Tháng 5/2013, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt Ðề án tuyển chọn trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc tỉnh Lâm Ðồng (Gọi tắt là Ðề án 50). Sau 5 năm thực hiện, đã có những đội viên phát huy tốt năng lực để đứng vào hệ thống chính trị tại địa phương. Song, vẫn có những đội viên chưa được bố trí vào công chức cấp xã.
Tháng 5/2013, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã phê duyệt Ðề án tuyển chọn trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc tỉnh Lâm Ðồng (Gọi tắt là Ðề án 50). Sau 5 năm thực hiện, đã có những đội viên phát huy tốt năng lực để đứng vào hệ thống chính trị tại địa phương. Song, vẫn có những đội viên chưa được bố trí vào công chức cấp xã.
|
Sau 5 năm, các đội viên của Đề án đã tham mưu tốt, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ. (Trong ảnh: Chị Liêng Hot Hồng Thắm, cán bộ Đề án 50 là công chức tại UBND xã Tà Nung). Ảnh: N.N |
Sau khi Đề án được phê duyệt và đi vào thực hiện, Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ Đề án 50 được thành lập và thực hiện việc xét tuyển. Đối tượng tuyển chọn là thanh niên dân tộc gốc Tây Nguyên, tốt nghiệp đại học chính quy thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc. Đã có 69 hồ sơ dự tuyển, trong đó đa phần lượng hồ sơ nộp vào đều cao hơn chỉ tiêu của các địa phương. Cao nhất là huyện Di Linh với 20 hồ sơ/10 chỉ tiêu. Có 47 người qua xét tuyển đạt và được triệu tập tham gia bồi dưỡng. Tuy nhiên, có 4 trường hợp không thể tham gia bồi dưỡng vì lý do cá nhân và gia đình nên 43 đội viên còn lại được đào tạo các kiến thức quản lý nhà nước cũng như những kỹ năng khi đảm nhận các công việc hành chính. Ngoài ra, các đội viên còn được tìm hiểu tổ chức bộ máy địa phương, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mối quan hệ công tác tại địa phương và phân về thực tập tại các xã.
Kết thúc chương trình bồi dưỡng và thực tế tại cơ sở, các đội viên Đề án 50 được UBND các xã bố trí công việc phù hợp với khả năng và tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các đội viên của Đề án 50 được tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao kỹ năng, hiệu quả giải quyết công việc. Các lớp chuyên đề bồi dưỡng về chức danh công chức cấp xã cũng được các địa phương quan tâm và hỗ trợ các đội viên theo học. Công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ các đội viên được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đến nay, hầu hết các đội viên đều đã tham gia các lớp nhận thức về Đảng và 12/43 đội viên đã chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Qua quá trình công tác cũng như đánh giá đội viên từ cấp xã và báo cáo của các huyện, thành phố thì một số trí thức trẻ đã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đều được bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020.
Đến nay, đã có 17 đội viên ưu tú được tuyển dụng, bầu cử giữ chức danh cán bộ, công chức cấp xã, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các xã khó khăn của tỉnh.
Trong đó, 11 trường hợp được tuyển dụng vào công chức cấp xã; 4 trường hợp được bầu cử giữ chức danh phó chủ tịch xã; 2 trường hợp được bầu giữ chức danh bí thư đoàn xã. 16 trường hợp còn hợp đồng tại các đơn vị và 10 trường hợp xin nghỉ việc.
Lạc Dương là địa bàn có 6 đội viên thuộc Đề án 50 phân về các xã. Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện đề án, địa phương luôn tạo điều kiện để các đội viên được chọn phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ. Việc 1/6 đội viên đã chủ động xin nghỉ vì lí do cá nhân nên hiện trên địa bàn huyện có 5 đội viên thuộc Đề án 50. Tất cả đều đã là công chức và là đảng viên. Trong đó có 1 đội viên được triển khai làm quy trình bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Đa Chais là Liêng Jrang Ha Thuyên”. Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương khẳng định thêm: “Ngay trong thời gian đầu khi các đội viên Đề án mới về xã công tác, UBND huyện cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã làm việc với các UBND xã, thị trấn để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo khắc phục. Thường xuyên theo dõi hỗ trợ để các đội viên khẳng định năng lực, tạo dựng niềm tin trong thực hiện nhiệm vụ. Lạc Dương xem đội ngũ trí thức này là nguồn cán bộ trẻ của địa phương nên đã có những chính sách bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực, bố trí vào các nhiệm vụ phù hợp. Đề án được ban hành thực hiện nhưng không có cơ chế bố trí riêng, hay ấn định thêm một chức danh phó chủ tịch nên các đội viên để vào được biên chế hay bố trí phó chủ tịch xã đòi hỏi phải có sự nỗ lực và cạnh tranh sòng phẳng để có chỗ đứng trong hệ thống chính trị của các xã vốn đều đã ổn định. Việc trong số 5/5 đội viên của Lạc Dương vào được biên chế và một đội viên đủ tín nhiệm bầu vào vị trí phó chủ tịch phải khẳng định đó là sự nỗ lực xuất sắc của các em”.
Còn tại huyện Bảo Lâm, đơn vị có đến 6 /6 đội viên Đề án chưa được bố trí, sắp xếp, ông Đồng Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện lý giải: “Đề án được thực hiện khi mà hệ thống chính trị các xã cơ bản đã ổn định, không có cơ chế riêng, không tăng thêm biên chế nên rất khó để đưa được các đội viên của Đề án vào biên chế. Các đội viên đều là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học nên trình độ, năng lực trong thực tiễn, nhất là kinh nghiệm công tác còn quá thiếu, hơn nữa, để bố trí cán bộ vào chức danh phó chủ tịch xã như mục tiêu của Đề án đòi hỏi phải trong quy hoạch, phải qua bầu bán… nên các đội viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để bố trí chức danh phó chủ tịch xã. Mặt khác, bản thân các đội viên không đủ sức cạnh tranh, thi rớt các kỳ thi tuyển công chức cũng là điều khó cho địa phương”.
Hiện, 16 đội viên đang hợp đồng tại các địa phương chưa được bố trí, sắp xếp vào các chức danh cán bộ, công chức cấp xã, đòi hỏi các địa phương phải có những biện pháp trong công tác lãnh, chỉ đạo và hơn hết là sự nỗ lực cao hơn nữa của các đội viên, để đáp ứng các tiêu chí trở thành công chức cấp xã.
N. NGÀ