Giám sát môi trường bắt đầu từ đâu

08:01, 23/01/2019

Ðể môi trường sống trong lành, rác thải được xử lý triệt để, nguồn nước được bảo vệ an toàn... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ sở và ghi nhận nhiều vấn đề từ thực tiễn, đòi hỏi các nhà quản lý, các đơn vị liên quan cần bắt tay vào cuộc. Cùng đó, người dân cần phải nâng cao ý thức, chung tay xây dựng thành phố Ðà Lạt "xanh - sạch - đẹp" thực sự. 

Ðể môi trường sống trong lành, rác thải được xử lý triệt để, nguồn nước được bảo vệ an toàn... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ sở và ghi nhận nhiều vấn đề từ thực tiễn, đòi hỏi các nhà quản lý, các đơn vị liên quan cần bắt tay vào cuộc. Cùng đó, người dân cần phải nâng cao ý thức, chung tay xây dựng thành phố Ðà Lạt “xanh - sạch - đẹp” thực sự. 
 
Đoàn giám sát của UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt trực tiếp khảo sát dọc tuyến suối Cam Ly tìm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.Thu
Đoàn giám sát của UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt trực tiếp
khảo sát dọc tuyến suối Cam Ly tìm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.Thu

Còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mặc dù vào ngày nghỉ thứ bảy, nhưng đoàn giám sát MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gồm Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Liên đoàn Lao động tỉnh và lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt, Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Đà Lạt vẫn đi khảo sát kiểm tra thực tế hơn 2,5 km đường dọc tuyến suối Cam Ly, cầu Phước Thành và khu vực Suối Vàng - nơi đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân toàn thành phố Đà Lạt. 
 
Từ thực tế chuyến khảo sát cho thấy còn rất nhiều tồn tại, bất cập, đó là tình trạng vứt rác xuống suối, thải trực tiếp nước thải từ nhà dân, nhà hàng, quán ăn, khách sạn vẫn còn diễn ra; việc tập kết rác không đúng nơi quy định, lấn chiếm hành lang ven suối để tập kết phế liệu còn xảy ra ở một số nơi. Nguồn nước suối Cam Ly đen ngòm hoặc xanh ngắt bất thường cho thấy yếu tố ô nhiễm nguồn nước đáng báo động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều đoạn suối Cam Ly, khu vực dọc đường Nguyễn Văn Cừ, Phan Đình Phùng, Ba Toa... mùi nước bốc lên hôi thối rất khó chịu, người dân sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng nề, cửa nhà dân hầu như đóng kín suốt cả ngày lẫn đêm. Tại đầu nguồn khu vực Suối Vàng, mặc dù có đặt thùng rác nhưng một số người dân thiếu ý thức vẫn vứt bỏ bừa bãi chất thải nông nghiệp, vỏ lon, chai nước uống xuống vườn, bãi cỏ ven rừng. 
 
“Từ thực tế khảo sát đặt ra cho các nhà quản lý thấy được thế nào là quản lý môi trường, thế nào là xử lý rác thải để tiếp tục trao đổi và đối thoại trực tiếp với các cơ quan chức năng về vấn đề quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Để trước, trong và sau giám sát có chuyển biến gì về quản lý môi trường, cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, người dân cùng giám sát”, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông nhấn mạnh.
 
Với lượng rác thải hàng ngày mà Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt phải thu gom lên tới 200 tấn/ngày (thành phố Đà Lạt) và các huyện là 80 tấn/ngày cho thấy tốc độ phát triển đô thị những năm gần đây rất nhanh, lượng khách du lịch đến Đà Lạt ngày càng đông, nhà hàng, khách sạn mọc lên ngày một nhiều, kéo theo đó là sự tăng lên về rác thải trong thành phố. Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, tổng khối lượng rác sinh hoạt thu gom từ năm 2015 đến năm 2018 là trên 270 ngàn tấn. 
 
Hiện nay, công tác xử lý rác thải sinh hoạt của Đà Lạt được Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh thực hiện tại Nhà máy xử lý rác thải Xuân Trường, công suất thiết kế của nhà máy là 200 tấn/ngày đêm, công suất xử lý đốt lò 20 - 30 tấn/ngày.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình: Thời điểm trước tháng 7/2015, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt thu gom đều được đổ tại bãi rác Cam Ly - đây là bãi chôn lấp không lót đáy. Từ tháng 7/2015 đến nay, toàn bộ rác đều được chuyển đến nhà máy xử lý rác thải tại Xuân Trường. Tuy nhiên, do nhà máy chưa hoàn thiện hết các hạng mục dự án nên một số loại rác thải hiện vẫn đổ tại bãi rác Cam Ly. Do đó, tình trạng đơn thư kiến nghị gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra trong thời gian qua.
 
Thành phố Ðà Lạt, một vùng sản xuất rau, hoa lớn của cả nước, hàng năm thải ra một lượng lớn rác thải từ phế phẩm nông nghiệp. Theo uớc tính của thành phố, lượng rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường khoảng từ 20 - 30 tấn/năm. Ðây là lượng rác có tính chất nguy hại nên rất cần được thu gom, xử lý một cách bài bản, khoa học. 
 
Ghi nhận từ thực tế, chủ yếu bà con nông dân xử lý rác nông nghiệp không phân hủy bằng cách vứt bỏ ngay trên đồng ruộng, đặc biệt là gần khu vực hồ nước, kênh rạch. Hoặc bà con thu gom lại rồi chôn lấp thông thường hoặc đốt, rất ít trường hợp thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải. Đối với rác thải nông nghiệp là bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xác định là rác thải nguy hại, nhưng hiện nay phần lớn nông dân tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt hoặc chôn, đốt chưa đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân. 
 
Ngay sau giám sát, đoàn sẽ kiến nghị thành phố và vận động Nhân dân lắp đặt thêm hệ thống camera dọc tuyến suối Cam Ly, gần khu vực suối, hồ để tăng cường giám sát vấn đề chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tích cực tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường, hình thành thói quen văn minh trong vứt rác đúng quy định, thực hiện phân loại rác ngay tại nhà trước khi mang tới thùng rác. Các nhà quản lý cũng cần tăng cường giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm với đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, đôn đốc các dự án đang dang dở, khuyến khích nghiên cứu các mô hình đầu tư phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Như vậy, vấn đề đầu tiên và cuối cùng vẫn là thuộc ý thức của mỗi người dân trong thành phố, mỗi du khách đến Đà Lạt. Việc xây dựng ý thức giữ gìn thành phố xanh - sạch - đẹp, xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi mỗi người dân phải cùng chung tay thể hiện trách nhiệm của mình. MTTQ và các đoàn thể chính trị, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đều phải có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường chung của Đà Lạt vì một môi trường sống trong lành, mát mẻ, đẹp và sạch hơn mỗi ngày.  
 
NGUYỆT THU