Bữa cháo dinh dưỡng cho trẻ em nghèo

02:03, 11/03/2019

Đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần, hơn 150 tô cháo nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng được các hiền mẫu của giáo xứ Nam Ban và Hội LHPN xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) hỗ trợ cho trẻ em nghèo và người già neo đơn ở thôn Thực Nghiệm.

Đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần, hơn 150 tô cháo nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng được các hiền mẫu của giáo xứ Nam Ban và Hội LHPN xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) hỗ trợ cho trẻ em nghèo và người già neo đơn ở thôn Thực Nghiệm.
 
Bữa cháo bổ sung dinh dưỡng luôn được các em háo hức chờ đợi
Bữa cháo bổ sung dinh dưỡng luôn được các em háo hức chờ đợi
Ở thôn Thực Nghiệm, xã Mê Linh, có “đặc sản” là trẻ con - đó là câu nói vui của nhiều người lớn bởi một lý do đơn giản, tỉ lệ sinh con thứ 3 của thôn Thực Nghiệm cao nhất trong xã. Nhiều cặp vợ chồng trẻ có tới 3, 4 đứa con. Chị Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, hệ quả của tình trạng trên là tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng khá cao. Nhiều em nhỏ trong độ tuổi đến trường nhưng vẫn nghỉ học để ở nhà đi mò cua bắt ốc, hay phụ giúp bố mẹ trên nương rẫy.
 
“Thấy con em mình vất vả quá, cơm ăn bữa đói bữa no, nhiều bữa phải nhịn đói đi học nên chúng tôi cùng với cha xứ và các sơ quyên góp tiền và tập trung nấu cháo, bổ sung dinh dưỡng cho các em”, bà Ka Rơng, tổ trưởng tổ nấu cháo chia sẻ. Nồi cháo giàu tình yêu thương của các hiền mẫu bắt đầu từ giữa năm 2015, nhưng mỗi tháng chỉ nấu 2 lần bởi kinh phí còn hạn hẹp. Thế nhưng nhận thấy nhu cầu và sự háo hức của đám trẻ mỗi khi chờ đợi, tần suất được tăng lên 1 tuần 1 lần, cứ thế đều đặn duy trì đến nay.
 
“Những ngày đầu tội lắm, điều kiện chưa có nên chỉ dựng một cái bạt, mượn chiếc nồi lớn rồi nấu bằng bếp củi ở ngoài sân. Ngày mưa thì không có chỗ cho đám trẻ ngồi, cứ chen chúc dưới mấy gốc cây rồi húp sì soạt. Thương chúng nên chúng tôi cố gắng duy trì, mỗi tuần một tổ cố gắng nấu thật ngon cho các em”, bà Ka Rơng nhớ lại. 
 
Thế là mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, sau giờ học giáo lý, các em nhỏ lại tập trung ở sân nhà nguyện, đợi chờ tô cháo ấm nóng, giàu tình yêu thương của hiền mẫu và các sơ. Tất tả địu em trên lưng như cô bé Ka Cúc và nhanh chóng tìm chỗ ngồi và bắt đầu chuẩn bị bón cháo cho em gái. Chỉ mới 9 tuổi nhưng trông Ka Cúc không cao hơn các em học lớp 1 bao nhiêu. Ấy vậy mà ra dáng làm chị lắm, xúc từng thìa cháo, thổi đến khi nguội, đút cho em, dỗ dành em từng li từng tí. Ka Cúc nói cha mẹ đều đi làm cả, 2 chị em ở nhà, chủ nhật nào cũng đến ăn cháo, thành thói quen. Không cần phải có cha mẹ ở cạnh, từng em dù lớn hay nhỏ cũng đều tự xúc ăn một cách trật tự, ăn xong lại đem tô ra phía sau nhà để các cô rửa giúp.
 
“Chúng tôi biết bà con còn rất nghèo, nhận thức nhiều khi cũng rất hạn chế nên không để ý đến dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Chúng tôi quyên góp của các Sơ, vận động thêm ủng hộ của hội đoàn, mạnh thường quân… để mang đến cho con em những bữa ăn đầy đủ hơn. Nhiều quá thì chúng tôi không đủ khả năng, và cũng biết là bữa cháo đơn giản này cũng có thể chẳng thấm vào đâu nhưng giúp được đến đâu thì mình giúp, mang lại cho các em bao nhiêu thì mình cũng cố gắng cho thật đủ đầy”, thành viên của giáo xứ Nam Ban chia sẻ.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết, hiện ở Mê Linh có 2 thôn thường xuyên duy trì được hoạt động này là Thực Nghiệm và Buôn Chuối. Hội LHPN xã đã kết hợp với giáo xứ Nam Ban để hỗ trợ thêm về tiền mặt, rau xanh, sữa, bánh… hàng tuần để giúp nồi cháo thêm “dinh dưỡng”.
 
 Bên cạnh đó, thông qua hoạt động này, Hội LHPN cũng giúp nâng cao nhận thức của các bà, các mẹ về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm sao để cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai. Tiến tới đây, Hội LHPN xã cũng đang vận động chị em trồng rau xanh tại nhà, bước đầu cải thiện bữa ăn của gia đình. Nếu mô hình phát triển được, hội sẽ đứng ra thu gom, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm rau sạch, góp phần tăng thu nhập của bà con.
 
HỒNG THẮM