Chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng ở heo

08:01, 22/01/2019

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ tháng 11/2018 đến nay, cả nước đã xuất hiện 48 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn heo chưa được tiêm vắc xin tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Yên Bái, Kon Tum...) với số gia súc mắc bệnh khoảng 2.700 con.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ tháng 11/2018 đến nay, cả nước đã xuất hiện 48 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn heo chưa được tiêm vắc xin tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Yên Bái, Kon Tum...) với số gia súc mắc bệnh khoảng 2.700 con.
 
Ông Phạm Khánh Dư, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Eo Gió đang phun thuốc khử trùng 1 xe heo qua trạm ngày 16/1. Ảnh: C.Phong
Ông Phạm Khánh Dư, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Eo Gió đang phun thuốc khử trùng 1 xe heo qua trạm ngày 16/1. Ảnh: C.Phong

Tại Lâm Đồng, mặc dù chưa phát hiện trường hợp bị dịch nhưng trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đang tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc cũng như quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
 
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề, ông Hoàng Văn Huy (55 tuổi, ngụ xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) có đàn heo 170 con cho biết, do lo ngại dịp cuối năm xuất hiện dịch LMLM nên gia đình ông đã thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn heo. Phương pháp của ông Huy là mỗi tuần phun thuốc khử trùng một lần, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi. 
 
Đối với đàn heo đến tuổi xuất chuồng cũng được di chuyển ra ngoài trước khi cho thương lái vào thu mua. Theo ông Huy, đây là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn vật nuôi khỏi bệnh dịch, thực tế có một số trang trại chỉ vì cho người, phương tiện vào tận chuồng thu gom lợn làm lây lan dịch bệnh.
 
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Duy (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) cho biết, thời gian này ông và các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ quanh khu vực cũng đang tập trung các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi để xuất bán heo được giá cao nhất. “Thời tiết có nhiều bất lợi như độ ẩm thấp, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, nhập giống bên ngoài... dẫn đến nguy cơ cao đàn heo nhiễm các loại bệnh thông thường. Riêng các bệnh dịch ở heo tại Đức Trọng nhiều năm nay không có nhưng chúng tôi vẫn tiêm vắc xin tai xanh, LMLM định kỳ, thường xuyên theo khuyến cáo của cơ quan chức năng nên khá an tâm” - ông Duy chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Đức Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y & Thủy sản (CNTY&TS) - Sở NN&PTNT thông tin, hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh là 460.000 con. Trong năm 2018, riêng đàn heo xuất khỏi địa bàn tỉnh là 572.598 con và nhập tỉnh 16.173 con. 
 
“Khoảng 10 năm nay, Lâm Đồng chưa xuất hiện trường hợp heo bị dịch LMLM, tai xanh, dịch tả. Tuy nhiên, trước tình hình các tỉnh trên cả nước xuất hiện dịch LMLM, đồng thời lại rơi vào cuối năm, cận kề tết nguyên đán nên chúng tôi đã chủ động chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó tới các địa phương” - ông Hưng nhận định.
 
Theo Chi cục CNTY&TS, đơn vị đang tiếp tục tăng cường triển khai thông tin cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nắm được tình hình dịch bệnh, nhận biết dấu hiệu bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cử cán bộ đến khu vực giáp ranh, các điểm trung chuyển giám sát chặt chẽ tình hình đàn gia súc; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi… 
 
Khác với một số tỉnh, thành khác trên cả nước (tiêm phòng 2 đợt/năm), tại Lâm Ðồng, hiện công tác triển khai tiêm vắc xin phòng chống bệnh ở gia súc, gia cầm được chia nhỏ làm 5 đợt để đảm bảo việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất.
 
Riêng các trạm kiểm dịch động vật, Chi cục yêu cầu đội ngũ cán bộ thú y trực 24h/24h, kể cả trong những ngày tết nguyên đán để thực hiện kiểm dịch gia súc vận chuyển vào tỉnh; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận nếu phương tiện, giống vật nuôi, sản phẩm gia súc không đủ điều kiện theo quy định vào địa bàn.
 
Sáng 16/1, có mặt tại trạm kiểm dịch động vật Eo Gió nằm trên QL 27 (thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương) giáp với địa bàn tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi ghi nhận công tác kiểm dịch động vật những ngày cuối năm tại đây diễn ra rất chặt chẽ. Các xe chở gia súc, gia cầm qua trạm đều được nhân viên trạm kiểm dịch phun thuốc khử trùng, tiến hành kiểm tra mầm mống bệnh, nguồn gốc động vật,... trước khi được cấp giấy kiểm dịch thông trạm.
 
Ông Phạm Khánh Dư, Trưởng trạm kiểm dịch động vật Eo Gió thông tin, ngoài các nhân viên túc trực tại trạm, các nhân viên còn lại đều được phân công xuống các huyện (Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông) để trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống, kiểm dịch bệnh. Trong năm 2018, riêng Trạm Eo Gió đã kiểm dịch xuất tỉnh 178.709 con heo với số tiền lệ phí 136 triệu đồng.
 
Chi cục CNTY&TS đánh giá, năm 2018 theo ghi nhận đã xảy ra rải rác một số bệnh trên heo ở một số địa phương nhưng được mạng lưới thú y của tỉnh phát hiện sớm, kịp thời xử lý nên không để phát sinh thành dịch. Theo thống kê, trong năm đơn vị đã tiến hành tiêm trùng khử độc, phân bổ 29.661 lít hóa chất cho các địa phương chia làm 4 đợt. Riêng vắc xin phân bổ tiêm phòng cho heo là 325.709 liều đảm bảo đúng kế hoạch phân bổ đề ra.
 
C.PHONG