Ngày cuối tuần của cô Lê Thị Minh Yêm (63 tuổi) bắt đầu từ 3 giờ sáng. Mặc cho cái lạnh, cô dậy nấu cháo để kịp lên bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo; rồi vội vã trở về nhà trước 6g30 để làm vệ sinh cá nhân cho chồng, rửa mặt, lau miệng, xoa bóp "thể dục", cho chồng uống sữa. Ðã 11 năm rồi, cô vẫn đều đặn ngày ba bữa như thế.
Ngày cuối tuần của cô Lê Thị Minh Yêm (63 tuổi) bắt đầu từ 3 giờ sáng. Mặc cho cái lạnh, cô dậy nấu cháo để kịp lên bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo; rồi vội vã trở về nhà trước 6g30 để làm vệ sinh cá nhân cho chồng, rửa mặt, lau miệng, xoa bóp “thể dục”, cho chồng uống sữa. Ðã 11 năm rồi, cô vẫn đều đặn ngày ba bữa như thế.
|
Cô Lê Thị Minh Yêm - 11 năm chăm chồng nằm liệt do tai biến. Ảnh: Q.U |
Lấy nhau vì tình
Ly sữa trên tay cô Yêm vơi dần, phải khéo léo lắm cô mới đưa được từng muỗng vào miệng chồng, tránh để trào ra ướt chăn gối. Đã 11 năm rồi chú Lục Thành Hòa (66 tuổi) không đi lại được vì tai biến, 6 năm nằm bất động trên giường, cơ mặt không thể cử động, không thể nhai, chỉ nuốt được thức ăn lỏng và sữa, nên việc chăm sóc càng vất vả.
Vẻ ngoài lúc nào cũng tươi tắn, ăn mặc chỉn chu, ở tuổi 63, cô Lê Thị Minh Yêm (Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt) vẫn phảng phất vẻ đẹp thời thanh xuân. Chỉ khi cô bước đi, chân thấp chân cao, người ta mới phát hiện cô là người khuyết tật. Năm 13 tuổi, lúc đó gia đình ở Kon Tum, cô chạy chơi và giẫm phải mìn, sau tiếng nổ lớn là từ bắp chân trái trở xuống bị dập nát. Từ đó chiếc chân gỗ theo cô mà lớn lên. Sống được là một điều kỳ diệu, cô Yêm luôn kiên cường, lạc quan.
Cô Yêm và chú Hòa quen biết nhau trong một đợt sinh hoạt văn nghệ quần chúng của khu phố ở Đà Lạt trước ngày đất nước thống nhất. Thiếu nữ 16 tuổi gốc Huế xinh xắn có chất giọng ngọt ngào, hát hay đã thu hút ánh nhìn của chàng trai đôi mươi con nhà giàu, hát hay, đàn giỏi. Họ cùng song ca bài “Tình khúc cho em” (nhạc sĩ Uyên Phương), từ đó mà quyến luyến. Biết người con gái mình yêu khuyết một bên chân, chàng trai vẫn kiên quyết lấy làm vợ mặc cho gia đình cấm cản, năm 1977 họ mới thành vợ thành chồng, sau 6 năm dài tìm hiểu.
Gia đình nhỏ phải ở nhờ bên ngoại, chồng đi làm chiếu bóng, rồi chuyển về Bảo Lộc, cô Yêm cũng theo chồng về phố huyện bán sách, 2 đứa con trai ra đời. Vào năm 1990, chú Hòa nghỉ làm chiếu bóng, hai vợ chồng lại cùng nhau về Đà Lạt sinh sống. Cô ở nhà tần tảo đan len lo cho các con, chú làm đủ công việc lao động tay chân để lo cho gia đình. Vốn nấu ăn ngon, cô bán cơm bình dân phục vụ người lao động nghèo, dậy từ 3 giờ sáng đi chợ để mua thức ăn rẻ và tươi ngon, nhưng vì lòng thương người, lời không thấy, chỉ thấy lỗ. Cuộc sống khó khăn luôn đeo bám họ, niềm vui lớn nhất của đôi vợ chồng nghèo là các con đều chăm ngoan, học giỏi.
