Nắng hạn kéo dài, hàng chục ngàn hecta cây trồng thiếu nước tưới, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguồn nước thiếu hụt không chỉ trong khu dân cư mà còn tại rất nhiều trường học đã khiến mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Nghiêm trọng hơn, tại một số khu dân cư, người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
[links()]
Nắng hạn kéo dài, hàng chục ngàn hecta cây trồng thiếu nước tưới, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguồn nước thiếu hụt không chỉ trong khu dân cư mà còn tại rất nhiều trường học đã khiến mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Nghiêm trọng hơn, tại một số khu dân cư, người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vào rừng gùi nước chống khát
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà Ka Yòng (ngụ Thôn 2, xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) phải đều đặn 2 lần đi bộ hơn 1 km vào khe đá ở bìa rừng gùi nước về chống khát. Đây cũng là cách mà hàng trăm hộ dân ở nơi đây phải chật vật để tìm nước sinh hoạt trong suốt gần 3 tháng qua.
|
Người dân xã Lộc Lâm phải vào rừng gùi nước về sử dụng |
Vào rừng gùi nước
Hình ảnh những người phụ nữ lục tuần, những thanh niên trai tráng và cả những cô cậu chỉ mới 13 - 14 tuổi ngày ngày phải mang chai, lọ và can nhựa vào bìa rừng gùi nước về làng đã trở thành quen thuộc với người dân xã Lộc Lâm. Giữa trưa trời đứng bóng, chúng tôi theo chân bà Ka Yòng (65 tuổi) cùng em K’Hoàng (14 tuổi) mang theo nhiều chai, lọ trong chiếc gùi để vào rừng cõng nước về sử dụng. Em K’Hoàng nói: “Đường từ buôn tới khe núi hứng nước khó đi lắm nên chỉ đi bộ thôi, xe máy không đi được. Người lớn có sức khỏe thì mỗi lần gùi được 5 - 7 can lớn, còn em sức yếu phải dùng chai nhỏ bỏ vào gùi cõng cho dễ”.
Sau khoảng 15 phút vượt qua nhiều rẫy cà phê khô cằn và 1 con suối cạn trơ đáy, chúng tôi cũng tới nơi lấy nước. Tại đây, chỉ có 2 ống tre được bà con chọc thẳng vào khe núi để dẫn nước ra. Vừa dùng những chiếc chai nhựa hứng nước, bà Ka Yòng than: “Trời nắng hạn khổ lắm. Năm nào chúng tôi cũng phải mang theo chai lọ vào rừng lấy nước về dùng. Tôi già rồi cõng được ít, nên mỗi ngày ít nhất phải 2 lần vào rừng gùi nước. Đi lấy nước buổi trưa còn đỡ chứ buổi chiều đông lắm, phải đợi. Nước lấy về chỉ để uống và nấu ăn thôi. Còn tắm, giặt thì phải lên tận suối cách chỗ lấy nước này hơn 500 m nữa nên vất vả lắm”.
Theo ông K’Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, nhiều năm trở lại đây, cứ vào mùa khô là tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra rất cấp bách. Hầu hết các hộ dân trong xã đều đã đào giếng tìm nguồn nước nhưng đến nay những giếng có nước cũng chỉ đếm được đầu ngón tay. Còn lại đều bị nhiễm phèn, sụt lở không thể sử dụng”.
Ngoài Lộc Lâm, thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô còn diễn ra tại nhiều địa phương khác của huyện Bảo Lâm như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Thành và Lộc Nam… Theo ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc thì toàn xã hiện có 5 giếng khoan được nhà nước đầu tư xây dựng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 giếng sử dụng được, 3 giếng bị cạn kiệt và 1 giếng bị hư hỏng không thể sử dụng.
Nắng hạn kéo dài đã khiến người dân thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng. Để có nguồn nước ăn uống, hàng trăm hộ dân trong xã phải đi xin, thậm chí phải vào rừng để chở nước.
