Khi xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, sức tiêu thụ hàng hóa trong dân mạnh hơn thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng đặt ra yêu cầu cao và mức độ chuẩn mực hóa về quy trình giải quyết, cũng như chế tài rõ ràng khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại.
Khi xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, sức tiêu thụ hàng hóa trong dân mạnh hơn thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng đặt ra yêu cầu cao và mức độ chuẩn mực hóa về quy trình giải quyết, cũng như chế tài rõ ràng khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Hiện nay, đa số các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp cơ bản đã ý thức được việc phải sản xuất ra những mặt hàng tốt nhất trước khi lưu thông, coi đó như là một hình thức tự bảo vệ cho thương hiệu và sự sống còn của chính họ.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn xuất hiện nhiều hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm cho người tiêu dùng rất khó phân biệt và có thể mua phải các loại hàng hóa không đúng với mong muốn và giá trị của đồng tiền mình bỏ ra. Bên cạnh việc những doanh nghiệp lớn, có uy tín, có thương hiệu, sản xuất kinh doanh một cách đàng hoàng thì vẫn còn những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ làm ăn kiểu “chộp giật”, nhái mẫu mã thương hiệu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng vì mục tiêu lợi nhuận, vi phạm pháp luật, thu lời bất chính, xâm hại trực tiếp quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý là thị trường xuất hiện nhiều hàng hóa mang thương hiệu, địa chỉ của những hãng sản xuất lớn trên thế giới được người ta quen gọi “hàng xách tay”. Song, những mặt hàng này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thể biết và đánh giá được chất lượng sản phẩm. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng không xử lý triệt để sẽ dẫn đến hệ lụy liệu các hãng, các tập đoàn, thương hiệu lớn trên thế giới có còn dám đầu tư vào nước ta.
Điều đó đặt ra câu hỏi vai trò của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý các nguồn hàng không đảm bảo chất lượng như thế nào. Ai là người bảo vệ thực sự cho quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã thực sự yên tâm, tin tưởng vào các thương hiệu có uy tín hay chưa. Và để giải đáp những câu hỏi đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như rất cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, để những loại hàng hóa kém chất lượng không còn “đất sống” trên thị trường. Có như thế, những yếu tố có thể xâm hại quyền lợi người tiêu dùng mới bị triệt tiêu, các doanh nghiệp làm ăn chân chính không bị ảnh hưởng uy tín, lợi nhuận và Nhà nước không thất thu thuế.
TRỊNH VIẾT HIỆP