Nhiều năm qua, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở Tiểu khu 301, xã Tân Thành (Ðức Trọng) đã và đang diễn ra với chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân chính được xác định do buông lỏng quản lý, đáng chú ý hơn có dấu hiệu để khởi tố hình sự.
Nhiều năm qua, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở Tiểu khu 301, xã Tân Thành (Ðức Trọng) đã và đang diễn ra với chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân chính được xác định do buông lỏng quản lý, đáng chú ý hơn có dấu hiệu để khởi tố hình sự.
|
Hàng hecta rừng thông bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Phong Vân |
Phá rừng dai dẳng nhiều năm liền
Năm 2008 Cơ sở Thiên Phước được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó, Cơ sở xin thuê để lập dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và trồng cỏ thảo dược, nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật tại một phần Tiểu khu 301, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng với diện tích 108,01 ha. Trong đó, đất có rừng là 99 ha, trồng rừng 8,653 ha, xây dựng cơ sở hạ tầng 2,1753 ha, chăn nuôi đà điểu và bò khoảng 100 con. Hiện trạng trong khu vực thuê là đất rừng trồng thông ba lá năm 2001 (RT01), rừng, rừng trồng năm 2002 (RT02) của Công ty Cổ phần giấy Tân Mai liên kết với Ban QLR phòng hộ Đại Ninh. |
Mới đây, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã phát hiện vụ chặt hạ 96 cây thông 3 lá rừng trồng năm 2003 rải rác trên diện tích hơn 5.000 m
2 (0,5 ha) tại Tiểu khu 301, xã Tân Thành. Diện tích rừng này do Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước (Cơ sở Thiên Phước) quản lý. Qua điều tra, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã thu thập chứng cứ liên quan và xác định đối tượng vi phạm là ông Đoàn Quốc Huy người có liên quan của Cơ sở Thiên Phước chủ động thực hiện, nên ngày 10/9/2018, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Huy.
Cũng theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, trước đây vào tháng 8/2017, trên lâm phần Cơ sở Thiên Phước quản lý xảy ra vụ phá rừng trồng năm 2003 với tổng diện tích là 9,95 ha; trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 280,85 m
3. Sau khi phát hiện vụ vi phạm, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã chủ trì mời Viện Kiểm sát, Công an, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Ban QLRPH Đại Ninh và Cơ sở Thiên Phước tổ chức khám nghiệm hiện trường tại Tiểu khu 301, tiến hành thu thập chứng cứ, điều tra xác định ban đầu một số đối tượng liên quan. Qua đó, đánh giá mức độ vi phạm là nghiêm trọng, vượt khung xử lý vi phạm hành chính nên Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Trọng đề nghị khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Chưa dừng lại ở đó, Hạt Kiểm lâm huyện còn phối hợp với UBND xã Tân Thành mật phục bắt quả tang ông Phạm Phú Thuần (tỉnh Hưng Yên) điều khiển máy múc san gạt, múc ủi lấy mặt bằng đất cũng trên diện tích rừng bị phá này. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã cùng UBND xã Tân Thành tiến hành lập biên bản và chuyển bổ sung cho Công An huyện Đức Trọng để điều tra.
Trên phần diện tích do Cơ sở Thiên Phước quản lý tại Tiểu khu 301 thì từ đầu năm 2018 đến nay, ngoài vụ chặt hạ 96 cây rừng trồng mà Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã lập biên bản và xử lý đã nêu trên, còn phát hiện 2 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích là 2,64 ha và 2 vụ khai thác rừng trồng rải rác, nhưng đến nay chưa truy tìm được đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định.
Để mục sở thị khu vực rừng bị phá, phóng viên cùng cán bộ kiểm lâm vào tận nơi rừng bị phá. Tại đây, một khoảng rộng rừng bị cưa hạ, nhựa thông tứa ra, lá vẫn còn xanh. Theo cán bộ kiểm lâm thì diện tích này mới bị cưa hạ cách đây vài ngày đã được kiểm lâm địa bàn kiểm tra phát hiện vào ngày 22/9/2018, với số cây rừng trồng bị cắt hạ là 40 cây trên diện tích 1.000 m
2, nhằm mục đích chủ yếu là lấy đất và đang được Hạt Kiểm lâm Đức Trọng điều tra, xử lý.
Rừng ngã xuống là cà phê mọc lên, có cà phê mới trồng cũng có cà phê 3 năm tuổi chuẩn bị cho trái bói.
