Chỉ trong hai ngày đầu năm 2019, hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của bảy người và làm bị thương hàng chục người khác mà nguyên nhân cơ bản là do sử dụng rượu, bia trước khi lái xe.
Chỉ trong hai ngày đầu năm 2019, hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của bảy người và làm bị thương hàng chục người khác mà nguyên nhân cơ bản là do sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Cụ thể, chiều 2/1/2019, Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, quê Long An) lái xe đầu kéo chở hai thùng container gạo từ Long An về TP HCM. Đến Ngã tư Bình Nhựt trên Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu Bến Lức, xe lách qua một xe tải phía trước rồi tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ. Tai nạn làm 4 người tử vong, 20 người bị thương, 21 xe máy biến dạng. Xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, Hiếu dương tính với ma túy trong nước tiểu, trong máu có cồn. Tài xế Hiếu khai nhận đã sử dụng bia trước khi lái xe. Vụ thứ hai là vào lúc 23h10’ ngày 1/1/2019, xe taxi biển kiểm soát 49A - 174.72 do tài xế Đỗ Thục Hân (23 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng) điều khiển, chở trên xe 5 người lưu thông trên quốc lộ theo hướng Đức Trọng - TP HCM. Khi taxi chạy đến Km 198+200, Quốc lộ 20 thuộc địa phận khu Nam Sơn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đã xảy ra tai nạn với xe máy mang biển kiểm soát 49V1 - 6202 do Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng) điều khiển cùng chiều ở phía trước. Sau khi gây tai nạn với xe máy, chiếc taxi tiếp tục lao về phía trước và tông vào một cây xanh bên đường rồi lật ngửa. Hậu quả vụ tai nạn khiến 3 người ngồi trên xe taxi tử vong, 4 người còn lại bị thương nặng, chiếc taxi và xe máy bị bể nát, biến dạng hoàn toàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định nồng độ cồn đo được của tài xế taxi Đỗ Thục Hân lúc 23h52’ ngày 1/1/2019 là 1.108 mg/l.
Đối chiếu với mức xử phạt lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở, theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, các khoản điều nêu rõ:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Như vậy, tài xế khi điều khiển xe ô tô đã sử dụng rượu, bia tùy nồng độ cồn sẽ bị xử phạt tiền với mức tương ứng nêu trên, còn sau đó vẫn lái xe lưu hành và nguy cơ tai nạn vẫn luôn rình rập. Từ thực tiễn các vụ tai nạn giao thông, chúng tôi đề nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi quy định về xử phạt nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở đối với lái xe cơ giới, theo đó ngoài phạt tiền, kèm theo là tước giấy phép lái xe. Có như vậy mới ngăn chặn có hiệu quả các vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lái xe uống rượu, bia gây ra.
NGUYỄN TIẾN ÐẠT