Chật vật vì thiếu nước sinh hoạt (Kỳ cuối)

09:03, 19/03/2019

Cùng với tình trạng thiếu nước trong mùa khô đang xảy ra trên diện rộng, thì nguồn nước không đảm bảo chất lượng do bị nhiễm phèn, asen… cũng là nỗi lo thường trực của người dân nhiều địa phương. Trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng chưa được cơ quan chức năng chú trọng đúng mức.

Lo ngại chất lượng nguồn nước
 
[links(right)] Cùng với tình trạng thiếu nước trong mùa khô đang xảy ra trên diện rộng, thì nguồn nước không đảm bảo chất lượng do bị nhiễm phèn, asen… cũng là nỗi lo thường trực của người dân nhiều địa phương. Trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng chưa được cơ quan chức năng chú trọng đúng mức.
 
Người dân thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) tận dụng nguồn nước suối để sử dụng
Người dân thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) tận dụng nguồn nước suối để sử dụng
Nỗi lo thường trực
 
Tại nhiều địa phương, ngoài tình trạng khan hiếm, thiếu nước sinh hoạt thì nhiều người dân đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, asen cao. Nhiều nơi, nguồn nước còn đổi màu bốc mùi tanh hôi nhưng người dân cũng phải sử dụng. Một số xã của huyện Bảo Lâm như Lộc Lâm, Lộc Bắc, Lộc Bảo thì phần lớn các giếng khoan đang “đắp chiếu” là do bị nhiễm phèn. Bà Ka M’Ho, ngụ tại Thôn 2, xã Lộc Lâm, phản ánh: “Lúc giếng mới khoan, bà con chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên, sau vài tháng sử dụng thì từ tay chân đến các dụng cụ lấy nước của bà con đều bị vàng khè. Không những vậy, nước còn có mùi khó chịu, tắm rửa thì ngứa ngáy nên bà con bỏ không dám sử dụng nữa, đã bỏ hoang hơn 2 năm nay”.
 
Bên cạnh nước giếng bị nhiễm phèn nặng thì nguồn nước suối Đạ Kơi (Thôn 1, xã Lộc Lâm) cung cấp nước tự chảy cho bà con sử dụng cũng ngày càng bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Đình Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, cho hay: “Hiện tại đập ngăn nước tự chảy ở suối Đạ Kơi nằm ngay khu vực rừng trồng. Do vậy, khi bà con đốt dọn thực bì khiến tro bụi và đất trôi xuống suối làm nguồn nước bị ô nhiễm. Còn đối với giếng đào của một số gia đình có lúc nước đổi màu chẳng khác gì xăng 92 và còn kèm theo mùi tanh hôi nên bà con không ai dám sử dụng để ăn uống. Dù chưa thể khẳng định nguồn nước gây ra bệnh tật cụ thể thế nào nhưng đó là nỗi lo thường trực của bà con”.
 
Đối với xã Tân Thượng (huyện Di Linh), dù người dân không bị thiếu nước đến mức nghiêm trọng như xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) nhưng chất lượng nguồn nước có đảm bảo hay không thì vẫn chưa có câu trả lời. Ông K’Brồi - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, cho biết: “Theo thống kê đến hiện tại, nguồn nước sinh hoạt vẫn đáp ứng đủ cho khoảng 70% hộ dân sử dụng. Tuy nhiên, dù nhiều giếng nước có biểu hiện không tốt nhưng từ trước đến nay chưa được lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Vì thế, bà con thì cứ việc sử dụng, còn nguồn nước có đảm bảo chất lượng hay không thì rất khó trả lời”. Trong khi đó, theo ông K’Bân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc (huyện Di Linh) thì hiện tại hầu hết giếng khoan công cộng và giếng đào của người dân trên địa bàn chỉ để sử dụng tắm giặt, tưới cây là chính. Còn nước ăn uống thì sử dụng nước tự chảy. “Bà con không dám sử dụng nước giếng khoan để ăn uống vì nước bị nhiễm phèn và asen quá nặng” - ông K’Bân lo lắng. 
 