Trước đó, vào năm 2015, Cơ sở Thiên Phước cũng đã để xảy ra phá rừng trồng với diện tích 11,16 ha và lấn chiếm đất lâm nghiệp 2,2 ha. Trong năm 2017 để xảy ra phá rừng trồng với diện tích 0,1 ha, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép 2,64 ha và 2 vụ khai thác rừng trái phép. Đặc biệt, vụ phá rừng có dấu hiệu tội phạm hủy hoại tài sản xảy ra vào tháng 8/2017, với tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại là 9,95 ha; tổng trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 280,85 m
3 như đã nêu ở trên. Toàn bộ diện tích rừng trồng bị phá nằm trong ranh giới lâm phần do Cơ sở Thiên Phước quản lý với diện tích khá lớn. Hình thức phá rừng đem cưa cắt ngang quá thân toàn bộ cây rừng; chiều cao chừa lại cách mặt đất từ 10 cm - 85 cm. Trước tình trạng phá rừng trồng diễn ra nhiều năm, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã phối hợp với UBND xã Tân Thành mời những đối tượng liên quan để làm việc và ông Huỳnh Công Dân (trú thôn Tân Bình, xã Tân Thành) thừa nhận có thực hiện hành vi cắt dọn cây thông và múc đất theo sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Chế, nguyên là Phó Giám đốc Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước. Từ đó Hạt Kiểm lâm đã hoàn tất hồ sơ ban đầu và chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng tiếp tục phối hợp điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Rừng ngã xuống, cà phê mọc lên. Ảnh: Phong Vân |
Buông lỏng quản lý
Quá trình để xảy ra vi phạm Cơ sở Thiên Phước không kiểm tra phát hiện đối tượng vi phạm, đồng thời cũng không tổ chức lực lượng đủ mạnh để kiểm tra ngăn chặn và lập biên bản ban đầu, báo cáo cơ quan chức năng kịp thời ngay khi mới phát sinh.
Ông Phạm Khắc Từ, Giám đốc Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư của cơ sở với các hạng mục xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật đến nay đã hết thời hạn đầu tư từ năm 2013. Vì vậy, cơ sở của ông không có chủ trương phá rừng, khai thác lâm sản và đưa phương tiện cơ giới vào san ủi trái phép để triển khai dự án đầu tư. Tình trạng san ủi, phá rừng, khai thác trái phép xảy ra là do công tác quản lý, bảo vệ rừng lỏng lẻo, lực lượng bảo vệ ít, lâm phần quản lý gần khu dân cư, khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Còn ông Lê Văn Hậu - Phó Giám đốc Cơ sở Thiên Phước, người trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng cho biết, năm 2008 cơ sở Thiên Phước được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ thời gian đó đến năm 2016 cơ sở đã cố gắng và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ đất và rừng trồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, cơ sở gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự nên việc quản lý, bảo vệ đất rừng của cơ sở cũng như việc ngăn chặn lấn đất, phá rừng còn chưa tốt, còn để người dân chặt phá rừng, lấn đất mà chưa có biện pháp ngăn chặn và không thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sở tại để có biện pháp ngăn chặn giải tỏa hữu hiệu kịp thời. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa những diện tích vi phạm, tăng cường lực lượng bảo vệ, kiên quyết xử lý các vụ lấn đất, phá rừng, đồng thời triển khai việc trồng mới diện tích đất đã thu hồi.
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước không đủ năng lực QLBVR, buông lỏng công tác quản lý, để rừng bị phá, bị san ủi và khai thác lâm sản trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, có dấu hiệu vi phạm trong các hoạt động triển khai dự án. Từ những kết quả điều tra, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cũng đã đề nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo Công an Đức Trọng đấu tranh, làm rõ các đối tượng liên quan đến vụ hủy hoại rừng tại Tiểu khu 301, lâm phần do Cơ sở Thiên Phước quản lý mà Hạt Kiểm lâm đã chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án hình sự và xử lý nghiêm theo quy định. Qua đó, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kiểm tra và tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh thu hồi. Tuy nhiên, do vụ án phá rừng 9,95 ha, Công an huyện Đức Trọng đang thụ lý điều tra, nên chưa tham mưu đề xuất thu hồi được.
Đối với những diện tích bị phá và sản ủi, UBND huyện Đức Trọng đã đề nghị Cơ sở Thiên Phước tổ chức trồng rừng ngay trong mùa mưa, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, phân loại cụ thể những diện tích cà phê lâu năm không thể giải tỏa được, từ đó xây dựng phương án và tổ chức lực lượng phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương giải tỏa, thu hồi lại đất. Đồng thời, đã yêu cầu Cơ sở Thiên Phước bố trí lực lượng đủ mạnh thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mới trên diện tích được giao. Có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tuyệt đối các đối tượng tiếp tục vào tác động trên diện tích rừng trồng bị phá trong thời gian qua. Mọi trường hợp để xảy ra lấn chiếm trên diện tích rừng bị phá, Cơ sở Thiên Phước phải chịu trách nhiệm.
PHONG VÂN