Không nên tham gia "tín dụng đen"

08:12, 26/12/2018

Mới đây, Công an huyện Di Linh đã bắt giữ Đào Xuân Cường (sinh năm 1982, quê ở Hà Nam) hoạt động "tín dụng đen" xuất hiện trên địa bàn huyện. Như vậy, tính từ khi triển khai cuộc phát động phòng, chống và đấu tranh, trấn áp tội phạm hoạt động "tín dụng đen", Công an huyện Di Linh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 7 nhóm hoạt động "tín dụng đen", với 14 đối tượng; trong đó, có 8 đối tượng bị khởi tố.

Mới đây, Công an huyện Di Linh đã bắt giữ Đào Xuân Cường (sinh năm 1982, quê ở Hà Nam) hoạt động “tín dụng đen” xuất hiện trên địa bàn huyện. Như vậy, tính từ khi triển khai cuộc phát động phòng, chống và đấu tranh, trấn áp tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, Công an huyện Di Linh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 7 nhóm hoạt động “tín dụng đen”, với 14 đối tượng; trong đó, có 8 đối tượng bị khởi tố.
 
Theo Công an huyện, trong thời gian gần đây, cơ quan Công an đã phối hợp tốt với các ngành và các xã, thị trấn trong toàn huyện triển khai tuyên truyền, vận động và phát động phong trào phòng, chống và đấu tranh, trấn áp tội phạm hoạt động “tín dụng đen” (một loại hình huy động và cho vay tiền không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký và không có giấy phép kinh doanh, không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan Nhà nước nào). Tuy nhiên,hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn ra khá phức tạp, với sự tham gia của không ít người dân. Tờ rơi và tấm biển quảng cáo cho hoạt động trái phép này xuất hiện khá phổ biến, rải và treo, dán khắp nơi. 
 
Qua thực tế cho thấy, việc cho vay tiền (cái gọi là “Hỗ trợ vay vốn”) rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, mà chỉ cần làm hợp đồng kèm theo giấy chứng minh, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký xe… là có thể “hợp lệ” và vay được tiền. Người cho vay và huy động tiền phần lớn là các đối tượng tạm trú, có tiền án, tiền sự, hiểu biết về pháp luật, hoạt động lưu động và tinh vi, các cơ quan chức năng khó theo dõi, kiểm soát. Người vay tiền chủ yếu là người địa phương. Họ nhẹ dạ, cả tin và tự nguyện tham gia, nên số đông không tố giác và khai báo với các cơ quan chức năng mỗi khi quan hệ vay, trả có vấn đề. 
 
“Tín dụng đen” là một hoạt động, một quan hệ mang tính chất dân sự, nên trong quá trình củng cố hồ sơ, cơ quan điều tra gặp phải không ít khó khăn. Một hệ lụy nữa làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội là đứng đằng sau người cho vay còn có những băng, nhóm “xã hội đen” tham gia đòi nợ, xiết nợ thuê mỗi khi cần thiết…   
   
Theo nhận định của các nhà chức trách, hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục có diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại nhu cầu vay tiền để sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một việc gì đó trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, thủ tục cho vay của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn còn khá rườm rà, đòi hỏi phải đảm bảo theo quy định của ngành, mất nhiều thời gian đi lại. Biện pháp chế tài, xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng trái phép này còn nhẹ, chưa mang tính giáo dục, thuyết phục, răn đe cao. Ngoài ra, trong thực tế rất khó xác định được điều kiện “cần” và “đủ” để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” phải chứng minh được mức lãi suất cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ Luật Dân sự; số tiền thu lợi bất chính phải từ 30 triệu đồng trở lên... Do vậy theo họ, tốt nhất là không nên tham gia hoạt động “tín dụng đen”. Bởi vì, cả hai (người cho vay và người vay) rất dễ sa vào con đường lao lý và trở thành nạn nhân do hậu quả của “tín dụng đen” gây ra.  
 
XUÂN LONG