Thành phố Ðà Lạt kể từ năm 1900 đến nay đã thay đổi qua rất nhiều bản đồ án quy hoạch và hiện đang thực hiện theo "Quy hoạch chung 704" năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy hoạch xây dựng được vận hành theo Quyết định số 36 năm 2015.
Thành phố Ðà Lạt kể từ năm 1900 đến nay đã thay đổi qua rất nhiều bản đồ án quy hoạch và hiện đang thực hiện theo “Quy hoạch chung 704” năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy hoạch xây dựng được vận hành theo Quyết định số 36 năm 2015.
|
Công trình “Chợ Mới Đà Lạt” đang thi công nhưng cấp phép trước khi có Quyết định 36 nên trở thành bất cập. Ảnh: M.Ðạo |
“Quy hoạch chung 704” là cách gọi tắt Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng phê duyệt “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồ án này là sự tổng hợp trí tuệ của rất nhiều chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu ở Việt Nam và Pháp. Đồ án nhằm tái lập cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt hướng đến sự mở rộng sức lan tỏa từ những giá trị tương đồng; hình thành chuỗi các đô thị vệ tinh và xuyên tâm; trong đó, Đà Lạt là đô thị lõi, giữ nguyên tính truyền thống và lịch sử.
Theo Quy hoạch chung 704, Đà Lạt chia thành bốn khu đô thị: Bắc, Nam, Đông và Tây. Ngoài định hướng mở rộng không gian đô thị, kết nối nông thôn với vùng phụ cận, Đồ án này cũng quan tâm đến những điểm nhấn như “trục di sản kiến trúc Đông - Tây” gồm các đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương. Để giữ được tính chất hài hòa với kiến trúc cổ, việc xây dựng mới hoặc cải tạo trên trục này phải định hướng thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp mới cấp phép xây dựng. Mặt khác, Quy hoạch chung 704 còn tính đến phát huy đặc điểm không gian địa hình với những mảng xanh, mặt nước và bình địa đồi núi để quy hoạch xây dựng phù hợp, từ hạn chế độ cao đến mật độ xây dựng thấp, tạo nên những “không gian mở” khoáng đạt của một đô thị đặc trưng, đặc biệt là khu vực “lõi” của thành phố. Chỉ có định hướng này mới giữ được yếu tố “thành phố phong cảnh” và “đô thị sinh thái rừng” đã làm nên giá trị hơn một thế kỷ nay.
Theo xu thế phát triển của một trọng điểm du lịch vùng, thành phố Đà Lạt ngày càng gia tăng nhu cầu về công trình khách sạn. Vì vậy, một số nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng tăng quy mô phòng. Trước tình hình này, cơ quan chuyên môn buộc tham mưu cho chính quyền tỉnh về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của thành phố Đà Lạt. Tinh thần được nhất quán là cân nhắc đến lợi ích hài hòa của nhà đầu tư với những quy định từ Quyết định chung 704 và Quyết định số 36/2015 của UBND tỉnh, ngày 27/4/2015 “Ban hành quy định lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với nhà ở và công trình riêng lẻ trên địa bàn các phường thuộc thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Với quy hoạch xây dựng theo “hình phễu”, trục Đông - Tây mật độ xây dựng giảm, chiều cao công trình cho phép từ 5-7 tầng và trục Bắc - Nam tối đa chiều cao chỉ 5 tầng.
Trao đổi với lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, được biết, để đảm bảo quy định có tính pháp lý nêu trên, Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc tỉnh chủ yếu phê duyệt mức cao tầng tối thiểu của quy định này, trừ công trình điểm nhấn. Mặt khác, xem xét tính phù hợp thực tiễn như khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, điện, nước…), Hội đồng nghiên cứu cụ thể từng trường hợp để đề xuất tham mưu UBND tỉnh. Đối với khu vực lõi trung tâm đô thị lịch sử, càng thực hiện nghiêm ngặt theo Khoản 2, Điều 2 Quyết định 36: “Công trình riêng lẻ áp dụng theo quy định này bao gồm: Các công trình có diện tích xây dựng nhỏ hơn 300 m
2 và chiều ngang công trình nhỏ hơn 12 m (đối với khu quy định nhà liên kế có sân vườn, nhà phố) hoặc công trình có diện tích xây dựng nhỏ hơn 400 m
2 và chiều ngang công trình nhỏ hơn 16 m (đối với khu vực quy định nhà biệt thự, biệt lập, song lập)”. Có nghiêm túc tuân thủ quy định này thì mới quản lý không gian đô thị được.
Tại Quyết định 36/2015 còn nhiều nội dung cụ thể mà không chỉ nhà chuyên môn, cơ quan quản lý, mà nhà đầu tư, người dân cần nắm rõ. Đó là “Quy định về lô đất xây dựng công trình” (Chương II), bao gồm: dạng kiến trúc, khoảng lùi, tầng cao nhà; chiều cao từng tầng; cao trình nền tầng trệt, tầng hầm và tầng bán hầm; hình thức mái công trình. Tại Chương III là những quy định về chỉ tiêu kiến trúc đối với nhà trong hẻm; quy định về lô đất không đủ tiêu chuẩn chỉ tiêu xây dựng… Các phần “Phụ lục” được quy định về lộ giới, dạng kiến trúc, khoảng lùi và tầng cao theo từng con đường cụ thể trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Văn bản pháp quy đã đầy đủ, vấn đề là triển khai thực hiện. Trong thực tế, nếu công trình vi phạm trên địa bàn nào thì địa phương của địa bàn đó phải chịu trách nhiệm, từ công tác quản lý, giám sát và xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định về thẩm quyền. Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt chỉ có thể khoa học và đúng định hướng, bảo tồn và phát huy được những giá trị hiện hữu cũng như những giá trị đặc thù của đô thị Đà Lạt khi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực sự nâng cao trách nhiệm quản lý, nhà đầu tư phải chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định.
MINH ÐẠO