Thứ 5, 17/04/2025, 06:12

Rừng thông ngã xuống, cà phê vươn lên

08:09, 21/09/2018

Nhiều rừng thông ở huyện Bảo Lâm đã ngã xuống nhường chỗ cho những vườn cà phê vươn lên. Những vườn cà phê này không chỉ của những hộ dân lấn chiếm trái phép đất rừng để trồng mà ngay cả những doanh nghiệp nhận đất, nhận rừng để triển khai dự án cũng ngang nhiên trồng cà phê trái phép. 

Nhiều rừng thông ở huyện Bảo Lâm đã ngã xuống nhường chỗ cho những vườn cà phê vươn lên. Những vườn cà phê này không chỉ của những hộ dân lấn chiếm trái phép đất rừng để trồng mà ngay cả những doanh nghiệp nhận đất, nhận rừng để triển khai dự án cũng ngang nhiên trồng cà phê trái phép. 
 
Hàng loạt cây thông “chết không rõ nguyên nhân” nhường chỗ cho những cây cà phê bên dưới. Ảnh: Đ.A
Hàng loạt cây thông “chết không rõ nguyên nhân” nhường chỗ cho những cây cà phê bên dưới. Ảnh: Đ.A

Rừng thông “đổ máu”
 
Chạy dọc tuyến đường nối trung tâm xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) với buôn Nao Quang, Nao Đơ (xã Lộc Phú) sẽ dễ dàng nhận thấy rất nhiều cây thông “mồ côi” bỗng nhiên chết đứng giữa vườn cà phê đã lên xanh tốt. Cứ thế, năm này qua năm khác, những gốc thông “mồ côi” ấy cứ ngã xuống, mục ruỗng và nhường chỗ cho những gốc cà phê lên xanh. Theo lãnh đạo một công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Lâm, những gốc thông tự nhiên đơn lẻ nằm ở bìa rừng hay ở cạnh những vườn cà phê như thế rất khó bảo vệ. Bởi lẽ, lâu lâu bỗng dưng có một cây bị chết đứng nên việc lập biên bản và xử lý rất khó thực hiện. 
 
Không chỉ những gốc thông “mồ côi”, nếu đi từ đoạn đường tràn liên hợp kéo dài về buôn Nao Quang thì có thể thấy hàng trăm gốc thông lớn nhỏ đã chết “trơ xương”. Gọi là trơ xương bởi lẽ những gốc thông này đã bị “chết khô không rõ nguyên nhân” cách đây vài năm, cành lá đã không còn, chỉ còn lại những thân cây trắng hếu sau khi đã bong tróc hết lớp vỏ bên ngoài. Có cây thì đã chết đứng, có cây thì ngã đổ ngổn ngang dưới mặt đất. Điều đáng nói, dưới những tán thông trơ trụi đó là những gốc cà phê lún phún bắt đầu vươn lên. Qua xác định, khu vực có số thông chết hàng loạt này là khu vực làm giàu rừng của một công ty thuê đất, thuê rừng. Hiện, công ty này đang trồng mắc ca với mật độ 6 m x 12 m và trồng cà phê với mật độ 2,5 m x 3 m. Tiếp tục đi sâu vào phía trong là khu vực do Công ty Cổ phần Giống Vĩnh Lộc và Công ty TNHH Vĩnh Tiến nhận đất rừng để triển khai dự án. Trong đó, Công ty Vĩnh Lộc nhận hơn 95 ha (có 56 ha phải quản lý, bảo vệ rừng), Công ty Vĩnh Tiến nhận hơn 210 ha (có 65 ha phải quản lý, bảo vệ rừng). Cả hai công ty này đều thuê đất, thuê rừng từ năm 2011 nhưng đến nay không chỉ thực hiện dự án chậm mà còn để xảy ra những sai phạm. 
 
Sau khi được bàn giao đất, Công ty Vĩnh Lộc có triển khai trồng chè Đài Loan, trồng cây gáo nhưng đều bị chết. Đến năm 2015 - 2016, Công ty tiến hành trồng cây muồng đen và chè, cà phê dưới tán thông với diện tích khoảng 25 ha; trong đó, trồng dưới tán thông gần 8 ha, trồng trên diện tích đất giải tỏa gần 6 ha và còn lại là trồng trên đất trống. Trong khi đó, Công ty Vĩnh Tiến cũng đã tiến hành trồng xen chè Đài Loan và cây muồng đen dưới tán rừng với diện tích 141 ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Công ty đã để diện tích rừng bị phá gần 21 ha với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 1.520 m 3 gỗ. Ngoài ra, Công ty còn để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là hơn 32 ha. Nghiêm trọng hơn, Công ty đã tự ý chuyển đổi trồng cây muồng đen xen cây cà phê với diện tích 78 ha. 
 