Người dân chở nước ở hệ thống cấp nước tại UBND xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) về sinh hoạt
Người dân chở nước ở hệ thống cấp nước tại UBND xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) về sinh hoạt
Tăng cường nguồn nước hợp vệ sinh 
 
Tại huyện Đạ Huoai, người dân thị trấn Mađaguôi đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước Đạ Huoai cung cấp. Tuy nhiên, nguồn nước mà bà con đang sử dụng cũng thường xuyên bị đổi màu, kèm theo mùi tanh hôi khó chịu. Ông Nguyễn Trường Vinh, ngụ tại thị trấn Mađaguôi, phản ánh: “Người dân chúng tôi sử dụng nguồn nước máy do Nhà máy nước Đạ Huoai cung cấp từ năm 2015 đến nay. Ban đầu, nước trong và chất lượng tốt nhưng hơn nửa năm nay, nước liên tục chuyển màu vàng y như “trà đá” và kèm theo mùi tanh hôi rất khó chịu. Thấy nguồn nước không đảm bảo chất lượng, chúng tôi nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và Nhà máy nước Đạ Huoai. Một tháng qua, nước có phần được cải thiện và trong hơn, nhưng mùi tanh hôi thì thường xuyên vẫn xuất hiện”.
 
Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh, nhất là tại các xã An Nhơn, Hương Lâm, Đạ Lây và Quảng Trị, vào mùa khô hầu hết nguồn nước giếng đào đều bị cạn kiệt, nước giếng khoan thì hầu như bị nhiễm phèn và asen. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, cho biết: “Để ứng phó với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng, những năm qua, người dân địa phương đã đầu tư khoan rất nhiều giếng để chủ động nước tưới và sinh hoạt. Theo thống kê, toàn xã có hơn 260 giếng khoan nhưng do nguồn nước bị nhiễm phèn và asen quá cao nên muốn dùng để ăn uống thì người dân phải đầu tư thêm hệ thống lọc hoặc sử dụng nước giếng đào. Tại UBND xã cũng đã đầu tư giếng khoan và hệ thống lọc nước để cấp nước cho bà con sử dụng. Hiện tại, mỗi ngày có rất đông bà con tập trung đến giếng khoan của xã chở nước về sinh hoạt”.
 
Trước thực trạng chất lượng nguồn nước không đảm bảo, huyện Đạ Tẻh đã triển khai Dự án xử lý nước nhiễm phèn và asen cho người dân trên diện rộng. Đến nay, Dự án đã hỗ trợ cho đông đảo người dân địa phương lắp đặt hệ thống xử lý nước. Đây là hệ thống lọc nước hoạt động rất đơn giản với kinh phí đầu tư khá thấp để xử lý phèn và asen. Mỗi hệ thống có thể lọc 1,5 m3 nước/ngày, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ dân.
 
Tương tự, huyện Cát Tiên cũng là địa phương có nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn và asen nặng. Theo UBND huyện Cát Tiên, thời gian qua, huyện đã trích kinh phí để lấy 7 mẫu nước sinh hoạt trong dân đưa đi kiểm định chất lượng tại TP Hồ Chí Minh. Các mẫu nước này đều không đạt chất lượng theo các tiêu chí mà Bộ Y tế quy định. Các mẫu nước đều có hàm lượng sắt, asen cao hơn mức cho phép và đều bị nhiễm khuẩn. UBND huyện Cát Tiên đã xin chủ trương đầu tư 2 nhà máy nước để cung cấp nguồn nước cho người dân sử dụng. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết: “Đến hiện tại, cả  nhà máy nước thị trấn Cát Tiên và Nhà máy nước Ghềnh Đá (thị trấn Phước Cát) đều đã hoạt động cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, Nhà máy nước Cát Tiên với công suất thiết kế cung cấp 3.000 m3/ngày đêm thì mới chỉ hoạt động được 1/3 công suất do thiếu vốn khoảng 4,8 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị. Trong khi đó, do một số vướng mắc, Nhà máy nước Ghềnh Đá cũng chỉ mới cung cấp nguồn nước cho khoảng 500 hộ dân trên địa bàn. Vì vậy, thời điểm hiện nay về cơ bản người dân địa phương đang sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng đào để sinh hoạt. Do đó, trong mùa khô năm nay, toàn huyện đang có khoảng 1.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt”.
 
Để giúp người dân các địa phương có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng thì việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, hỗ trợ để người dân đầu tư các hệ thống xử lý nước đảm bảo chất lượng theo quy định để đảm bảo cuộc sống đang là điều cấp thiết hiện nay. 
 
KHÁNH PHÚC - HỮU SANG