Mạng xã hội với tuổi trẻ Lâm Ðồng

08:01, 07/01/2019

Theo báo cáo năm 2018 của We are Social (một công ty toàn cầu), Việt Nam có khoảng 55 triệu thành viên tham gia mạng xã hội (MXH) face - book. Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng facebook nhiều nhất thế giới. Trong đó, thanh niên, học sinh, sinh viên (TN, HS, SV) chiếm tỷ lệ đông nhất…

Theo báo cáo năm 2018 của We are Social (một công ty toàn cầu), Việt Nam có khoảng 55 triệu thành viên tham gia mạng xã hội (MXH) face - book. Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng facebook nhiều nhất thế giới. Trong đó, thanh niên, học sinh, sinh viên (TN, HS, SV) chiếm tỷ lệ đông nhất…
 
Dù muốn hay không nhưng phải thừa nhận, “làn sóng” và “sức hấp dẫn” của MXH lan tỏa mạnh mẽ thu hút mọi giới, mọi thành phần xã hội tham gia như một tất yếu. Những người “khó tính” đã từng băn khoăn có nên ngăn chặn, hạn chế? Vì ngoài tiện ích, mặt tích cực thì mặt tiêu cực, thậm chí những “mảng tối” từ MXH quá rõ. 
 
Tuy nhiên, người Việt Nam có câu “gạn đục, khơi trong” - nghĩa là chọn lựa cái hay, cái tốt, cái có lợi khai thác để phục vụ cho cuộc sống, lao động, học tập, giải trí lành mạnh; đồng thời, phải biết tránh xa cái xấu, cái tiêu cực; không vì tò mò hay bị kích động, lôi kéo tham gia bình luận, phát tán những thông tin xấu, độc trái với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
 
Đây là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, định hướng để mọi giới, mọi thành phần xã hội, nhất là TN, HS, SV “nhận diện”; từ đó có thái độ ứng xử và hành vi đúng đắn. Đặc biệt, biến MXH thành “công cụ” phục vụ tốt cho công tác, nhiệm vụ của tổ chức mình là việc cần thiết, rất quan trọng. Đây là mục đích, ý nghĩa của Tọa đàm, tập huấn “Ứng dụng mạng xã hội trong công tác đoàn kết tập hợp TN” do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt vào trung tuần tháng 12 năm 2018.
 
Có lẽ tính chất, ý nghĩa của hoạt động này khá thiết thực nên đã thu hút gần 300 cán bộ Đoàn - Hội LHTN các xã, phường, thị trấn, các đoàn trường học của 24 cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh tham dự.
 
Hơn 10 tham luận, ý kiến phát biểu của các cơ quan liên quan, các tổ chức Đoàn đã nêu, đánh giá khá toàn diện về tác động của MXH đối với đời sống, sinh hoạt, học tập, lao động… của giới trẻ; những giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Đoàn - Hội để định hướng, xây dựng và tổ chức hoạt động các nhóm, tổ công tác, các blog, facebook trong đoàn viên, TN, HS, SV.
 
Đáng chú ý có các tham luận, phát biểu chuyên sâu của Phòng PA 03 Công an tỉnh, Sở TT - TT, Sở GD-ĐT với các chuyên đề: “Công tác quản lý hoạt động thông tin, truyền thông trên internet, thực trạng và giải pháp”; Công tác định hướng sử dụng MXH trong học sinh tại địa phương…”; “Đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng MXH xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”… Phần tham luận của các cơ sở Đoàn, nhất là các Đoàn trường học cũng đã nêu thực trạng tác động của MXH vào đời sống, sinh hoạt, học tập… của TN, HS, SV và đặt ra nhiều giải pháp sát thực với tình hình hiện nay.
 
Rõ ràng, MXH đã đi vào đời sống TN và được tuổi trẻ đón nhận hết sức khách quan. Điều mà tổ chức Đoàn TN - Hội LHTN quan tâm hiện nay là giáo dục, định hướng để tuổi trẻ có nhận thức đầy đủ về tính “hai mặt” của MXH; hướng tuổi trẻ vào các trang mạng chính thống để khai thác, tìm kiếm tài liệu, thông tin “có lợi” phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, mở rộng kiến thức xã hội… Ứng dụng MXH vào công tác đoàn kết, tập hợp TN; đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, Đoàn - Hội cũng phải chỉ ra mặt trái, “mảng tối” nguy hiểm; đặc biệt việc lợi dụng MXH để kích động, lôi kéo hình thành các hội, nhóm trái pháp luật; vận động biểu tình trái phép; tán phát tài liệu, thông tin xuyên tạc chống phá Nhà nước, chế độ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước để TN, HS, SV nâng cao cảnh giác, không bị lôi kéo dẫn đến có những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.
 
Hiện nay, “Không gian MXH” đã và đang được các thế lực phản động sử dụng làm “phương tiện” tốt nhất để tán phát thông tin, bài viết... gieo rắc tư tưởng chống đối cực đoan, thực hiện Chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong đó, TN, HS, SV là đối tượng chúng đã và đang nhắm tới.
 
Trong năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn hướng dẫn “Xây dựng các tổ công tác và lập các blog, facebook đấu tranh trên mạng xã hội trong tổ chức Đoàn Thanh niên”… Xuất phát từ thực tế bức xúc, phù hợp với yêu cầu của công tác TN trong tình hình mới, Tỉnh Đoàn - Hội LHTN tỉnh Lâm Đồng đã tích cực xây dựng tại mỗi cơ sở Đoàn một tổ công tác (từ 5 - 10 thành viên); lập các blog, facebook và kết nối với các tài khoản chính thống của lực lượng chức năng địa phương viết bài, bình luận đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực xã hội, tuyên truyền xuyên tạc trên MXH... 
 
Ðến nay, 24/24 tổ chức Ðoàn trực thuộc Tỉnh Ðoàn và 100% Ðoàn TN các xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học trong tỉnh đã hình thành và hoạt động tốt các website, blog, facebook, thu hút hàng chục ngàn tài khoản truy cập, chia sẻ thông tin rất thuận lợi trong tổ chức hoạt động Ðoàn - Hội và phong trào tuổi trẻ toàn tỉnh.
 
Có thể nói, “Ứng dụng MXH trong công tác đoàn kết tập hợp TN”; đồng thời giáo dục TN, HS, SV có nhận thức, hành vi đúng đắn trước tác động mặt trái của MXH đang là nhiệm vụ, yêu cầu của tổ chức Đoàn - Hội và phong trào tuổi trẻ tỉnh Lâm Đồng… 
 
HỒNG NGUYÊN