Chồng mất sớm nhưng bà Lê Thị Quyền (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) vẫn giữ vững nghị lực để nuôi các con ăn học thành tài. Ðến nay, cuộc sống gia đình bà đã ổn định, các con của bà hầu hết là giáo viên và công an. Không còn bận tâm đến chuyện gia đình, bà đã nghĩ nhiều đến công tác xã hội. Mới đây, bà đã hiến hơn 5 sào đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn.
Chồng mất sớm nhưng bà Lê Thị Quyền (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên) vẫn giữ vững nghị lực để nuôi các con ăn học thành tài. Ðến nay, cuộc sống gia đình bà đã ổn định, các con của bà hầu hết là giáo viên và công an. Không còn bận tâm đến chuyện gia đình, bà đã nghĩ nhiều đến công tác xã hội. Mới đây, bà đã hiến hơn 5 sào đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn.
|
Bà Quyền trên con đường mới mở từ phần đất do bà hiến. Ảnh: Ð.Anh |
Ở tuổi 65, bà Quyền cho biết đã “thở phào nhẹ nhõm” khi các con cái hầu hết đã học hành đến nơi đến chốn. Niềm vui mỗi ngày của bà hiện nay là vui vầy với các con và 13 đứa cháu, chắt nội ngoại. Bà bảo các con đều ngoan, đều chăm chỉ học hành chính là động lực lớn nhất để bà vượt qua tất cả những khó khăn. Đến nay, trong 8 người con thì có đến 4 người con làm giáo viên, 2 người làm công an, con trai út đang học Cao đẳng Dược tại TP Hồ Chí Minh. Riêng chị cả thì làm ruộng vì thời kỳ đầu mới vào đây khó khăn quá không thể lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Thương con cả, ngoài phần đất đã được chia đều như những người em khác, chị cả còn được mẹ cho “thuê” đất làm ruộng. “Lúc được mùa thì trả mẹ 50 kg thóc/sào còn không có cũng không sao vì chị không được học như các em” - bà Quyền chia sẻ.
Cách đây hơn 30 năm, bà Quyền cùng chồng mang theo 5 con nhỏ vào Cát Tiên lập nghiệp. Ở ngoài quê Gia Viễn (Ninh Bình) quá khổ, không có ruộng đất để canh tác nên khi vào đây thấy đất đai nhiều nên cả hai vợ chồng ham làm cả ngày đêm. Chồng bà Quyền vốn ốm yếu nhưng vẫn phải làm lụng vất vả và mất năm 1998 khi mới 47 tuổi. “Khi đó, ông vừa mới lo được cho người con gái lớn lấy chồng, còn con trai út mới chỉ 4 tuổi. Cảnh nhà quá khổ lại đông con nên nhiều lúc tôi chỉ muốn chết theo chồng. Lúc này, con trai thứ hai cũng có ý định bỏ học để ở nhà phụ giúp mẹ nhưng tôi cứ động viên con. Bởi lẽ, con nghỉ học mình có thể nhàn chút ít nhưng rồi con phải thất học, tương lai của con sẽ không thể nào thoát khỏi lũy tre làng. Nghĩ vậy nên tôi cứ động viên con trai thứ hai và tất cả các con sau này phải học. Tôi làm ruộng vất vả, vay thêm tiền hỗ trợ học sinh sinh viên nhưng chưa một lần tôi có ý định cho các con nghỉ học. Hiểu được tấm lòng của mẹ, các con cũng nỗ lực nhiều để ăn học thành tài” - bà Quyền tâm sự.
Nếu tính cả dâu, rể thì gia đình bà Quyền hiện có 7 đảng viên đang làm việc tại các cơ quan nhà nước. Để có được như ngày hôm nay, bà Quyền đã làm việc như một người đàn ông trụ cột trong gia đình, không kể thời gian sớm tối. Có những khi, bà ốm chỉ còn hơn 40 kg nhưng không một phút ngơi nghỉ, không một lời than vãn. Anh Phạm Quang Tiễn, con rể của bà Quyền chia sẻ: Từ khi anh lấy vợ thì mẹ vợ luôn là một tấm gương về nghị lực vươn lên mà bản thân anh và tất cả con cháu, dâu rể trong gia đình đều noi theo. Không chỉ chu toàn trong gia đình, mẹ còn biết quan tâm, chăm lo đến lợi ích của cộng đồng xã hội. Mỗi lần hiến đất làm đường, mẹ đều bàn bạc và phân tích để các con hiểu và đồng thuận.
Năm 2017, bà Quyền đã hiến hơn 5 sào đất trồng lúa để địa phương mở tuyến đường ngang 8 m, dài hơn 100 m vào khu sản xuất của người dân Thôn 4 (xã Tiên Hoàng). “Tính ra giá đền bù thì cũng hơn 300 triệu nhưng để bà con có đường đi lại thuận lợi hơn nên tôi tự nguyện hiến đất. Có đường đi lại thì bà con đi vào khu sản xuất, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tốt hơn. Trước đây, tôi cũng đã từng hiến đất làm đường. Tôi cũng bảo các con mình vì mọi người, mọi người vì mình. Hành động đó chỉ góp một phần công sức nhỏ bé để làm giàu đẹp cho quê hương, mọi người có lợi và mình cũng có lợi trong đó” - bà Quyền chia sẻ.
ÐÔNG ANH