Bằng sự quan tâm và cả tấm lòng, nhiều tổ chức và cá nhân đã tạo ra những mô hình, hoạt động ý nghĩa đem đến sân chơi bổ ích cho học sinh khuyết tật, giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Bằng sự quan tâm và cả tấm lòng, nhiều tổ chức và cá nhân đã tạo ra những mô hình, hoạt động ý nghĩa đem đến sân chơi bổ ích cho học sinh khuyết tật, giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
|
Tiết mục nhảy hiện đại của học sinh khiếm thính. Ảnh: T.H |
Niềm vui, sự hào hứng vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của những học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng khi nói về buổi giao lưu văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật do Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức. Tuy không nghe, không nói được, nhưng các em hòa mình vào âm nhạc theo nhịp điệu của trái tim. “Khi tập, chúng con nhìn theo cử chỉ của cô giáo để múa. Ai cũng vui, hứng khởi và múa theo cảm nhận âm nhạc từ trong tim”, Thảo Hiền - học sinh lớp 6 Trường Khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ bằng bàn tay, ánh mắt thông qua sự phiên dịch của cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lợi.
Nếu như học sinh khiếm thính múa theo âm nhạc từ trái tim thì học sinh khiếm thị lại thổi sáo, thổi kèn bằng những niềm vui từ tâm hồn. Bản hòa tấu vang lên hay điệu múa uyển chuyển như muốn thể hiện tình yêu cuộc sống, khát khao hòa nhập xã hội của học sinh khuyết tật thông qua âm nhạc khiến nhiều người xúc động. “Nếu không nghe giới thiệu, chắc hẳn không ai nghĩ những tiết mục hòa tấu hay múa thướt tha, đều đặn và “có hồn” là do các em khuyết tật biểu diễn. Đó là sự nỗ lực vươn lên của những học sinh khiếm khuyết về cơ thể nhưng tròn trịa về tâm hồn”, bà Choi Young Suk - một tình nguyện viên Hàn Quốc tham dự buổi biểu diễn thốt lên đầy cảm mến.
Một trong những may mắn của học sinh khuyết tật Lâm Đồng là nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về vật chất, tinh thần của tình nguyện viên người Hàn Quốc - bà Choi Young Suk. Bà đem đến cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan những trải nghiệm về học và chơi, học nghề hay dã ngoại…
Từ những sân chơi mới mẻ này, “học sinh khuyết tật Lâm Ðồng có thể tự tay làm ra những sản phẩm có khả năng tiêu thụ ngoài thị trường. Ðiều này là cơ hội để các em dễ dàng hòa nhập xã hội sau khi rời trường” - đó cũng là mục đích lớn nhất trong giáo dục học sinh khuyết tật mà bà Choi hướng đến.
Lần đầu tiên, một buổi biểu diễn văn nghệ với những “diễn viên” là học sinh khuyết tật được Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức. Trên sân khấu, niềm vui của học sinh khuyết tật thể hiện qua sự nỗ lực của từng tiết mục. Dưới khán đài, sự xúc động của những người mẹ, người em mong chờ đến tiết mục của con, của chị mình biểu diễn. Từ Xuân Trường, chị Đào Thị Nguyên chở con gái út 8 tuổi lên cổ vũ cho con gái đầu 15 tuổi hiện đang học tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Chị Nguyên xúc động: “Bé đầu nhà tôi không nghe, không nói được từ nhỏ. Cũng vì vậy nên cháu rất rụt rè và không dám xuất hiện ở chỗ đông người. Khi xem con múa trên sân khấu, thấy cháu biểu diễn rất tự tin, tôi thấy vui lắm. Tôi mong sẽ có nhiều dịp để cháu được hòa nhập thế này”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường chuyên biệt và học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Trong đó, nhiều trường chuyên biệt được thành lập để nuôi dạy trẻ khuyết tật như Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, Mái ấm Mai Anh, Trường Ánh Sao Bảo Lộc… Tuy nhiên, theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng, “tại đây, các em chỉ mới được tham gia học văn hóa, học nghề mà chưa được tham gia nhiều sân chơi hòa nhập. Đặc biệt, những học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục hầu như không có cơ hội tham gia các hoạt động khác ngoài học tập. Học sinh khuyết tật rất cần được quan tâm, động viên và hỗ trợ để vươn lên hòa nhập với cộng đồng, đảm bảo được bình đẳng như những người bình thường khác. Trong những năm qua, Hội Khuyến học các cấp luôn quan tâm đến trẻ em và học sinh khuyết tật, đã tặng hàng trăm suất học bổng và quà nhằm động viên, khuyến khích các em vươn lên trong học tập để tìm kiếm việc làm phù hợp và hòa nhập xã hội”.
VIỆT HÙNG