Quỹ biệt thự Ðà Lạt: Quản lý, sử dụng chưa hiệu quả

08:01, 21/01/2019

Ngoài khí hậu, cảnh quan còn có di sản kiến trúc nói chung, Quỹ biệt thự nói riêng góp phần làm nên thương hiệu nổi tiếng và hấp dẫn của thành phố Ðà Lạt. Thế nhưng, qua kiểm tra của Ðoàn kiểm tra liên ngành đã chỉ ra còn nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài sản này. Và đã đến lúc cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt để bảo tồn giá trị kiến trúc của QBT một cách hiệu quả.

Ngoài khí hậu, cảnh quan còn có di sản kiến trúc nói chung, Quỹ biệt thự (QBT) nói riêng góp phần làm nên thương hiệu nổi tiếng và hấp dẫn của thành phố Ðà Lạt. Thế nhưng, qua kiểm tra của Ðoàn kiểm tra liên ngành đã chỉ ra còn nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài sản này. Và đã đến lúc cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt để bảo tồn giá trị kiến trúc của QBT một cách hiệu quả.
 
Những biệt thự ở đường Cô Giang do Công ty TNHH DIDAMA thuê không đưa vào sử dụng dẫn đến xuống cấp. Ảnh: M.Đ
Những biệt thự ở đường Cô Giang do Công ty TNHH DIDAMA thuê không đưa vào sử dụng dẫn đến xuống cấp. Ảnh: M.Đ

Chậm sử dụng và xây trái phép
 
Cách đây hơn năm, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Đề án quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự (QBT) thuộc sở hữu nhà nước (Quyết định số 47) thay thế cho các quyết định trước đây. Qua đó, QBT hiện tại có 162 biệt thự (BT) với tổng diện tích đất 723.638,74 m 2, tổng diện tích xây dựng nhà 34.580,27 m 2. Trong đó, nhóm 1 có 5 BT, nhóm 2 có 74 BT, nhóm 3 có 83 BT và có tới 228 hộ đang thuê ở.
 
Để thực thi Đề án trên hiệu quả, ngày 1/10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1966 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng, khai thác QBT thuộc sở hữu nhà nước địa bàn Đà Lạt. Trong số 162 BT có 104 BT do Trung tâm Quản lý nhà (TTQLN) Đà Lạt trực thuộc UBND TP Đà Lạt trực tiếp quản lý, sử dụng cho thuê; 56 BT do cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng làm trụ sở làm việc và 2 BT đã định giá cổ phần hóa cho công ty trực tiếp quản lý. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, về nhà, hầu hết các BT đưa vào sử dụng chậm so với quy định của UBND tỉnh; còn về đất, có 11 BT chủ đầu tư đã nhận bàn giao nhưng cũng đưa vào sử dụng chậm; 4 BT có khuôn viên xen cấy thêm một số hạng mục. 
 
Đoàn đã kiểm tra hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng, khai thác 32/104 BT do TTQLN Đà Lạt trực tiếp quản lý và đã ký hợp đồng thuê nhà, thuê đất và nhận bàn giao nhà, đất. Cụ thể, về hồ sơ, chủ trương cho thuê nhà, hợp đồng thuê nhà, biên bản bàn giao cho đơn vị cho thuê 32 BT; giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về nhà 28 BT; 30 BT có hợp đồng thuê đất, họa đồ khuôn viên đất kèm theo; 7 BT không có bản vẽ hiện trạng nhà khi bàn giao cho chủ đầu tư; 4 BT có một số hạng mục công trình xây dựng, cơi nới không có hồ sơ và biên bản kiểm tra hoặc xử lý vi phạm kèm theo. Tình hình quản lý, sử dụng, khai thác các cơ sở nhà, đất BT của chủ đầu tư, hầu hết các BT đưa vào sử dụng chậm so với quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có chủ trương UBND tỉnh và đã tháo dỡ đang triển khai đầu tư xây dựng 13 BT và chưa đưa vào sử dụng 14 BT. 
 
Về đất khuôn viên BT, có 11 BT chủ đầu tư đã nhận bàn giao đất, nhưng đưa vào sử dụng chậm so với quy định của UBND tỉnh. Đáng nói hơn, 4 BT đã xây dựng xen cấy thêm một số hạng mục công trình không được cấp có thẩm quyền cho phép trên khuôn viên đất, làm ảnh hưởng đến cảnh quan khuôn viên BT. 
 
