Nhãn hiệu vùng nấm Ðức Trọng - cơ hội để phát triển

08:01, 18/01/2019

Nghề trồng nấm tại Ðức Trọng được hình thành từ những năm 1990, chủ yếu tập trung tại khu vực thị trấn Liên Nghĩa. Năm 2016, UBND tỉnh công nhận Làng nghề trồng nấm tại thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng. 

Nghề trồng nấm tại Ðức Trọng được hình thành từ những năm 1990, chủ yếu tập trung tại khu vực thị trấn Liên Nghĩa. Năm 2016, UBND tỉnh công nhận Làng nghề trồng nấm tại thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng. Ngoài giá trị kinh tế, sản phẩm nấm của làng nghề đến nay đã được thị trường ghi nhận là có chất lượng cao hơn hẳn nấm các vùng khác. Tuy nhiên, để thúc đẩy nghề này phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.
 
Mô hình trồng nấm mèo của gia đình bà Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch Đức Trọng
Mô hình trồng nấm mèo của gia đình bà Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch Đức Trọng

Long đong làng nghề trồng nấm
 
Liên Nghĩa, Đức Trọng vốn nổi tiếng với nghề trồng nấm. Làng nghề nấm (Thôn 5, Liên Nghĩa) có tới 50% số hộ trồng nấm, chủ yếu là nấm mèo. Gia đình nào ít thì cũng 3, 4 nhà nấm, có gia đình có đến 25 nhà nấm, mỗi năm 4 vụ nấm xoay vòng. Nấm mèo ở làng nấm Liên Nghĩa thường bán khô ra thị trường, mỗi năm làng nghề này bán hàng trăm tấn nhưng trớ trêu thay “có tiếng mà không có miếng”, nghề sản xuất nấm ở Liên Nghĩa vẫn chưa thật sự mang lại lợi ích kinh tế xứng tầm. Một trong những nguyên nhân đó là làng nghề chưa thể tự sản xuất được meo nấm, cũng chưa có được thương hiệu riêng để tự chủ đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm dù sản phẩm nấm Liên Nghĩa hiện đang được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
 
Nghề trồng nấm mèo ở Liên Nghĩa hình thành từ những năm 1990, đến nay thì hầu hết các gia đình đều có nuôi trồng nấm. Trong đó, Thôn 5, các gia đình đang phát triển mạnh nghề trồng nấm mèo. Cái khó của bà con làng nghề đó là chưa chủ động được giống, mỗi vụ đều phải mua bịch nấm từ xa. Việc này khiến chi phí đội lên và bà con cũng khó có thể giám sát được chất lượng giống dẫn đến chưa chủ động trong sản xuất. 
 
Theo thống kê của huyện Đức Trọng, hiện làng nghề có 44 hộ sản xuất nấm mèo với 220 trại nấm được đầu tư bài bản. Nấm trồng ở Liên Nghĩa cho năng suất rất cao, tai nấm to, dai, màu đẹp, năng suất đạt 3,6 lạng/bịch. Với những ưu điểm đó, nếu chủ động sản xuất được meo nấm thì chắc chắn, chất lượng và sản lượng nấm của làng nghề sẽ còn được đánh giá cao hơn nữa. 
 
Bà Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch cho biết, để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, làng nghề vừa thành lập HTX nhưng cũng chỉ mới có 9/44 hộ tham gia vì còn ngại bị ràng buộc nên sản phẩm đầu ra vẫn phụ thuộc vào thương lái, giá cả không ổn định. Thêm nữa, do sản phẩm chưa có thương hiệu riêng, chưa có mã vạch, mã code nên khó tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm để có cơ hội ký kết các hợp đồng cung ứng cho các siêu thị, nhà cung cấp uy tín trên thị trường. Vì vậy, theo bà, vấn đề hiện tại của làng nghề nấm là sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, có được mã vạch, mã code để đưa sản phẩm vào bán ở những cửa hàng, siêu thị uy tín.
 
Nhãn hiệu vùng - cơ hội phát triển
 
Tin vui đến với bà con làng nghề nấm Đức Trọng khi những ngày đầu năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ vừa chính thức công bố nhận đơn và tiến hành thẩm định nội dung đơn của HTX sản xuất nấm an toàn Đức Trọng đăng ký sở hữu nhãn hiệu vùng “Nấm Đức Trọng”. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã đồng ý với đề nghị của UBND huyện Đức Trọng và Sở Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất xác nhận bản đồ nhãn hiệu tập thể Nấm Đức Trọng.
 
Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nấm Đức Trọng đã được huyện đặt ra từ khi hình thành làng nghề, với mục tiêu thúc đẩy nghề nấm ở vùng này phát triển bền vững, tạo ra giá trị xứng tầm với danh tiếng, chất lượng của sản phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn đang tạo niềm tin, hy vọng cho bà con làng nghề.
 
Bà Châu chia sẻ: Nấm của làng nghề được người dân rất ưa thích, chính vì vậy, thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mời làng nghề tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm để quảng bá và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng vì làng nghề vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, lại chưa có thương hiệu nên không thể tham gia. Việc thành lập HTX và đăng ký nhãn hiệu vùng sẽ là cơ hội để HTX được hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất và xuất bán sản phẩm, cũng chủ động hơn trong tham gia các hội chợ triển lãm khu vực và quốc tế theo chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, để giữ và nâng cao uy tín cho sản phẩm, khi đã có thương hiệu, mọi người sẽ đồng lòng để bảo vệ và xây dựng thương hiệu, sẽ mạnh dạn hơn trong đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường để phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững, hiệu quả.
 
Kèm theo việc đồng ý xác nhận bản đồ nhãn hiệu tập thể vùng nấm Đức Trọng, UBND tỉnh cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề nấm ở Liên Nghĩa. Với thế mạnh của một nơi có phong trào trồng nấm phát triển hàng đầu và nổi danh với nghề như Liên Nghĩa, việc xây dựng thương hiệu nấm Đức Trọng là vô cùng cần thiết và là hướng đi đúng đắn, nếu không về lâu dài sẽ gây khó khăn cho người trồng nấm. Xây dựng được thương hiệu, chắc chắn sản phẩm nấm Đức Trọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển, sẽ dần chiếm lĩnh được thị trường, góp phần thúc đẩy nghề trồng nấm ngày càng phát triển.
 
NGUYÊN THI - VÕ TRANG