Gỡ "nút thắt" thu gom xử lý rác thải, chất thải

10:02, 25/02/2019

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi quốc gia nên Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, quyết định liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, từ thực tế phát triển đô thị hóa thành phố Đà Lạt và một số vùng phụ cận dẫn tới thực trạng thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn đang ở mức báo động. 

[links()]
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi quốc gia nên Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, quyết định liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, từ thực tế phát triển đô thị hóa thành phố Đà Lạt và một số vùng phụ cận dẫn tới thực trạng thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn đang ở mức báo động. 
 
Lực lượng đoàn viên thanh niên Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị ra quân dọn vệ sinh môi trường  khu vực suối Cam Ly - Phan Đình Phùng do người dân thiếu ý thức xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: N.Thu
Lực lượng đoàn viên thanh niên Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị ra quân dọn vệ sinh môi trường khu vực suối Cam Ly - Phan Đình Phùng do người dân thiếu ý thức xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: N.Thu

Kỳ I: Thực trạng thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn
 
Tổng khối lượng rác sinh hoạt được thu gom năm 2018 trên toàn thành phố Đà Lạt là 79.579 tấn, trung bình khoảng 218 tấn/ngày. Chỉ tính trong 4 năm gần đây (từ 2015 - 2018), lượng rác sinh hoạt thải ra được thu gom khoảng 270.323 tấn. Lượng rác thải ra môi trường cũng tăng theo từng năm, năm 2015 mỗi ngày thu gom bình quân khoảng 140 tấn/ngày, tăng lên 160 tấn/ngày năm 2016 và đến năm 2018 thì tăng lên 218 tấn/ngày. Tổng số xe ép rác hiện đang được Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt sử dụng là 11 xe, trong đó có 4 xe 10 tấn, 1 xe 7 tấn và 6 xe 5 tấn. Công tác thu gom rác được đội ngũ công nhân thực hiện trên 180 tuyến đường chính,100 đường hẻm và 4 xã vùng ven với chiều dài trên 209 km. Nguyên nhân chủ yếu lượng rác thải ngày càng tăng được xác định do dân số tăng, lượng du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đáng kể, các nhà máy, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn… mở rộng, tăng về số lượng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đáng quan tâm đó chính là quá trình thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn, đặc biệt là rác thải độc hại được tiến hành ra sao và có bảo đảm môi trường sống của người dân? Có gây ra ô nhiễm môi trường và các hệ lụy kèm theo hay không? Theo ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: Công tác xử lý rác trên địa bàn thành phố Đà Lạt được Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh thực hiện tại Nhà máy Xử lý rác thải Xuân Trường - Tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt với tổng diện tích là 28 ha, công suất thiết kế của nhà máy khoảng 200 tấn/ngày đêm, công suất xử lý của lò đốt là 20 - 30 tấn/ngày. Từ tháng 7 năm 2015 đến nay, toàn bộ lượng rác thải thu gom đều được chuyển về nhà máy tại Xuân Trường để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế còn gặp khó khăn do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh chưa đầu tư các hạng mục xử lý đầy đủ nên ngay khi tiếp nhận lượng rác thải đã không thể xử lý hoàn toàn. Do đó, trong thời gian qua đã phát sinh một số đơn thư kiến nghị về việc gây ô nhiễm môi trường.
 
Được biết, từ trước tháng 7 năm 2015 về trước, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn thành phố Đà Lạt đều đổ tại bãi rác Cam Ly - đây là bãi chôn lấp không lót đáy.
 