Sống với nhau vẹn nghĩa
Tai họa ập đến, khi cách đây 11 năm, chỉ sau một đêm từ một người khỏe mạnh, chú Hòa bị tai biến, liệt một bên người chỉ còn ngồi trên xe lăn. Từ đó, bệnh viện trở thành nơi hai vợ chồng thường dắt díu nhau lui tới. Cơn tai biến lần thứ hai, cách đây 6 năm làm cho chú Hòa chỉ nằm bất động, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vợ chăm sóc. Cô tự tìm học phương pháp vật lý trị liệu, hàng ngày xoa bóp cho chồng, để khí huyết lưu thông, da thịt không hoại tử vì lâu ngày không vận động. 6 năm chú Hòa nằm liệt giường, nhưng vợ sớm tối chăm bẵm, vệ sinh hàng ngày mà giường chiếu lúc nào cũng sạch sẽ.
Ân cần đưa bàn tay xoa dầu nóng lên đôi chân gầy guộc của chồng, cô Yêm cảm tác “Hai mảnh đời đau thương chắp vá. Vá khâu chằng chịt thuộc về nhau”. Dù không cử động được, nhưng đầu óc vẫn nhận biết mọi chuyện; cảm nhận yêu thương của vợ, người đàn ông cao tuổi miệng không thể nói thành lời, nhưng tiếng khóc vẫn bật lên ú ớ như trẻ con, nước mắt chảy dài xuống má. Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, chú Hòa vẫn khóc như thế, cô Yêm lại dỗ dành cho chú bớt tủi.
Trong căn nhà chật hẹp ở nhờ bà con họ hàng ở hẻm Trần Lê (Phường 4 - Đà Lạt), cô Yêm thu xếp dành một góc thềm, quây lại thành bếp nấu cháo từ thiện với xoong nồi to kềnh. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng cô luôn dành thời gian, tâm sức sẻ chia khó khăn với những người khốn khó, bệnh tật. Có trải qua nỗi khổ bệnh tật thì mới thấu hiểu những người nghèo mắc bệnh. Mấy năm liền ra vào chăm sóc chồng ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, từ hoàn cảnh của mình mà hiểu vất vả của người nghèo đau bệnh, chỉ cần một tô cháo nóng, đủ chất vào buổi sáng thôi cũng đủ ấm lòng. Nghĩ thế, thôi thúc cô vượt qua cái lạnh, không quản những ngày mưa gió, mỗi tuần 4 ngày dậy sớm nấu, rồi đưa đến nơi những bệnh nhân nghèo vẫn chờ đợi những tô cháo nóng từ tay cô múc.
Gặp những hoàn cảnh mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị cô lại tìm tới sẻ chia, kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp sức. Tấm lòng của cô Yêm đã lan tỏa đến nhiều tấm lòng, thu hút các nhà hảo tâm đồng hành cùng cô hình thành nên nhóm thiện nguyện chung tay giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.
Những đêm văn nghệ của Hội Người khuyết tật ở chợ Đà Lạt quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh người khuyết tật khó khăn không bao giờ vắng cô. Bao giờ cũng bắt đầu bằng lời hát “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...”, cô hát để động viên, truyền cảm hứng sống cho những người khuyết tật, đau bệnh cùng cực hãy vững vàng, vươn lên. Kết thúc đêm văn nghệ thường qua ngày mới. Trở về căn nhà nhỏ, cô lại quanh quẩn bên chồng, lau, rửa, vệ sinh, chu đáo đến từng miếng ăn giấc ngủ; rồi tranh thủ gia công đóng trà Atiso, đan móc để duy trì cuộc sống hàng ngày... Dù vất vả là vậy, nhưng cô luôn mong chồng sống lâu bên mình “để vào ra còn thấy nhau”. Các con đã trưởng thành, có việc làm, có gia đình riêng luôn lấy mẹ làm gương sáng về đức hy sinh cao cả. Ần đi cuộc sống khó khăn của mình, lúc nào cũng hoạt bát vui vẻ, không ai nghĩ cuộc sống riêng của cô cũng có nỗi buồn. 11 năm vừa chăm sóc chồng nằm liệt giường, cô Yêm vừa dang tay làm điểm tựa, giúp đỡ nhiều người khốn khó, người phụ nữ khuyết tật ấy không bao giờ biết gục ngã.
QUỲNH UYỂN