Do đã được chú trọng đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nên những năm qua, điều kiện phát triển sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh có nhiều chuyển biến tích cực. Ðiều đó đã tạo một luồng sinh khí mới làm thay đổi mạnh diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.
Do đã được chú trọng đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nên những năm qua, điều kiện phát triển sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh có nhiều chuyển biến tích cực. Ðiều đó đã tạo một luồng sinh khí mới làm thay đổi mạnh diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.
|
Máy móc đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Ảnh: NDong Brừm |
Thời công nông
Là cư dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, mà chủ lực là lúa nước, phương thức sản xuất của bà con dân tộc K’Ho xưa kia còn rất nghèo nàn và lạc hậu, phụ thuộc vào sức người và sức kéo của đàn trâu là chính. Vì vậy, năng suất, hiệu quả lao động đạt thấp, tình trạng đói giáp hạt thường xuyên xảy ra, dẫn đến cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng bà con trong vùng. Ông K’Brổih - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận nhớ lại: “Trước đây, điều kiện sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số còn lắm khó khăn, thời gian làm đất trải qua nhiều công đoạn và kéo dài nhiều tháng. Đến mùa thu hoạch cũng thế, nhất là các hộ có diện tích đất sản xuất lớn, từ thời điểm gặt hái cho đến khi mang lúa về kho cũng mất khá nhiều thời gian”.
Từ năm này qua năm khác, cứ xoay theo vòng quay của chu kỳ “cày bừa, gặt hái”, nên đời sống kinh tế của người dân vùng dân tộc thiểu số cứ loay hoay, luẩn quẩn mãi với cảnh đói nghèo.
Xã hội ngày càng phát triển, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: chính sách định canh - định cư; các chương trình dự án đầu tư vùng đặc biệt khó khăn; chuyển đổi giống cây trồng (cây cà phê), vật nuôi…, nên đời sống kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến rõ nét; bà con đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao… Ngoài lúa nước, người dân đã chú trọng đến canh tác cây cà phê, góp phần thiết thực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ở vùng dân tộc thiểu số.
Để giải quyết bài toán về sức kéo, duy trì sản xuất lúa nước đảm bảo cung cấp nguồn lương thực tại chỗ, từ những năm 1990, bà con dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh đã chú trọng đầu tư máy móc, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp để thay thế dần sức trâu, sức lao động của con người và cũng từ đó “thời đại” xe công nông đã ra đời. “Việc cơ giới hóa nông nghiệp ở Bảo Thuận muộn hơn so với một số xã lân cận thị trấn Di Linh. Đến năm 2000, những hộ mua sắm xe công nông chỉ đếm đầu ngón tay, mãi đến năm 2005 thì mới phát triển rầm rộ, gần 100% hộ dân đã được trang bị xe công nông với mục đích chính là phục vụ cày ruộng và chuyên chở (trừ các thôn không có ruộng lúa)”, ông K’Bring - Thường trực Đảng ủy xã Bảo Thuận cho biết.
Một diện mạo mới
Những chiếc máy cày, máy kéo… được đưa vào cày cấy, gặt hái trên các cánh đồng chẳng những giúp bà con rút ngắn thời gian làm đất, nâng cao năng suất, giúp cho việc xuống giống đồng loạt kịp thời vụ, thuận lợi trong việc phòng ngừa bệnh và dịch hại, mà còn góp phần đáng kể trong việc giải phóng sức lao động cho người dân.
Không dừng lại ở khâu dùng máy móc làm đất, những năm qua, bà con đã tự trang bị máy phóng lúa, máy cày chuyên vận chuyển hàng nông sản, có hộ cũng đã đầu tư mua sắm máy gặt liên hợp... Nhờ sử dụng đồng bộ máy móc vào sản xuất nông nghiệp, nên đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể như: làm giảm nhân công lao động trên một đơn vị diện tích, thời gian thu hoạch lúa được rút ngắn trong ngày và bà con không còn cảnh phải gùi lúa, cà phê hàng chục kilômet như trước kia.
