Chuyển biến từ hoạt động giám sát, phản biện xã hội

11:02, 27/02/2019

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tinh thần dân chủ thực sự được phát huy rộng rãi, quyền lợi chính đáng của Nhân dân tiếp tục được bảo vệ, tạo niềm tin của Nhân dân với Ðảng, chính quyền. 

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tinh thần dân chủ thực sự được phát huy rộng rãi, quyền lợi chính đáng của Nhân dân tiếp tục được bảo vệ, tạo niềm tin của Nhân dân với Ðảng, chính quyền. 
 
Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận luôn nêu cao trách nhiệm trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ảnh: N.Thu
Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận luôn nêu cao trách nhiệm trong góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền. Ảnh: N.Thu

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã triển khai các hoạt động giám sát mà trọng tâm giám sát 12 dự án du lịch sinh thái liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh theo hình thức giám sát liên thông từ cấp tỉnh đến huyện và xã. Qua giám sát, đã kịp thời đánh giá, kiến nghị, đề xuất với các đơn vị liên quan đến công tác quản lý, thực hiện các dự án du lịch sinh thái và công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương, cơ sở. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả và kiến nghị đến các cơ quan theo quy định. Những kiến nghị thích đáng đã được các cơ quan chủ quản tiếp thu, điều chỉnh kịp thời sau giám sát. Ngoài ra, còn thực hiện giám sát theo chuyên đề và đối thoại trực tiếp về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2018, do đó đã nhận được sự đồng tình cao trong Nhân dân vì đây là nội dung sát sườn với quyền lợi của Nhân dân.
 
Nổi bật hoạt động giám sát, phản biện tại cơ sở chính là công tác hòa giải cơ sở được MTTQVN các cấp phối hợp thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.536 Tổ hòa giải với 8.641 hòa giải viên. Trong đó, số hòa giải viên là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở chiếm gần 50%, cho thấy vai trò vận động, thuyết phục, hòa giải tại cơ sở là rất quan trọng, được đánh giá rất cao.
 
Theo thống kê, riêng trong năm 2018, số vụ việc tiếp nhận là 1.245 vụ, đã hòa giải thành công 1.150 vụ việc và chưa hòa giải xong 95 vụ việc. 
 
Trong đó, chủ yếu là mâu thuẫn giữa các bên, phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình… Ngoài ra, Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng còn tập trung hướng dẫn Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP ngày 7/10/2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. Giám sát việc tổ chức thực hiện và hiệu quả hoạt động của loại hình hợp tác xã ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016, giai đoạn 2016 - 2020. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ngành tham gia giám sát các lĩnh vực được Nhân dân quan tâm, như: Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; đơn thư khiếu nại, tố cáo; các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác quản lý bảo vệ rừng; việc quản lý các doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; việc quản lý, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; về vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở cơ sở thông qua cơ chế đánh giá sự hài lòng của người dân… Trong quá trình thực hiện giám sát về nội dung, quy trình, phương pháp giám sát được Trung ương ghi nhận và đánh giá là đảm bảo đúng quy định, vai trò của Nhân dân được phát huy, quan hệ phối hợp giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền các cấp được tăng cường. Các kiến nghị qua giám sát được các đơn vị, tổ chức và chính quyền tiếp thu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
 
Về kết quả hoạt động phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong năm 2018, MTTQVN tỉnh đã tham gia, góp ý vào 24 dự thảo văn bản do Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đề nghị, như: Góp ý kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo các Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; dự thảo Quyết định ban hành quy chế hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; dự thảo Quyết định về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia ĐanKia - Suối Vàng” đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030… MTTQVN cấp huyện góp ý vào 7 dự thảo, cấp xã góp ý vào 80 văn bản dự thảo các văn bản liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Quá trình thực hiện, MTTQVN các cấp đã chú trọng phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, tổ chức thành viên tham gia tư vấn, góp ý, góp phần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nghiêm túc trước khi trình ban hành.
 
Tuy nhiên, nhìn nhận về những hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội, bà Hoàng Thị Khiêm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Về tiến độ triển khai công tác giám sát còn chậm, công tác phản biện còn những mặt hạn chế nhất định, có nơi chưa triển khai công tác phản biện xã hội. Hoạt động phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các cấp với một số cơ quan chính quyền vẫn còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
 
Theo đó, để phát huy mạnh mẽ hiệu quả công tác giám sát và phản biện trong năm 2019, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hoàng Thị Khiêm nhấn mạnh: MT và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật. Phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp… Đồng thời, lựa chọn chuyên đề, nội dung giám sát và phản biện phù hợp, nhất là những vấn đề mà dư luận đang quan tâm, như: Giám sát việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; giám sát thực hiện quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Gắn giám sát với tổ chức phát động phong trào nhằm tăng tính hiệu quả, sức lan tỏa trong hoạt động giám sát, nhất là ở cơ sở. Đề xuất và phối hợp thực hiện sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của MTTQVN  thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020.
 
NGUYỆT THU