Một gốc thông lớn “đổ máu” vì bị ken gốc đổ hóa chất. Ảnh: Đ.A
Một gốc thông lớn “đổ máu” vì bị ken gốc đổ hóa chất. Ảnh: Đ.A

Ông Giáp Văn Tỉnh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm cho biết: Trong số diện tích cà phê đã được trồng tại khu vực này chỉ có một ít là do dân lấn chiếm, còn lại là do 2 công ty Vĩnh Lộc và Vĩnh Tiến trồng. Việc hai công ty này tự ý trồng cà phê dưới tán rừng là không đúng với nội dung giấy chứng nhận đầu tư được cấp thẩm quyền cho phép.
 
Sau khi Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra và mời lãnh đạo 2 công ty này lên làm việc đã yêu cầu nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê trồng trái phép. Tuy nhiên, đến nay, cả hai công ty vẫn chưa thực hiện. Về phía Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, hiện đang tiến hành kiểm kê lại toàn bộ đất đã giao cho 2 công ty này để đề xuất huyện trình Sở Kế hoạch đầu tư thu hồi một phần hoặc thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho 2 công ty.     
 
Mạnh tay giải tỏa
 
Còn nhớ, vào cuối tháng 8/2018, 76 gốc thông tự nhiên tại Tiểu khu 442 (xã Lộc Phú) thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý đã bị các đối tượng ken gốc, đổ hóa chất. Vụ việc nhanh chóng được phát hiện sau đó nên gần như toàn bộ số thông này được cứu sống. Tuy nhiên, nhìn những gốc thông bị vạc gốc, tứa nhựa ra như những vết chém nghiêm trọng gây “đổ máu” thì có thể thấy rằng cuộc chiến bảo vệ đất rừng đang còn rất dai dẳng. Bởi lẽ, một vạt rừng thông ngã xuống đồng nghĩa với việc những vườn cà phê sẽ vươn lên. Vì lợi ích cá nhân, nhiều người đã bất chấp pháp luật để lấn chiếm đất rừng trồng cây nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đam Bri chia sẻ: Hiện tại, Ban đang quản lý 12.580 ha đất rừng tại địa bàn 7 xã, thị trấn. Do diện tích rừng tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều nên thường xuyên bị lấn chiếm. Do đó, áp lực giải tỏa đất lấn chiếm là rất nặng nề, bình quân mỗi tháng Ban phải tổ chức 2 - 3 đợt giải tỏa như thế. Đến nay, Ban đã giải tỏa được 25 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng cây nông nghiệp. Hiện tại, Ban có 6 trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng nhiều khi rừng thông bị ken gốc ở rất gần các trạm nhưng cũng rất khó phát hiện vì thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng. Hiện tại, công tác quản lý bảo vệ chủ yếu dựa vào lực lượng nhận khoán, lực lượng của Ban chủ yếu xác định các địa bàn trọng điểm để triển khai bảo vệ.
 
Huyện Bảo Lâm hiện có 79.000 ha quy hoạch rừng và đất rừng. Diện tích này do 2 công ty lâm nghiệp, 1 ban quản lý rừng, 3 cộng đồng dân cư, 357 hộ gia đình và 53 tổ chức, doanh nghiệp quản lý, bảo vệ. Trong đó, 53 tổ chức, doanh nghiệp nhận đất rừng với diện tích gần 16.000 ha. Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Đối với diện tích rừng do 2 công ty lâm nghiệp và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý thì công tác quản lý, bảo vệ thực hiện khá tốt do các đơn vị này đã có kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tốt và quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm cao. Trong khi đó, nan giải nhất vẫn là công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đây là bài toàn khó khăn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn cả với địa phương. Bình quân mỗi năm huyện Bảo Lâm giải tỏa khoảng 100 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã có 8 vụ truy cứu trách nhiệm hình sự với 18 bị can. Quan điểm của huyện là phát hiện vụ nào, xử lý ngay vụ đó. Nếu thấy người dân lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê là tiến hành giải tỏa, nhổ bỏ ngay.  

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng
 
Ngày 18/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã ký ban hành Văn bản số 5984/UBND-LN “Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn”.
 
Trước tình hình vi phạm pháp luật về QLBV rừng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, các thành viên Ban Chỉ đạo và Giám đốc Sở NN-PTNT tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác QLBV rừng và đất lâm nghiệp tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm quy định về chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để sang nhượng đất đai trái phép; kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đúng quy định, nhất là các vụ việc có yếu tố hình sự, chống người thi hành công vụ. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người nhận khoán bảo vệ rừng trong việc tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng…
 
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác QLBV rừng, nhất là tại các địa bàn xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật về QLBV rừng như huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức kiểm lâm lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên địa bàn quản lý, phụ trách. Chỉ đạo các chủ rừng rà soát lại tất cả các trường hợp vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng (trong khoảng thời gian từ 2 năm trước đến nay), kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa diện tích bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng; đối với diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp có thời gian trước 2 năm trở đi thì phải kiên quyết yêu cầu trồng xen cây lâm nghiệp thích hợp với mật độ phù hợp để khôi phục rừng; trường hợp nào không chấp hành thì cương quyết lập hồ sơ, giải tỏa, trồng rừng lại.
 
Địa phương nào không thực hiện, thực hiện không cương quyết để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép… thì chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.
TS

ÐÔNG ANH