Thứ 7, 05/04/2025, 23:39

Bọ xít muỗi đang gây hại hàng ngàn ha cà phê

09:09, 27/09/2018

Tình hình bọ xít muỗi gây hại trên cây cà phê ở huyện Lạc Dương diễn biến khá phức tạp, nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, năng suất cà phê ở đây có thể bị ảnh hưởng đến 70%.

Tình hình bọ xít muỗi gây hại trên cây cà phê ở huyện Lạc Dương diễn biến khá phức tạp, nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, năng suất cà phê ở đây có thể bị ảnh hưởng đến 70%.
 
Gia đình ông Kră Jan Joon cho biết năng suất cà phê của gia đình có thể chỉ còn 40%. Ảnh: H.Yên
Gia đình ông Kră Jan Joon cho biết năng suất cà phê của gia đình có thể chỉ còn 40%. Ảnh: H.Yên

Hơn 2.000 ha bị nhiễm bệnh
 
Phần lớn người dân canh tác cà phê chè tại Lạc Dương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế nên chưa chủ động áp dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ do đó bọ xít muỗi có cơ hội phát triển nhanh và mạnh.
 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nhân dân kỹ thuật tỉa cành, canh tác, triển khai các biện pháp phòng bệnh bọ xít muỗi gây hại trên cây cà phê ngay từ đầu mùa mưa nhưng đến nay tình hình bị bệnh vẫn khá phức tạp, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, ra hoa, đậu trái của cây cà phê. Đặc biệt, giai đoạn này cây cà phê đang hình thành trái gây lo lắng cho người nông dân, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê. Hiện nay, huyện Lạc Dương có hơn 4.000 ha cà phê, tập trung tại 6 xã và thị trấn. Tổng diện tích cà phê kinh doanh đạt 3.581 ha. Trong tháng 7 và tháng 8/2018, do thời tiết mưa nhiều, mưa liên tục kéo dài, độ ẩm cao tạo thuận lợi cho bọ xít muỗi phát triển và gây hại cho cà phê trên địa bàn huyện. Sau khi phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thì tổng diện tích bị gây hại 3.370,15 ha, trong đó diện tích bị nặng là 791 ha; diện tích bị hại trung bình là 1.495 ha; diện tích bị nhẹ là 1.084 ha. Tổng diện tích nhiễm trung bình và nặng là 2.286 ha. 
 
Ông Kră Jan Joon, một nông dân trồng cà phê tại thị trấn Lạc Dương hiện đang có vườn cà phê bị bọ xít muỗi gây hại cho biết, vườn cà phê của gia đình bị bọ xít muỗi gây hại từ tháng 7/2018, do chủ quan nên ông không xịt thuốc phòng ngừa, đến nay diện tích 5 sào của gia đình đã bị nhiễm khá nặng. Ông cho biết thêm, bọ xít muỗi là loại côn trùng di trú nên chuyển hết từ vườn này sang vườn khác, sinh đẻ nhanh nên tỉ lệ gây hại ngày càng tăng. Nếu vào đầu mùa mưa thì chắc chắn bọ xít muỗi sẽ phát triển hơn rất nhiều vì vào mùa này cà phê đâm chồi non và phân hóa chồi non rất mạnh. Nhìn vườn cà phê đang chuẩn bị cho thu hoạch bị nhiễm bệnh mà đau lòng, bọ xít muỗi gây hại trên lá, đọt non của cây và quả. Cố gắng vớt vát ông tự mình mua thuốc về xịt để trừ bệnh hy vọng được trái nào hay trái đó. Nhìn vườn nếu cứu chữa kịp thì chắc cũng thu được 40% năng suất.
 
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
 
Trước tình hình đó, để ngăn chặn kịp thời tình trạng bọ xít muỗi lây lan gây thiệt hại cho người nông dân, đồng thời góp phần ổn định sản xuất tại địa phương, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, phải huy động mọi nguồn lực, sử dụng nhiều biện pháp để cứu cà phê cho bà con, để thương hiệu cà phê Arabica Langbiang vẫn đứng vững trên thị trường.
 
Huyện Lạc Dương cũng đã xây dựng 4 mô hình điểm về phòng trừ dịch hại trên cây cà phê, đến nay các vườn cà phê không xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bọ xít muỗi. Ông Liêng Hót Ha Chú, thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ - một trong các hộ tham gia mô hình phòng trừ dịch hại cà phê cho biết, gia đình có 5 sào cà phê, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp, cắt tỉa cành tăm, cành vô hiệu, các chồi non, đọt non đã bị bọ xít muỗi đẻ trứng, gây hại. Mặt khác, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong vườn cà phê, phát quang bụi rậm quanh vườn; vào đầu mùa khô thu gom tàn dư cây trồng, đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi vào buổi chiều. Đồng thời bảo vệ và phát triển quần thể thiên địch tự nhiên sẵn có trên vườn cà phê như nhện lớn bắt mồi, chuồn chuồn kim, ong ký sinh,... để hạn chế sự gây hại của bọ xít muỗi... nên dịch bệnh do bọ xít muỗi gây ra lan nhanh và diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện nhưng vườn cà phê của gia đình vẫn phát triển tốt. Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã tổ chức hơn 20 lớp với hơn 1.000 hộ dân tham gia về phòng trừ dịch hại trên cây trồng, trong đó có bọ xít muỗi gây ảnh hưởng nặng nề nhất. 
 
Riêng đợt này, tình trạng bọ xít muỗi gây hại nhiều trên cây cà phê tại huyện Lạc Dương đã được phát hiện từ tháng 8/2018, đây là giai đoạn cà phê đang chuẩn bị cho trái chín nên các vườn cà phê có thể bị ảnh hưởng, giảm đến 65 - 70% năng suất.
 
Để ngăn chặn tình trạng bọ xít muỗi hiện nay, UBND huyện Lạc Dương đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự kiến sẽ tổ chức ra quân đồng loạt diệt bọ xít muỗi, bởi bọ xít muỗi là đối tượng di cư từ vườn này sang vườn khác nên nếu không triển khai phun thuốc phòng trừ đồng loạt thì sẽ giảm hiệu quả.
 
Việc tổ chức ra quân phòng, trừ bọ xít muỗi trên cây cà phê phải có sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và đặc biệt là sự chủ động, tích cực của bà con nhân dân. Qua đó, tất cả lực lượng khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông, cán bộ nông - lâm - thủy sản cấp xã đều được huy động tham gia trực tiếp vào chiến dịch. Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 1 tổ thực hiện việc hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ người dân phun xịt. Dự kiến tổng diện tích phun thuốc phòng trừ là 2.286 ha với tổng 4.114,8 lít thuốc Victory 585EC, kinh phí gần 1 tỷ đồng.
 
Biện pháp tiến hành tỉa cắt cành tăm, cành vô hiệu, các chồi non, đọt non đã bị bọ xít muỗi đẻ trứng gây hại; vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong vườn cà phê, phát quang bụi rậm quanh vườn,... cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của bọ xít muỗi gây bệnh.
 
Tại hội nghị trực tuyến với các sở, ngành và địa phương để đánh giá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt yêu cầu các địa phương, không chỉ huyện Lạc Dương mà ngay các huyện là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh cũng phải rà soát dịch bệnh trên cây cà phê để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ tịch Đoàn Văn Việt cũng nhấn mạnh, nếu dịch bệnh xảy ra phải sớm ngăn chặn không để gây thiệt hại trên cây trồng, không để lây lan diện rộng và có thể trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ dập dịch.
 
HOÀNG YÊN