Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, tình trạng san gạt, lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có địa bàn huyện Lâm Hà.
Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, tình trạng san gạt, lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có địa bàn huyện Lâm Hà.
|
Nhiều nơi trên địa bàn huyện Lâm Hà đang xảy ra tình trạng san gạt đất trái phép. Ảnh: C.Phong |
Được đánh giá là địa phương ra quyết định xử phạt hành chính liên quan tới việc san gạt, múc đất đá trái phép nhiều nhất trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tới nay, tuy nhiên, Phòng TN&MT huyện Lâm Hà thông tin, các vụ vi phạm về san gạt, lấn chiếm đất chưa có dấu hiệu giảm do một phần quản lý tại địa bàn cơ sở không thật sự chặt chẽ.
Điển hình là khu vực đồi “truyền hình” rộng gần 2 ha tại khu phố Bạch Đằng, thị trấn Nam Ban. Quả đồi trên nằm tại khu vực trung tâm thị trấn, sát mặt đường tỉnh lộ DT 725 được Ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Nam Ban hợp đồng với người dân trồng rừng thông 3 lá kinh doanh từ năm 1989. Tuy nhiên, từ năm 2017 tới nay, đồi thông nằm ngay khu dân cư trên liên tục bị các đối tượng cưa hạ với số lượng lớn, chỉ còn lỏng chỏng hơn 100 cây thông. Cùng với việc tàn phá thông rừng, một số người dân đã tiến hành san gạt đất, đóng cọc bê tông, giăng hàng rào lấn chiếm đất trên đồi nhưng phía chính quyền chưa có các giải pháp giải quyết triệt để.
Ông Nguyễn Phúc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban xác nhận, năm 2017 đồi “truyền hình” đã bị các đối tượng “đầu độc” giết chết hàng trăm cây thông từ 20 tới gần 30 năm tuổi. Ba tháng gần đây, rừng thông trên tiếp tục bị các đối tượng tiếp tục cưa hạ. Ngoài ra, tại khu vực đồi Độc Lập (Tiểu khu 270, tổ dân phố Chi Lăng) cũng có 488 m
2 rừng bị phá, 21 cây thông bị cưa hạ. Tổ dân phố Thăng Long cũng có 600 m
2 đất rừng với 42 cây thông bị ken chết…
“Hầu hết các trường hợp trên chúng tôi xác định mục đích chính các đối tượng triệt hạ thông rừng để chiếm đất. Thậm chí, có trường hợp một hộ dân lấn chiếm đất chúng tôi phát hiện, lập biên bản vi phạm đã ra sức chống đối, bất hợp tác và còn nhục mạ lực lượng chức năng!...”, - ông Thái nói và cho biết thêm việc tàn sát rừng thông, lấn chiếm, san múc đất rừng ở một số vị trí trên có dấu hiệu của băng nhóm “xã hội đen” khiến công tác quản lý trở nên phức tạp.
Tương tự, chúng tôi cũng ghi nhận có nhiều điểm san gạt đất nông nghiệp trái phép, chặt hạ thông rừng tại khu vực địa giới xã Gia Lâm. Qua trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, có 97 cây thông ba lá gần 20 năm tuổi bị chặt hạ tại khu vực Thôn 4, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Ban quản lý. Về đất nông nghiệp, qua kiểm tra xã phát hiện hộ ông Hoàng Đình Nghiêm san gạt đất với diện tích 4.500 m
2, phân thành nhiều lô theo dạng bậc thang. Ông Hinh cho hay, UBND xã Gia Lâm ngày 6/9 đã gửi báo cáo lên UBND huyện Lâm Hà xem xét, chỉ đạo, trong khi đã yêu cầu ông Nghiêm cam kết ngưng san gạt đất, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, ngày 6/9 sau khi trao đổi với ông Hinh, chúng tôi đã đi cùng ông Nguyễn Bá Thanh, cán bộ địa chính xã tới kiểm tra và phát hiện hộ ông Nghiêm vẫn cho máy múc đất, san gạt rầm rộ trên đồi, gần như không có chuyện gì xảy ra?. Tiếp tục rà soát khu vực lân cận, ông Thanh phát hiện thêm hộ ông Nguyễn Quới (thuộc Thôn 2, xã Gia Lâm) cũng đang cho máy múc san gạt đất với diện tích san gạt khoảng 1,500 m
2.
Ông Lê Văn Thiêm, Trưởng phòng TN&MT huyện Lâm Hà cho biết, từ đầu năm tới nay, UBND huyện đã gửi nhiều văn bản truyền đạt chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý nghiêm hoạt động san gạt, múc đất trái phép trên địa bàn. Đặc biệt là việc thực hiện nghiêm Văn bản số 2472/UBND - LN ngày 26/4/2018 và số 2586/UBND - ĐC ngày 4/5/2018 của UBND tỉnh về việc ngưng thực hiện quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp (Quyết định số 1498/QĐ - UBND ngày 6/7/2017).
Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ra nhiều văn bản hướng dẫn UBND các xã xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai. Từ đầu năm 2018 tới nay, theo thống kê Phòng TN&MT huyện và UBND các xã, thị trấn đã phát hiện 21 trường hợp khai thác đất đá trái phép và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 185 triệu đồng. Trong đó có các trường hợp vi phạm UBND huyện xử phạt lên tới 35 - 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Thiêm, về cơ bản tình hình vi phạm trong san gạt đất nông nghiệp vẫn còn phức tạp, nhiều vụ việc cơ quan chức năng chưa thể ra quyết định xử phạt hành chính. Khó khăn, vướng mắc trên do chính quyền cấp xã một số nơi còn hiểu mơ hồ, xử lý các các trường hợp vi phạm về san gạt đất còn lúng túng. “Tôi ví dụ trách nhiệm cấp xã ngay khi phát hiện vụ việc vi phạm phải tiến hành lập biên bản, niêm phong tang vật, xác định diện tích đất khai thác… Sau đó, tùy mức độ vi phạm sẽ chuyển lên Phòng TN&MT, các đơn vị khác theo phân cấp xử lý. Trong khi đó, nhiều lần UBND các xã chỉ gửi lên báo cáo kiểm tra các vụ việc ban đầu. Khi anh em xuống phối hợp kiểm tra thì không có đủ căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính vì tang vật là xe, người… không còn” - ông Thiêm chia sẻ.
UBND huyện Lâm Hà cho biết, trước thực trạng trên, huyện đã và đang tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, san gạt đất trái phép trên địa bàn. Đặc biệt là việc nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được giao nhiệm vụ, phân cấp và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra vi phạm lớn, không báo cáo kịp thời vụ việc...
C.PHONG