Chật vật vì thiếu nước sinh hoạt (Kỳ 2)

09:03, 18/03/2019

Mỗi đêm, dù bảo vệ trường học phải thức giấc 4 - 5 lần để bơm nước tích trữ nhưng đến chiều là cô trò đã phải chịu cảnh thiếu nước. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh, gây nhiều phiền hà và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. 

Nan giải nước sinh hoạt trong trường học
 
[links(right)] Mỗi đêm, dù bảo vệ trường học phải thức giấc 4 - 5 lần để bơm nước tích trữ nhưng đến chiều là cô trò đã phải chịu cảnh thiếu nước. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh, gây nhiều phiền hà và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. 
 
Trường Mầm non Tân Thượng đang khoan giếng tìm nguồn nước
Trường Mầm non Tân Thượng đang khoan giếng tìm nguồn nước
Khan hiếm nguồn nước
 
Trường TH xã Tân Thượng có 1 điểm trường chính và 3 phân hiệu với gần 600 học sinh (HS) và giáo viên. Trong đó, điểm trường chính có hơn 400 HS đang theo học 2 buổi/ngày. Song, vì nằm ở vùng khô hạn, nên hơn một nửa thời gian trong năm học cô và trò trường tại đây lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Nhà vệ sinh của trường nằm cách dãy phòng học chưa đến 10 m nên đến cuối ngày là mùi hôi bốc lên lan ra cả dãy phòng học. “Không có nước, nên mỗi lần đi tiểu là bọn cháu tự “dội nước” cho nhau. Nhiều khi bọn cháu phải nhịn không dám đi vì nhà vệ sinh mất vệ sinh quá” - nhiều em HS Trường TH Tân Thượng cho biết. 
 
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt này đã diễn ra hơn 3 tháng qua. Trước đây, trường có giếng đào nhưng hiện tại đã bị sụt lún vùi lấp không thể sử dụng. Vì thế, nhà trường phải chuyển máy bơm qua giếng nước ngoài trường dùng chung với 1 hộ dân. Bà Trần Thị Thơm, bảo vệ Trường TH Tân Thượng, cho biết: “Suốt 3 tháng qua, tôi thường xuyên bị mất ngủ vì hàng đêm phải thức dậy 4 - 5 lần để canh bơm nước. Dù đã canh bơm nhiều lần nhưng nước bơm được cũng chỉ được một bồn 1.000 lít. Số nước ít ỏi này cũng chỉ đủ cho khoảng 400 HS vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, còn buổi chiều thì chẳng còn giọt nào”. 
 
Tương tự, tại 3 điểm trường của Trường TH Tân Thượng có khoảng 200 HS đều chịu cảnh thiếu nước trầm trọng. Trong đó, tại điểm trường Thôn 3 và Thôn 4 đã khoan giếng nhưng hiện đã cạn kiệt không thể sử dụng. Còn điểm trường Thôn 1 thì chưa có giếng. Ngày ngày, phụ huynh phải chia nhau chở nước đến các điểm trường cho con em sử dụng. Cô Cao Thị Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH Tân Thượng, cho biết: “Nhà vệ sinh chỉ cách phòng học khoảng 7 m, nhưng lâu ngày không đủ nước để lau rửa khiến mùi hôi xông vào cả phòng học làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cô trò. Nhìn cảnh mỗi buổi chiều, các em HS phải bịt mũi đi vệ sinh khiến chúng tôi rất buồn và trăn trở. Cảnh quan trường học thì xơ xác vì cây cối trồng xuống là chết khô do thiếu nước. Mới đây, trường đã đầu tư thêm kinh phí kéo ống dẫn nước từ trường cấp 2 bên cạnh nhưng nguồn nước cũng rất hạn hẹp. Trước thực trạng cấp thiết, nhà trường đã gửi tờ trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Di Linh xin hỗ trợ khoan giếng. Nếu cứ bị thiếu nước kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của HS”.
 
Cũng tại địa phương này, Trường Mẫu giáo Tân Thượng từ lúc xây dựng vào năm 2014 đến nay, đều luôn trong tình cảnh thiếu nước. Ông Đặng Thiện Nghị, bảo vệ Trường Mẫu giáo Tân Thương, chia sẻ: “Từ khi được xây dựng mới cách đây 5 năm, mùa khô hàng năm cô trò ở đây cũng khổ sở vì thiếu nước dùng. Nhà trường có 3 giếng đào nhưng mùa khô là nước không đủ dùng.Hiện, nhà trường đang được đầu tư khoan giếng nên phải dành riêng một giếng đào để cấp nước cho hoạt động này. Chính vì vậy, nước đã thiếu nay càng thiếu hơn. Phụ huynh đưa con đi học phải phân công nhau chở nước đến trường cho con em dùng”. Anh K’Jiềm, phụ huynh có con học tại Trường Mẫu giáo Tân Thượng trăn trở: “Hàng ngày, khi đưa con đi học là tôi phải chở thêm 1 can nước 30 lít để con em vệ sinh. Không phải riêng tôi, tất mọi người đều phải thay phiên chở nước giúp trường. Việc chở nước đến trường được bà con thực hiện thường xuyên, liên tục nhiều năm qua. Thiếu nước sinh hoạt nên chúng tôi rất lo lắng con em phải sử dụng nước tiết kiệm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh”.
 
