Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019

08:01, 03/01/2019

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019; doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT; quy định mới về thi tuyển công chức; phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai theo 5 cấp; giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019.
 

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019; doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT; quy định mới về thi tuyển công chức; phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai theo 5 cấp; giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019.
 
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019
 
Theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018, của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. 
 
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng.
 
Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT
 
Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, ngày 7/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 1/1/2019. Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).
 
Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
 
Quy định mới về thi tuyển công chức 
 
Có hiệu lực từ 15/1/2019, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
 
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 8 (các môn thi và hình thức thi), Điều 9 (điều kiện miễn thi một số môn) và Điều 10 (cách tính điểm) thành Điều 8 (nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức).
 
Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
 
Giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Theo Thông tư 117/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 279/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2019, giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu khi đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng được giảm từ mức 32 triệu đồng/lần/đơn vị xuống mức 28,5 triệu đồng; trường hợp đánh giá lại thì phí giảm từ 22,5 triệu đồng xuống còn 20,5 triệu đồng.
 
Hướng dẫn chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
 
Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2019. 
 
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ra Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp này. 
 
Cụ thể như miễn giảm tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. 
 
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước; có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu… 
 
Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án; thời gian hỗ trợ tối đa 8 năm. 
 
Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt được ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư trực tiếp đào tạo nghề cho lao động được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức 2 triệu đồng/tháng/lao động, thời gian hỗ trợ 3 tháng.
 
TỨ KIÊN (tổng hợp)