Từ thực trạng rất nhiều khó khăn, bất cập trong thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn trên địa bàn thành phố Ðà Lạt nói riêng và toàn tỉnh Lâm Ðồng nói chung, đại diện các cơ quan, đơn vị đã góp tiếng nói nhằm tháo gỡ "nút thắt" trong vấn đề này.
[links()]
Tiếng nói của cơ quan, đơn vị liên quan
Từ thực trạng rất nhiều khó khăn, bất cập trong thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn trên địa bàn thành phố Ðà Lạt nói riêng và toàn tỉnh Lâm Ðồng nói chung, đại diện các cơ quan, đơn vị đã góp tiếng nói nhằm tháo gỡ “nút thắt” trong vấn đề này.
|
Rác thải còn bị người dân vứt thẳng ra suối. Ảnh: N.Thu |
Một chuyên gia tư vấn, đại diện cho Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh phản ánh: Trước hết, phải nhìn nhận đây là một dự án tốt, mang tính nhân văn vì nhà đầu tư đến đây để giải quyết vấn đề môi trường của thành phố Đà Lạt. Dự án với tổng dự toán là 381 tỷ đồng, sau xử lý rác thải là tái chế làm phân vi sinh, sản xuất gạch, sản xuất dụng cụ sinh hoạt… Đến nay, việc xử lý rác đã xong, đã lắp đặt 2 dây chuyền, 3 lò đốt với công suất 200 tấn/ngày trong 8 giờ. Tuy nhiên, nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa hoàn tất các hạng mục do thiếu vốn đầu tư nên khâu xử lý rác hiện nay còn bất cập. Vì vậy, Công ty đã bị xử phạt 350 triệu đồng mà nguyên nhân được xác định khi giao rác thải với đơn giá không hợp lý, công ty không đủ tiền đốt nên phải chôn lấp, lượng rác thải tồn đọng do công suất chưa kịp xử lý dẫn đến nước rỉ rác thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngay từ khi triển khai dự án xây dựng nhà máy thì nhiệm vụ ban đầu UBND tỉnh giao chỉ 80 tấn rác/ngày, các đơn vị phải giao từ từ chứ năng lực của nhà máy hiện nay không đáp ứng yêu cầu do chưa hoàn thành dự án, nhà máy chưa hoàn tất do năng lực nhà đầu tư còn hạn chế. Đại diện Công ty cũng đề đạt với tỉnh, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện về ứng vốn để nhà máy tiếp tục hoàn thiện các hạng mục đầu tư vì nhà máy đang khủng hoảng về tài chính.
Theo ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng: Tình hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị hiện nay đạt 81,1%, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn 22,5%, chất thải rắn công nghiệp là 100%. Về công nghệ xử lý rác thải hiện nay của thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng có nhà máy xử lý đốt và sản xuất phân vi sinh, còn lại hầu hết các địa phương xử lý đều dưới hình thức chôn lấp chưa hợp vệ sinh. Và hệ thống thu gom vận chuyển vẫn chưa phủ kín toàn tỉnh, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa dẫn đến chưa thu gom được toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh, phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa bãi rác chôn lấp Cam Ly - Đà Lạt, Pré - Đức Trọng, Đạm B’Ri - Bảo Lộc chưa thực hiện do nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế. Chi phí hỗ trợ xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại là rất lớn, đây là áp lực về ngân sách địa phương. Việc xác định đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn còn bất cập do chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn để có cơ sở triển khai thực hiện. Tăng cường thúc đẩy xã hội hóa trong quản lý chất thải rắn để tổng thu đảm bảo bù chi để giảm bớt áp lực về ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Trãi - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho rằng: Khâu hậu kiểm chưa tốt, công tác bảo vệ môi trường luôn được sở quan tâm, vừa giám sát, vừa vận động, tuyên truyền. Đề nghị các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường, cần tăng cường, kiểm tra giám sát về môi trường, tuyên truyền trong nông dân để họ nắm bắt được về tác hại của thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không đúng quy định, vận động nông dân thu gom, phân loại chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất đảm bảo đúng quy định, đảm bảo môi trường, đảm bảo sức khỏe con người. Trong thời gian tới, sở cũng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình trọng điểm về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường, ưu tiên các nhiệm vụ cấp thiết của từng địa phương. Khuyến khích nghiên cứu các mô hình và đầu tư phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Kiến nghị Trung ương sớm có quy định thống nhất và trách nhiệm quản lý môi trường để đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý. Đồng thời, đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy xử lý chất thải…
Ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Công tác quản lý môi trường đã có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cảnh sát môi trường, Công thương… Tuy nhiên, việc phân cấp nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa thống nhất, còn chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý, bảo vệ môi trường. Tuy có sự phân cấp quản lý môi trường đến cấp huyện nhưng đội ngũ quản lý môi trường cấp huyện, thành, xã, phường còn thiếu và yếu, chưa được chuyên môn hóa, gần như do một cán bộ địa chính xã kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Hiện vẫn chưa có sự kiểm soát đối với việc sử dụng và thải bao gói thuốc bảo vệ thực vật của các hộ sản xuất. Rác thải từ hoạt động nông nghiệp không qua xử lý, thải trực tiếp ra suối trong khu vực gây ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ngoài ra, công tác quản lý chất thải y tế, chất thải nguy hại vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đề nghị các cấp, ngành tăng cường cán bộ phụ trách môi trường, trang bị phương tiện chuyên dụng để thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm. Sắp tới, đề nghị các cơ quan cấp tỉnh tăng cường kiểm tra tại các khu danh lam, thắng cảnh, các cơ sở chế biến thực phẩm có quy mô lớn thuộc phân cấp của tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về môi trường; kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải và đóng cửa bãi rác Cam Ly.
Còn ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng thì khẳng định: Quá trình xử lý rác là thường xuyên và lâu dài, công tác tuyên truyền không phải mới mà từ nhiều năm nay để tạo dựng nếp sinh hoạt, ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường. Mỗi thời kỳ đòi hỏi yêu cầu khác nhau. Qua giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, làm cho thành phố ngày cành xanh - sạch - đẹp. Quản lý quy hoạch, thu gom, xử lý rác vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ chính là quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay về công tác bảo vệ môi trường. Ở các địa phương còn buông lỏng quản lý về bảo vệ môi trường, vẫn còn tình trạng người dân vô ý thức xả thải rác trực tiếp ra suối, hồ, đồng ruộng, khu công cộng. Công tác xử lý vi phạm về xử phạt còn mang tính hình thức, mức xử phạt thấp dẫn đến chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, phải xem lại các danh hiệu gia đình văn hóa khi trước và sau nhà hộ dân còn rác, người dân còn bỏ rác sai quy định... Năm 2019 được chọn là năm về bảo vệ môi trường, đây là nhiệm vụ được chú trọng, trong đó công tác xử lý rác thải, nhất là rác thải nông nghiệp nguy hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật thực sự là vấn đề đáng lo ngại, được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Theo đó, vấn đề quy hoạch lại được đặt lên hàng đầu. Ở đây địa phương phải tạo điều kiện ưu tiên hàng đầu cho công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên cho các dự án về bảo vệ môi trường, dự án nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, dành quỹ đất, nguồn vốn đầu tư cho các dự án về thu gom xử lý rác thải để mang tính bền vững.
Với những ý kiến nêu trên cho thấy, hiện Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương trong cả nước, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn đô thị đang là vấn đề hết sức nan giải. Khối lượng phát sinh lớn nhưng không tập trung, tỷ lệ thu gom còn hạn chế, chất thải rắn tồn đọng chưa được thu gom chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, gây nên nhiều bệnh hiểm nghèo... Giải pháp tháo gỡ “nút thắt” này chính là nguồn vốn ngân sách nhà nước, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, là cái tâm của nhà đầu tư trong các dự án xử lý rác thải, chất thải rắn, nhằm đảm bảo giữ gìn môi trường sống ngày càng xanh - sạch.
NGUYỆT THU