Chúng tôi về thôn Nao Quang trong một ngày nắng đẹp của mùa thu Cao nguyên, đường điện lưới quốc gia chạy thẳng tắp từ Quốc lộ 725 vào tận thôn. Con đường nhựa nông thôn mới như dải lụa mềm vắt qua nương rẫy cà phê, mở ra một bức tranh tươi sáng cho Nao Quang ngày mới.
Chúng tôi về thôn Nao Quang trong một ngày nắng đẹp của mùa thu Cao nguyên, đường điện lưới quốc gia chạy thẳng tắp từ Quốc lộ 725 vào tận thôn. Con đường nhựa nông thôn mới như dải lụa mềm vắt qua nương rẫy cà phê, mở ra một bức tranh tươi sáng cho Nao Quang ngày mới. Nao Quang - thôn cuối của huyện Bảo Lâm và là một trong 7 thôn cuối cùng của tỉnh được cấp điện dịp trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua đã cho thấy sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước tới đồng bào vùng sâu còn nhiều khó khăn, qua đó góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn mới tại địa phương.
|
Nao Quang hôm nay đã khởi sắc nhờ có nguồn điện lưới quốc gia, có đường nông thôn mới. Ảnh: N.Thu |
Một cán bộ ngành điện Bảo Lâm chia sẻ: Trước đây, mỗi lần vào thôn Nao Quang rất khó khăn, không có điện, không có đường nhựa, chỉ là con đường đất bụi bặm vào mùa khô và sình lầy vào mùa mưa, có khi anh em vào tới thôn rồi khi ra phải bỏ xe máy lại và đi bộ ra Quốc lộ 725 bắt xe về. Nói như thế để thấy sự khó khăn về đi lại của nhân dân thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm khoảng 5 năm về trước gần như bị cô lập với bên ngoài bởi không có điện, không có đường, bà con chỉ thâm canh sản xuất cà phê, hoa màu và còn rất nhiều khó khăn.
Chủ trương xây dựng nông thôn mới đã thực sự tạo ra một bức tranh màu tươi sáng cho Nao Quang khi con đường do nhà nước và nhân dân đóng góp, từ nhiều nguồn vốn: 134, nông thôn mới, xã hội hóa, đã giúp công trình đường giao thông sớm hoàn thành vào năm 2017. Từ sự quan tâm của Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Công ty Điện lực Lâm Đồng, đội ngũ cán bộ, công nhân Điện lực Bảo Lâm đã dốc hết sức mình khẩn trương thi công công trình đường điện lưới quốc gia nối vào thôn Nao Quang. Hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho đường điện lưới quốc gia vào thôn Nao Quang đã được gấp rút thi công và hoàn thành dịp đầu xuân Mậu Tuất để bà con đón tết thêm vui.
Anh Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Bảo Lâm cho biết: Để hoàn thành tiêu chí điện - tiêu chí thứ 4 về xây dựng chuẩn nông thôn mới là một quá trình hết sức khó khăn, từ khâu ban đầu lập hồ sơ, duyệt kinh phí và đến giai đoạn thi công. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công đó là giải phóng mặt bằng, anh em đều phải vận động, giải thích để nhân dân đồng ý, đồng thuận về chủ trương giải phóng mặt bằng thi công lắp đặt đường điện, hệ thống chiếu sáng. Khó khăn hơn nữa đó là đường điện phải thi công băng qua một khu vực thuộc đất lâm nghiệp, trong lúc Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng nên dù thi công một đoạn không quá dài nhưng cũng phải chờ xin ý kiến từ Trung ương. Rất may là mọi khâu đều thuận lợi, bởi đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng. Đến nay, đường điện lưới quốc gia đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân thôn Nao Quang được hơn 9 tháng qua. Đây là một trong những công trình trọng điểm, Điện lực Bảo Lâm đã rất nỗ lực trong quá trình thực hiện dự án. Anh em cán bộ, công nhân ngành điện chúng tôi trực tiếp thi công cũng rất phấn khởi vì phục vụ kịp thời nguồn điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất để bà con vui mừng đón tết 2018 vừa qua.
Trưởng thôn Nao Quang, ông Triều Chăng Sồi vui mừng chia sẻ: Cuộc sống của nhân dân nơi đây đã thay đổi đáng kể, giờ nhà ai cũng có đèn điện thắp sáng, bà con được tiếp cận thông tin qua hệ thống truyền hình, internet, nhà nào cũng sắm sửa thêm các thiết bị, đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình như ti vi, nồi cơm điện; một số nhà có điều kiện sắm thêm giàn máy karaoke để phục vụ sinh hoạt giải trí sau những giờ lao động vất vả ngoài nương rẫy cà phê.
Nao Quang là nơi tập trung của 86 hộ dân với 315 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc Châu Mạ, ngoài ra còn có khoảng gần 50 hộ người Hoa đi kinh tế mới từ Định Quán - Đồng Nai tới lập nghiệp. Nhưng về sau, do giá cà phê xuống thấp, nhiều hộ người Hoa đã bán rẫy cà phê rời Nao Quang đi làm ăn nơi khác. Ngày nay toàn thôn còn khoảng 20 hộ người Hoa tiếp tục bám đất làm cà phê, giữ vững ổn định sản xuất. Không chỉ vậy, thôn Nao Quang hiện còn có một số hộ người Kinh, Mường, Chàm… cùng sinh sống, phát triển sản xuất. Bà con nơi đây đều đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, đang từng bước chuyển đổi cây trồng cho phù hợp và tiếp cận thêm các tiến bộ khoa học công nghệ. Cây trồng chủ lực vẫn là cà phê, ngoài ra bà con thâm canh trồng xen các loại cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng và mắc - ca, chăn nuôi gà, vịt, heo cho thu nhập thêm, cải thiện đời sống.
Chị K’Kiêu (Xóm 1, thôn Nao Quang) vui mừng cho biết: Từ khi có nguồn điện sáng về buôn, bà con được coi tin tức thời sự, biết được thời tiết mưa bão để phòng tránh kịp thời nên vui mừng lắm. Cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho thôn buôn chúng tôi ngày một phát triển hơn. Mong Nhà nước, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm điều tiết về thị trường giá cả cà phê, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đời sống bà con ngày một đi lên.
Mong muốn của chị K’Kiêu cũng là mong muốn của nhân dân thôn Nao Quang hôm nay. Màu xanh ngút ngàn của cà phê đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch hứa hẹn một mùa bội thu. Một số người dân trong thôn cho biết, bà con hiện nay cần hơn nữa sự quan tâm định hướng về phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng để đời sống nhân dân bớt khó khăn hơn. Đường đã có, điện đã về… nhưng mơ ước về một cuộc sống khá hơn là điều có thể để bà con các dân tộc nơi đây tiếp tục bám đất yên tâm lao động sản xuất và làm giàu trên quê hương mới Nao Quang.
NGUYỆT THU