Dùng mạng xã hội để kết nối thông tin tới dân

09:01, 14/01/2019

Tại UBND Phường 7 (TP Ðà Lạt), lần đầu tiên một số thủ tục hành chính liên quan tới vấn đề kinh tế - xã hội được chính quyền phường đưa lên trang mạng xã hội để thêm kênh kết nối hiệu quả hơn với người dân.

Tại UBND Phường 7 (TP Ðà Lạt), lần đầu tiên một số thủ tục hành chính liên quan tới vấn đề kinh tế - xã hội được chính quyền phường đưa lên trang mạng xã hội để thêm kênh kết nối hiệu quả hơn với người dân.
 
Điều đáng mừng là việc dùng mạng xã hội để kết nối thông tin với người dân giúp rút ngắn thời gian, giảm tải phần nào cho các thủ tục hành chính,… Mặc dù việc dùng mạng xã hội còn khá dè dặt, chưa thường xuyên nhưng qua từng vụ việc đều được người dân bày tỏ hài lòng, đánh giá tích cực.
 
Người dân phản hồi tốt
 
Cảnh báo kịp thời của UBND Phường 7 trên mạng xã hội được người dân đánh giá cao. Ảnh: C.T
Cảnh báo kịp thời của UBND Phường 7 trên mạng xã hội được người dân đánh giá cao. Ảnh: C.T
Cuối tháng 11/2018, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều cá nhân đăng thông tin phân lô, bán đất trên một số trang bất động sản tại Đà Lạt có nhiều người theo dõi. Một số cá nhân đã đưa thông tin bán đất nông nghiệp tại khu vực cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu vực đồi Tùng Lâm,… (Phường 7). Điều đặc biệt là để bán được đất, một số cá nhân mời chào người mua với thông tin có thể xây nhà tại khu vực trên. Sau khi nắm bắt vụ việc, trang Facebook “UBND Phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” chính thức đăng thông tin cảnh báo, khuyến cáo người dân trên địa bàn phường.
 
“Hiện nay, trên địa bàn Phường 7, TP Đà Lạt (khu vực đồi Tùng Lâm) tiếp tục có hiện tượng các cá nhân phân lô bán đất nông nghiệp. Qua kiểm tra phường xác định khu vực này không được phép xây dựng. Nếu xây dựng không phép sẽ bị phạt tiền và buộc tháo dỡ rất tốn tiền của. Mong bà con sáng suốt trong lựa chọn. Kính đề nghị bà con quan tâm chia sẻ mạnh để người thân, người quen và cả người lạ nắm thông tin. Xin trân trọng cảm ơn!”. 
 
Hay trước thông tin một số đối tượng có dấu hiệu giả danh nhân viên công ty cấp thoát nước để trục lợi, UBND Phường 7 đã thông báo nhanh: “Thời gian vừa qua trên địa bàn TP Đà Lạt xuất hiện một nhóm người giả danh nhân viên Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng tới để sửa chữa, bảo dưỡng đường ống nước, thủy lượng kế, kiểm tra niêm chì đồng hồ nước hư hỏng,... Sau đó nhóm người “giả danh” trên thường lấy tiền khách hàng với giá cao gấp 2-3 lần so với giá của Công ty. Người dân nên để ý khi có nhân viên tới liên hệ sửa chữa ống nước, thay thủy lượng kế thường mặc đồng phục, có tên trên áo và đeo thẻ nhân viên (có hình, tên và mã số). Trường hợp nghi ngờ khách có thể gọi ngay tới số điện thoại miễn phí của công ty (1900.571222) để được xác minh, làm rõ tránh bị các đối tượng giả danh nhân viên Công ty trục lợi”.
 
Ngay khi có thông báo trên, nhiều người dân đã chia sẻ thông tin tới bạn bè. Trang facebook cá nhân tên V.H có bình luận: “Một thông tin rất bổ ích, chúng tôi ủng hộ cách làm này của Phường 7 trong thời đại thông tin 4.0”. Trong khi một người dân khác khen: “Tôi ủng hộ cảnh báo kịp thời của chính quyền. Hy vọng các phường khác cũng triển khai trong thời gian tới”.
 