Về tình hình xây dựng, sửa chữa, cơi nới các BT, có 4 cơ sở nhà đất BT đã vi phạm không xin phép hoặc xin phép nhưng xây dựng không đúng giấy phép xây dựng; tổng diện tích xây dựng cơi nới thêm 764,25 m2. Đó là: BT số 21 Hùng Vương; BT số 1A, 1B Quang Trung và BT số 11 Pasteur. 7 BT xây dựng có giấy phép: số 22 Nguyễn Viết Xuân, 25 Đinh Tiên Hoàng, 7 Trần Hưng Đạo, 50 Hùng Vương, 1 Trần Quý Cáp, 7 Phan Chu Trinh và 11 Pasteur. 
 
Về nghĩa vụ tài chính (thuê nhà, đất) còn gần 11 tỷ đồng chưa thực hiện (13 BT của 6 nhà đầu tư). Riêng 56 BT giao cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng không thu tiền nhưng sử dụng ổn định. Tuy nhiên, một số BT không sử dụng hết công năng, gây lãng phí. Đáng lưu ý nữa là, các BT hiện giao các tổ chức, doanh nghiệp thuê và quản lý cho các hộ gia đình thuê không được thực hiện công tác bảo quản, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng theo quy định. Vì vậy, BT xuống cấp, hư hỏng, làm phá vỡ kiến trúc, ảnh hưởng kết cấu, cảnh quan khuôn viên BT, gây dư luận không tốt. 
 
Giải pháp “cứu” biệt thự 
 
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung, Trưởng Đoàn kiểm tra thẳng thắn nói với chúng tôi rằng: Công tác quản lý của UBND thành phố (TP) Đà Lạt mà trực tiếp quản lý là TTQLN Đà Lạt chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo, xử lý kịp thời; còn buông lỏng trong quản lý, sử dụng, khai thác các BT.
 
Với công tác quản lý buông lỏng của cơ quan có chức năng dẫn đến những tồn tại sau: lưu trữ hồ sơ pháp lý về nhà, đất cho thuê chưa đầy đủ, nhất là hồ sơ liên quan đến hợp đồng thuê và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; không đầy đủ bản vẽ hiện trạng nhà khi ký hợp đồng thuê, bàn giao nhà cho đơn vị thuê. Một số cơ sở nhà, đất đã được bàn giao nhưng không đôn đốc và xử lý đối với chủ đầu tư để đưa vào quản lý, sử dụng, khai thác theo quy định. Vì vậy, để BT hư hỏng, xuống cấp gây dư luận xã hội không tốt như BT số 01, 03, 05, 07 Cô Giang của Công ty TNHH DIDAMA; 6 Hoàng Văn Thụ của Công ty TNHH Pháp Việt; 43 Xô Viết Nghệ Tĩnh; không đưa đất vào sử dụng (hoặc chậm) nhưng không gia hạn theo quy định. Không kiểm tra, xử lý kịp thời, chấn chỉnh và  buộc tháo dỡ việc xây dựng; cơi nới thêm không xin phép, đến nay vẫn còn tồn tại chưa xử lý, dẫn đến phá vỡ kiến trúc BT, ảnh hưởng kết cấu công trình, cảnh quan khuôn viên BT (số 21 Hùng Vương, 1A và 1B Quang Trung, 11 Pasteur). Chưa kịp thời đôn đốc, xử lý đối với các chủ đầu tư không thực hiện hoặc chậm nộp tiền thuê nhà (đất). Công tác bảo trì, bảo dưỡng BT đã bàn giao cho đơn vị thuê và các BT TTQLN đang quản lý cho các hộ thuê không bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến công trình xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu chịu lực và tuổi thọ của BT. Đáng buồn hơn, có những công trình quá xuống cấp không thể phục hồi lại mà phải tháo dỡ để xây dựng mới công trình (!). Chưa xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện công tác giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ đang ở tại các BT để ký hợp đồng thuê đất, bàn giao nhà (đất) cho nhà đầu tư triển khai thực hiện và thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với các BT do TTQLN Đà Lạt quản lý cho các hộ thuê đã xuống cấp để đấu giá quyền thuê, chỉnh trang đô thị.
 