Khan hiếm nguồn nước sinh hoạt đang diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh
Khan hiếm nguồn nước sinh hoạt đang diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh
Đầu tư nhiều nhưng vẫn thiếu
 
Trước thực trạng thiếu nước trầm trọng của các trường học trên địa bàn, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa nên năm 2017 UBND huyện Di Linh đã triển khai Dự án đầu tư “Nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới hệ thống nước sạch trường học giai đoạn 2017 - 2020”. Đối với thị trấn Di Linh và các xã lân cận như Liên Đầm, Hòa Ninh, Đinh Lạc, Tân Châu, Gung Ré… thì công trình giếng khoan được thay thế bằng hệ thống nước sạch. Nhờ vậy, về cơ bản nguồn nước cung cấp cho các trường được đảm bảo.
 
Trong khi đó, mặc dù được đầu tư mới nhưng hầu hết hệ thông giếng khoan tại các trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa như Gia Bắc, Sơn Điền, Hòa Bắc, Hòa Nam, Tam Bố, Tân Thượng và Tân Lâm… đều không đảm bảo đủ nước sử dụng trong mùa khô.
 
Ông K’Bân - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho hay: “Năm nay, do nắng hạn quá khắc nghiệt làm nguồn nước ngầm tụt giảm nghiêm trọng đẩy người dân địa phương vào cảnh thiếu nước trên diện rộng. Đến nay, toàn xã đang có hơn 2/3 hộ dân thiếu nước phải xin nhờ hàng xóm hoặc vào tận khe suối để chở nước về dùng. Đối với 2 trường học trên địa bàn là Trường Cấp 1 - 2 và Trường Mẫu giáo Gia Bắc cũng đang chịu cảnh thiếu nước tương tự”.
 
Còn cô Vũ Thị Vọong, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Gia Bắc, cho biết: “Năm 2018, nhà trường được đầu tư giếng khoan mới với kinh phí 500 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn nước bị nhiễm phèn và asen nên không thể sử dụng. Hiện tại, các cô đang phải kéo nhờ nước tự chảy của người dân để sử dụng, nhưng do nước yếu nên lúc có, lúc không khổ sở vô cùng”.
 
Tương tự, mặc dù có giếng khoan nhưng phân hiệu Trường Mẫu giáo Gung Ré (xã Gung Ré) cũng thường xuyên thiếu nước. Bà Nguyễn Ái Loan, bảo vệ tại ngôi trường này, chia sẻ: “Trường có giếng khoan, nhưng hiện đang sử dụng chung cùng phân hiệu Trường THCS Gung Ré. Mỗi ngày tôi phải canh bơm liên tục 6 - 7 lần cũng chỉ được 2 bồn 1.000 lít/bồn. Hàng ngày, cô trò phải sử dụng hết sức tiết kiệm mới tạm đủ”.
 
Ông Phan Đình Đồng - Trưởng phòng Phòng GD - ĐT huyện Di Linh, cho biết: “Toàn huyện có 76 trường học thuộc 3 cấp do phòng quản lý (mầm non, TH, THCS). Trong đó, gần 1/2 số trường tập trung tại các xã khó khăn, thuộc vào diện thiếu nguồn nước sinh hoạt cấp bách. Sau hơn 2 năm triển khai Dự án đầu tư “Nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới hệ thống nước sạch trường học giai đoạn 2017 - 2020”, đến nay, đã có 28 công trình giếng khoan được thi công tại các trường học mầm non, TH và THCS trên địa bàn toàn huyện, với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, địa phương luôn quan tâm đến việc đầu tư hệ thống nước sinh hoạt cho các trường. Song trên thực tế, nhiều giếng khoan vừa được đầu tư nhưng do nguồn nước bị nhiễm phèn và asen không thể sử dụng hoặc sử dụng cầm chừng khiến nhiều trường học lâm vào cảnh thiếu nước trong mùa khô”.
 
Cũng theo ông Đồng, ngoài những trường đã được đầu tư thì trên địa bàn huyện Di Linh đang còn hơn 10 phân hiệu trường học tại các xã khó khăn chưa có giếng cung cấp nước. Điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng dạy và học của cô trò. Vì vậy, trong thời gian tới, phòng sẽ kêu gọi thêm nguồn đầu tư để xây dựng các công trình cung cấp nước cho các trường; đồng thời, sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành lấy mẫu nguồn nước để có phương án khắc phục, đảm bảo sức khỏe cho HS và giáo viên.
 
(CÒN NỮA)
 
KHÁNH PHÚC - HỮU SANG