Tương tự, các thủ tục hành chính với các nội dung: trích lục giấy khai sinh, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bảo trợ xã hội,… khi người dân quan tâm, UBND Phường 7 đều xem xét đăng thông báo trên trang Fanpage Fecbook của phường để người dân thuận tiện trong theo dõi, phản hồi với chính quyền. Đơn cử như khi người dân biết quy định thủ tục làm giấy xác nhận tình trạng sửa chữa nhà ở theo mẫu phường đưa lên mạng xã hội sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục tại trụ sở phường,…
 
Ông Lại Văn Hoàn (56 tuổi, ngụ Phường 8, TP Đà Lạt) cho biết: “Hiện thủ tục hành chính ở UBND Phường 7 có nhiều tiến bộ hơn lúc trước. Vừa qua, tôi có nhu cầu mua một miếng đất để làm nhà trọ để kinh doanh. Đang tính xem một miếng đất họ rao trên mạng thì có người bạn nói trên mạng phường đang cảnh báo một số nơi không thể xây cất nhà. Tôi thấy thông báo công khai như vậy rất tiện lợi cho người dân, không cần phải lên trụ sở phường để hỏi nhân viên địa chính làm các thủ tục kéo dài thời gian”.
 
Áp dụng công nghệ để cải cách thủ tục hành chính
 
Ông Lê Minh Huy - Chủ tịch UBND Phường 7 (TP Đà Lạt) chia sẻ với chúng tôi, là phường nằm trong tốp 5 về diện tích, dân số đông nhất trên địa bàn TP Đà Lạt (gồm 12 phường, 4 xã), bên cạnh những thuận lợi thì công tác quản lý hành chính, trật tự xây dựng địa bàn còn gặp nhiều thách thức. Với mong muốn đổi mới, cải tiến trong công tác tuyên truyền, UBND Phường 7 bắt đầu lập Fanpage trang mạng xã hội Fecbook để chia sẻ một số thông tin người dân quan tâm cũng như cảnh báo những thông tin thiếu chính xác trên địa bàn phường bắt đầu từ tháng 8/2018. 
 
“Các thông tin đưa lên trang Facebook của phường chủ yếu là các thông báo về tình hình nông nghiệp, các thủ tục hành chính, y tế, xã hội, trật tự xây dựng,… mà người dân quan tâm và chúng tôi thấy cần thiết phải thông báo nhanh tới người dân. Bên cạnh các thủ tục hành chính truyền thống, chúng tôi coi đây là phương tiện hỗ trợ giúp kết nối thông tin trong thời đại người dân hầu hết đều sử dụng mạng xã hội làm công cụ giao tiếp, chia sẻ” - ông Huy nói và cho biết thêm, do công việc hành chính còn tương đối nhiều nên các vấn người dân quan tâm, phường mới đưa lên mạng xã hội ở mức độ hạn chế, khoảng một vài vấn đề trong tháng.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, UBND TP Đà Lạt luôn khuyến khích các phường sử dụng mạng xã hội, áp dụng các ứng dụng từ điện thoại thông minh để cải tiến trong công tác hành chính. “Cá nhân tôi vừa qua cũng nghe một số thông tin về kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố người dân quan tâm phản ánh trên mạng xã hội. Đối với thông tin nóng, tôi đã nhắn tin trực tiếp cho chủ tịch phường để họ quan tâm, giải quyết. Đây là một lợi thế trong thời đại công nghệ số” - ông Sơn nói.
 
Theo ông Sơn, UBND TP Đà Lạt đã phát triển ứng dụng “Dalat City” (chạy trên điện thoại thông minh có hệ điều hành Android hoặc IOS) hỗ trợ khách du lịch và người dân. Ứng dụng Dalat City sẽ cung cấp cho người dân, du khách và doanh nghiệp đầy đủ các thông tin chi tiết về kết nối du lịch, địa điểm và giá cả các dịch vụ lưu trú, tham quan, mua sắm, ăn uống và giải trí; các thông tin khuyến mãi, giảm giá; và các tiện ích về địa chỉ cơ sở y tế, công an, phương tiện di chuyển, ATM, cây xăng, nhà vệ sinh công cộng… 
 
“Chúng tôi kỳ vọng sắp tới khi người dân dùng ứng dụng “Dalat City” không chỉ tra cứu nhanh thông tin với các tiện ích nêu trên mà còn nắm được thông tin về địa chính, quy hoạch số thửa, lộ giới cho phép. Các vấn đề về du lịch, xã hội người dân phản ánh nhờ các ứng dụng công nghệ sẽ giúp chính quyền rút ngắn được thời gian, hoàn tất các thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả hơn” - ông Sơn nhận định.
 
C.THÀNH