Trước đây, cũng như bao bà con trong vùng, đến mùa thu hoạch gia đình anh K’Bảo ở TDP Di Linh Thượng 2, thị trấn Di Linh đều phải đi đổi công. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, anh K’Bảo đều thuê máy gặt liên hợp để gặt lúa mà thời gian được rút ngắn lại. “Việc sử dụng các nông cụ vào sản xuất đã đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Gia đình tôi có 2,5 sào lúa phải huy động khoảng 15 công lao động mới thu hoạch xong, giờ dùng máy gặt liên hợp chỉ cần 2 người chủ yếu vận chuyển bao lúa chất lên máy cày là được, mà thời gian chưa tới một tiếng đồng hồ là hoàn thành, chi phí cũng hợp lý, chỉ 400.000 đồng/sào”.
Việc đưa máy móc vào sản xuất là xu hướng chung hiện nay của bà con dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh, bởi lợi ích nhanh gọn, hiệu quả…, vừa giúp tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, tránh được với mưa gió, nâng cao chất lượng hạt lúa và có thêm thời gian để làm những công việc khác.
|
Có khoảng 75% hộ dân xã Tân Thượng đã đầu tư máy cày phục vụ sản xuất. Ảnh: NDong Brừm |
Không chỉ địa phương canh tác lúa áp dụng máy móc vào sản xuất, các xã độc canh cây cà phê như Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng… cũng đã chú trọng cơ giới hóa. Xã Tân Thượng có 1.254 hộ canh tác 3.200 ha cà phê, ngoài việc trang bị máy phun thuốc, bón phân, máy cắt cỏ, máy tưới…, đến nay, toàn xã cũng đã có khoảng 75% số hộ đã trang bị máy cày, máy kéo phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, vào mùa vụ thu hoạch cà phê, trên các tuyến đường làng, các loại máy cày, máy kéo tấp nập ra vào vận chuyển cà phê, minh chứng sự phát triển, đổi thay ở các bản làng. Ông K’Nhèm ở buôn Bơsu Mbla, xã Tân Thượng hồ hởi: “Trước đây, đường sá đi lại còn khó khăn, chưa có xe máy cày vận chuyển nông sản, nên người dân chủ yếu gùi là chính. Nay đời sống của bà con cũng đã khá lên, họ rất quan tâm đến việc mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất, tiết kiệm được sức lao động. Mặt khác, đường vào khu sản xuất cũng từng bước được Nhà nước đầu tư, nên điều kiện sản xuất của người dân hiện nay rất thuận lợi và được nâng cao”.
Điều kiện sản xuất của người dân ở các thôn thuộc diện khó khăn Bảo Thuận, xã vùng sâu Sơn Điền… từng bước được nâng lên. Đến nay, trong số 186 hộ dân ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận đã có 98% số hộ có xe công nông, trên 20% hộ có xe máy cày phục vụ chuyên chở. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, nên đời sống của người dân đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới được giảm đáng kể. Trong số 1.684 hộ của xã Bảo Thuận thì giờ chỉ còn lại 134 hộ nghèo và 107 hộ cận nghèo.
Ghi nhận tại các bản làng ở vùng dân tộc thiểu số huyện Di Linh, bà con nơi đây làm việc thường chạy đua với thời gian, nhất là vào thời kỳ cao điểm của mùa vụ. Sau khi thu hoạch lúa hè thu, bà con bắt tay ngay vào việc thu hái cà phê rồi tranh thủ thời gian xuống đồng sản xuất vụ đông xuân...
Theo đánh giá của ông Trần Đức Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Điều đó, không chỉ giúp bà con nông dân giảm công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, góp phần gia tăng lợi nhuận trong sản xuất và phát huy tốt tính cộng đồng trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
NDONG BRỪM