Cũng theo thống kê hàng năm, lượng rác thải ra môi trường ước tính từ 20 - 30 tấn/năm. Tổng lượng chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi khoảng từ 5 ngàn - 10 ngàn tấn/năm. Thống kê tại huyện Lạc Dương sau một đợt kiểm ra, rà soát và thu gom được lượng rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng khoảng 4,4 tấn tại hàng trăm các bể chứa rác được chính quyền đầu tư bố trí để thu gom rải rác trên địa bàn huyện.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường cũng được chính quyền và cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên. Theo đó, từ năm 2015 - 2018, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 91 trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường theo Nghị định 179 của Chính phủ. Thành phố Đà Lạt đã xử phạt 62 trường hợp, các vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh, đơn vị là không thực hiện đầy đủ các cam kết trong hồ sơ cam kết về bảo vệ môi trường. Một bộ phận không nhỏ các cơ sở sản xuất - kinh doanh không coi trọng công tác bảo vệ môi trường, khi phát hiện sai phạm thì xử lý mang tính chất đối phó với lực lượng chức năng là chính chứ chưa thực sự thể hiện cái tâm và trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất.
 
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã phản ánh và kiến nghị đến chính quyền địa phương về rất nhiều vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư như: việc xả thải súc rửa dụng cụ của Công ty Rừng hoa tại Phường 8; Nhà máy xử lý rác thải tại Xuân Trường chưa đảm bảo đúng quy trình xử lý rác nên còn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân; Nhà máy sản xuất rượu vang Dalat Beco bị sự cố trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Dã Chiến tại Phường 11; lượng khói phát thải ra môi trường từ nhà đốt lò hơi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng gây mùi khó chịu, ảnh hưởng môi trường sống của người dân quanh khu vực; ô nhiễm tại Trại gà Thanh do bà Lê Thị Thanh làm chủ cơ sở; tình trạng ô nhiễm tại hồ Than Thở, hồ lắng 1, hồ lắng 2 vào mùa khô cũng được người dân kiến nghị, phản ánh.
 
Mặt khác, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư không xây dựng hệ thống xử lý môi trường dẫn đến bốc mùi hôi thối khó chịu, nhất là vào mùa mưa ẩm thấp, khiến người dân sống quanh khu vực trại, chuồng chăn nuôi bị ảnh hưởng. Rất cần sự thống kê, rà soát cụ thể từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có hướng giải quyết triệt để, nhất lại là thành phố du lịch mang tầm quốc gia, khu vực thì môi trường là vấn đề phải được chú trọng hàng đầu. 
 
Về kinh phí chi sự nghiệp môi trường theo ghi nhận là còn thấp, việc lấy mẫu và phân tích chất lượng môi trường còn ít. Đối với một số hồ có diện tích lớn như hồ Tuyền Lâm, Thái Phiên… số lượng lấy mẫu quan trắc còn thấp, chưa đủ tính chất đại diện cho chất lượng nước hồ. Nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường đã được nâng lên do các ngành tích cực tuyên truyền đậm nét, tuy nhiên thực tế ý thức tự giác giữ gìn, bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống thường xuyên của một bộ phận người dân thành phố và các vùng lân cận.
 
Hệ thống thu gom, vận chuyển đối với rác thải sinh hoạt hiện nay vẫn chưa phủ kín toàn thành phố, nhất là vùng sâu, vùng xa, dẫn đến chưa thu gom rác thải triệt để. Phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt, việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa bãi chôn lấp rác Cam Ly vẫn chưa được thực hiện do nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng môi trường sống và khiến người dân quanh khu vực vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp.
 
Một thực trạng khác là hiện nay trên toàn thành phố Đà Lạt cũng như toàn tỉnh đó là công tác phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình chưa được thực hiện. Chất thải nguy hại (rác thải y tế, chất thải công nghiệp…) chưa được thu gom và xử lý triệt để. Bãi chôn lấp rác thải của các địa phương qua kiểm tra đều không hợp vệ sinh, chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải và nước rỉ rác, có nguy cơ gây ô nhiễm cao… Rác thải từ hoạt động nông nghiệp không qua xử lý thải trực tiếp ra suối trong lưu vực gây ô nhiễm môi trường… Đây thực sự là vấn đề nan giải, cần có lộ trình để can thiệp, giải quyết, hướng đến hình thành thói quen, nếp sống trong bảo vệ môi trường của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên toàn tỉnh.

(CÒN NỮA)
NGUYỆT THU