúng tôi tiến hành thu của các hộ nhận khoán như vậy. Hai bên đồng thuận ký kết trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng bằng giấy trắng mực đen; trong đó, phụ lục có điều khoản “người nhận khoán có trách nhiệm nộp tiền thuê đất hàng năm theo quy định” nên việc Công ty thu tiền là không có gì sai cả. Hiện chỉ còn 3 đến 4 hộ chưa ký phụ lục hợp đồng. 
 
Các hộ dân: Quy định của Công ty không hợp lý 
 
Theo đơn tố cáo của đại diện bên B, ông Thái Văn Môn và ông Phan Văn Minh cho rằng: bên A “đã ép buộc” bên B “phải đóng tiền thuê đất” mà “không có văn bản nào quy định”. Đơn đề nghị các cơ quan chức năng “Làm rõ số tiền của hộ nhận khoán từ năm 2014 đến nay được sử dụng như thế nào, thu hồi trả lại cho các hộ nhận khoán”. Ông Môn là người nhận khoán 5 sào của Công ty từ năm 2007 để trồng cà phê bức xúc: “Công ty còn bắt chúng tôi phải đóng thêm tiền thuê đất, với giá 600 ngàn đồng/sào. Việc Công ty bắt chúng tôi nộp thêm tiền thuê đất là không có cơ sở, vì chúng tôi chỉ là người nhận khoán. Còn Công ty mới là đơn vị thuê đất nên phải có nghĩa vụ đóng phí cho Nhà nước”. Cũng ở Lộc Phát, Bảo Lộc, bà Trần Thị Hạnh cho hay: “Kể từ khi nhận khoán, chúng tôi đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, công sức mới được vườn cà phê cho năng suất cao như hiện tại. Đùng một cái, Công ty thu thêm tiền thuê đất và thông báo nếu ai không tuân thủ sẽ bị thu hồi lại đất. Mỗi ha cà phê, sau khi thu hoạch trừ phần trăm sản lượng phải đóng, chúng tôi chỉ dư được khoảng 40 triệu đồng. Giờ phải đóng thêm 6 triệu đồng/ha tiền thuê đất nữa thì chẳng còn lại bao nhiêu cả. Chúng tôi thấy quy định này của Công ty không hợp lý nên đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc xác minh, làm rõ”. 
 
Còn ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, bà Đinh Thị Trúc giãi bày: “Hiện vườn cà phê của gia đình tôi mới xuống giống chưa được 2 năm, nhưng vào năm 2017, Công ty Minh Rồng có cử người đến nhà tôi thu tiền thuê đất nhưng tôi kiên quyết không đóng. Vì trong hợp đồng nhận khoán mà tôi ký với Công ty không hề có điều khoản đóng tiền thuê đất. Còn về phụ lục hợp đồng, không biết những người khác thế nào, nhưng riêng tôi thì chưa có nên Công ty không thể bắt ép tôi được” (?)…
 
Cơ quan chức năng vào cuộc  
 
Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân nhận khoán với Công ty, chúng tôi đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh. Đây là những cơ quan liên quan đến diện tích đất cho thuê, đơn giá thuê đất và giám sát thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty. Việc thu sản phẩm đồng thời thu tiền thuê đất, Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Tài chính cho rằng, đây là giao dịch dân sự nội bộ giữa Công ty và các hộ nhận khoán nên không thuộc chức năng.  
 
Với Cục Thuế Lâm Đồng, ngày 9/8 đã cử Tổ công tác do ông Lê Bá Triệu Vỹ - Phó Trưởng Phòng Thanh tra làm tổ trưởng và ông Phạm Văn Minh - kiểm tra viên thuế thuộc Phòng Kiểm tra nội bộ làm việc với lãnh đạo Công ty. Biên bản làm việc được hai bên ký ghi nhận: “Đại diện Công ty Cổ phần chè Minh Rồng khẳng định căn cứ vào hợp đồng giao khoán đã ký giữa Công ty với các hộ nhận khoán gồm 2 khoản: Khoản thu tiền thuê đất nông nghiệp, hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh do Công ty xây dựng thì việc thu tiền đất của các hộ nhận giao khoán vườn chè, cà phê kinh doanh bằng phiếu thu theo mẫu số 01-TT ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính là phù hợp, khoản thu này dùng để bù đắp khoản tiền thuê đất nông nghiệp mà Công ty đã thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, đồng thời Công ty không hạch toán tiền thuê đất nông nghiệp phải nộp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; còn khoản thu tiền chè, cà phê nghĩa vụ: Công ty hoạch toán vào doanh thu phát sinh trong kỳ. Hai khoản thu trên đều được thể hiện trên sổ sách kế toán hàng năm của Công ty”. 
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề về việc triển khai thực hiện đối với mô hình công ty nông - lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội trong số báo tới.   
 
HẢI ÐƯỜNG - ÐẠO PHAN