“Toàn xã có gần 1.400 hộ dân; trong đó, có khoảng 500 - 550 hộ đang thiếu nước sinh hoạt. Đến lúc này, tình trạng thiếu nước sinh hoạt nguy cấp nhất đang xảy ra tại Thôn 2 (khu vực Hang Bom) và Thôn 4. Còn lại người dân phải sử dụng tiết kiệm, cầm chừng dựa vào nguồn nước giếng tự đào. Trước tình hình hạn hán đang diễn ra, địa phương đã trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ người dân nạo vét giếng; đồng thời, vận động bà con chia sẻ nước cho nhau cùng sử dụng. Song, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời” - ông K’Tư cho biết thêm.
|
Người dân xã Lộc Bắc nỗ lực nạo vét giếng tìm nguồn nước |
Cần giải pháp cấp bách và lâu dài
Toàn xã Lộc Lâm hiện có hơn 690 hộ dân. Trong đó, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Châu Mạ và K’Ho chiếm khoảng 82%. Ngoài ra, tại đây còn có hơn 600 học sinh của 3 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non. Để cung cấp nguồn nước sinh hoạt, những năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 1 công trình nước tự chảy và 4 giếng khoan công cộng. Tuy nhiên, có đến 3 giếng khoan phải “đắp chiếu” không thể sử dụng vì nước bị nhiễm phèn hoặc bị sụt lún, hư hỏng. Chỉ có giếng khoan tại Thôn 3 đang sử dụng nhưng chỉ cung cấp nước cho hơn 20 hộ dân. Riêng đối với công trình nước tự chảy được xây dựng để phục vụ cho khoảng 250 hộ dân, vì lâu ngày không được nâng cấp, cải tạo nên đã bị hư hỏng, xuống cấp và chỉ tạm đáp ứng đủ nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 70 hộ dân. Tuy nhiên, nguồn nước tại đây ngày càng bị đục, không đảm bảo vệ sinh do rừng trồng đầu nguồn đã khai thác.
|
Công trình giếng khoan tại Thôn 2 (xã Lộc Lâm) bị hư hỏng không thể sử dụng trong nhiều năm qua |
Ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm cho biết: “Trước thực trạng các công trình nước sinh hoạt bị xuống cấp, hư hỏng thì nhiều năm qua, không chỉ mùa khô mà cả mùa mưa người dân địa phương cũng thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước tự chảy bị vẩn đục, người dân phải tận dụng nước mưa để sử dụng. Còn về mùa khô nắng hạn kéo dài thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất căng thẳng. Theo thống kê, trong mùa khô năm nay, toàn xã đang có khoảng 85% hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, cấp bách nhất là Thôn 2, nơi có gần 200 hộ dân thì 100% đều không chủ động được nguồn nước sinh hoạt tại chỗ. Với thực tế nguồn nước ngầm tại địa phương hầu hết bị nhiễm phèn, thì việc đầu tư nâng cấp công trình nước tự chảy ở suối Đạ Kơi tại Thôn 1 được xem là giải pháp cấp bách và lâu dài để giúp người dân chống khát”. Cũng theo ông Bình, năm 2019, Lộc Lâm đang phấn đấu để về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng như hiện nay thực sự là trở ngại lớn của địa phương.
Ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cho biết: “Từ nhiều nguồn kinh phí, những năm qua, trên địa bàn huyện đã có hơn 40 công trình giếng khoan, nước tự chảy được đầu tư xây dựng ở hầu hết các xã, thị trấn. Song đến hiện tại, có 12 công trình giếng khoan không thể sử dụng vì hư hỏng hoặc nhiễm phèn nặng, 10 giếng khoan bị cạn nước phải sử dụng cầm chừng. Điều đáng nói, số giếng khoan không thể sử dụng và sử dụng cầm chừng chủ yếu tập trung tại các địa phương khó khăn như Lộc Lâm, Lộc Bắc và Lộc Bảo. Do đó, vào mùa khô tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra tại các địa phương này là rất báo động”.
Theo ông Xuân, để khắc phục những khó khăn này, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát lại thực trạng các công trình giếng khoan và nước tự chảy để có kế hoạch nâng cấp sửa chữa; đồng thời, thăm dò nguồn nước ngầm để triển khai đầu tư thêm giếng khoan cung cấp nước cho người dân. “Đối với những xã có nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, UBND huyện kiến nghị cơ quan cấp tỉnh có giải pháp khắc phục giúp người dân. Trường hợp khẩn cấp, UBND huyện sẽ trích nguồn kinh phí dự phòng để tiếp nước cho bà con. Riêng đối với xã Lộc Lâm, tới đây, chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá lại nguồn nước tự chảy ở suối Đạ Kơi để có kế hoạch nâng cấp công trình cung cấp nước cho bà con” - ông Xuân cho biết thêm.
(CÒN NỮA)
KHÁNH PHÚC - HỮU SANG