Công ty Cổ phần Phi Mã thuê BT đã xây dựng thêm công trình trái phép.  Ảnh: M.Đ
Công ty Cổ phần Phi Mã thuê BT đã xây dựng thêm công trình trái phép. Ảnh: M.Đ

Theo ông Lê Quang Trung, hầu hết các đơn vị thuê BT, đưa cơ sở nhà, đất từ khi được nhận bàn giao, ký hợp đồng thuê nhà đất đến khi đưa vào quản lý sử dụng rất chậm, quá 12 tháng theo quy định. Ngoài 6 BT (do 5 đơn vị thuê) chậm trả tiền thuê nhà, đất, một số đơn vị một lúc thuê từ 2 đến 7 cơ sở nhà đất; thậm chí có đơn vị thuê 10 và 13 cơ sở nhà, đất như 10 BT đường Nguyễn Du do Tập đoàn Quốc tế Năm sao thuê và 13 BT đường Trần Hưng Đạo do Công ty CADASA thuê “không đủ năng lực để triển khai thực hiện, dẫn đến thời gian đưa nhà, đất vào sử dụng kéo dài, cũng dễ dẫn đến việc sang nhượng, hợp tác kinh doanh hoặc cho đơn vị khác thuê lại”.
 
Mặc dù số BT đã hư hao rất nhiều so với trước đây nhưng hiện số lượng QBT vẫn là rất lớn, cả về diện tích xây dựng nhà và diện tích sử dụng. Nếu quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương. Trong khi đó, tình trạng xây dựng, cơi nới thêm của chủ đầu tư, các hộ đang thuê BT đã làm ảnh hưởng kiến trúc, kết cấu, khuôn viên BT; công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng cũng không thực hiện dẫn đến BT xuống cấp, hư hỏng. “Như vậy có thể khẳng định rằng, việc quản lý, sử dụng, khai thác QBT thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt trong thời gian qua thật sự chưa hiệu quả”, ông Lê Quang Trung khẳng định.
 
Để quản lý, sử dụng, khai thác QBT theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 47, Đoàn kiểm tra đã đề xuất giải pháp mạnh, đó là UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thống nhất chủ trương và giao cho UBND TP Đà Lạt lập hồ sơ thu hồi đối với các nhà, đất BT không đưa vào sử dụng để BT hư hỏng, xuống cấp gây dư luận xã hội như BT số 01, 03, 05, 07 Cô Giang; 06 Hoàng Văn Thụ và 2 BT làm trụ sở làm việc nhưng không sử dụng hết công năng gây lãng phí (số 11 Trần Hưng Đạo do TTQLN Đà Lạt sử dụng và 35 Pasteur, trụ sở của Trung tâm Quan trắc - Môi trường). Mặt khác, UBND TP Đà Lạt cần chấn chỉnh và chỉ đạo TTQLN Đà Lạt, các phòng ban tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý về tình hình quản lý, sử dụng, khai thác BT và phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện việc thu hồi số tiền các chủ đầu tư đang nợ, cương quyết chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án theo quy định nếu cố tình không thực hiện. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở nhà, đất chủ đầu tư đã nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ. Cùng đó, khẩn trương triển khai đầu tư, duy tu, nâng cấp BT theo đúng tiến độ đã chấp thuận; quá thời hạn chủ đầu tư không thực hiện cần xem xét tính chất, mức độ vi phạm có thể đề xuất UBND tỉnh thu hồi, đấu giá hoặc cho phép gia hạn tiến độ. Cương quyết đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ những hạng mục công trình xây dựng mới, cơi nới thêm không được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép… Bố trí quỹ đất, nguồn vốn, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và lập kế hoạch đầu tư xây dựng quỹ nhà ở chung cư nhằm tái định cư các hộ gia đình đang thuê tại BT để sửa chữa, chỉnh trang đô thị, khai thác hiệu quả QBT. Xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình duy tu, bảo trì, bảo dưỡng các BT theo quy định. Khẩn trương lập hồ sơ hiện trạng nhà, đất đối với các BT hiện chưa có hoặc chưa đầy đủ để lưu trữ và phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng và khai thác sau này. 
 
Đoàn Kiểm tra cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở liên quan như Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, TN&MT, đơn vị liên quan khác đánh giá tình hình quản lý, công năng sử dụng, tiêu chuẩn diện tích phòng làm việc của đơn vị sử dụng BT làm trụ sở làm việc theo quy định; báo cáo đề xuất UBND tỉnh phương án sắp xếp lại, đề xuất thu hồi đấu giá quyền thuê nếu xét thấy sử dụng không hết công năng, gây lãng phí; tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh những bất cập chưa phù hợp về tình hình quản lý, sử dụng QBT để bổ sung, chỉnh sửa Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng…
 
MINH ÐẠO