Nhờ triển khai hiệu quả nhiều biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo bền vững của huyện vùng sâu Cát Tiên đã đạt những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây với số hộ nghèo đang giảm rất nhanh.
Nhờ triển khai hiệu quả nhiều biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo bền vững của huyện vùng sâu Cát Tiên đã đạt những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây với số hộ nghèo đang giảm rất nhanh.
|
Xây dựng vỉa hè tại thị trấn Phước Cát 1 |
Ðồng bộ nhiều biện pháp
Chỉ tính trong năm 2018, theo số liệu ngành chức năng, toàn huyện Cát Tiên đã có 218 hộ thoát nghèo, trong đó có 78 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Nếu tính theo tỷ lệ dân số, cuối năm 2017, Cát Tiên còn 504 hộ nghèo với 2.048 khẩu, chiếm tỷ lệ trên 5%, thì đến cuối năm 2018, toàn huyện chỉ còn 286 hộ nghèo với tỷ lệ 2,83%.
Số hộ cận nghèo của huyện cũng giảm nhanh. Trong 451 hộ cận nghèo cuối năm 2017 thì đến cuối năm 2018 đã giảm được 171 hộ, trong đó khoảng nửa trong số này là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Như ông Nguyễn Bình - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Cát Tiên đánh giá, đây là một nỗ lực rất lớn của huyện vùng sâu thuần nông phía Nam Lâm Đồng còn rất nhiều khó khăn này.
Rất nhiều giải pháp được huyện áp dụng lâu nay. Đó là việc vận động dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa, tranh thủ các nguồn vốn Trung ương và địa phương và các chương trình mục tiêu để phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình.
Như trong năm 2018, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn, từ nguồn ngân sách huyện Cát Tiên đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách tổng cộng trên 3,6 tỷ đồng, trong đó có việc chi trả tiền điện , trợ cấp tết, cứu đói, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cấp thẻ Bảo hiểm y tế, cấp sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng đó các tổ chức, cá nhân cũng giúp đỡ trên 768 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong huyện.
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như Chương trình 135, trong năm 2018 huyện đã hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn trong huyện với tổng vốn 1,85 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ cho sản xuất 346 triệu đồng. Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi, cung cấp thiết bị vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… với tổng kinh phí 333 triệu đồng.
Với nguồn vốn lồng ghép giảm nghèo, trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 141 hộ nghèo vay tín dụng ưu đãi trên 5,7 tỷ đồng; cho 140 hộ cận nghèo vay trên 5,6 tỷ đồng; cho 788 hộ mới thoát nghèo vay trên 33,6 tỷ đồng. Huyện cũng đầu tư 12,1 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các xã; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản 254 tỷ đồng; sử dụng 7,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách huyện cho chương trình chuyển đổi giống cây trồng. Người dân và các tổ chức trên địa bàn cũng nhận khoán bảo vệ rừng trên 24.855 ha với tổng số tiền chi trả từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng cho công tác này gần 15 tỷ đồng.
Theo ông Bình, huyện cũng thực hiện tốt công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, việc làm. Với nhà ở trong năm 2018 huyện đã hỗ trợ 128 căn cho hộ nghèo, trong đó có 91 căn xây mới, 37 căn sửa chữa, đồng thời vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ người dân tộc thiểu số tại chỗ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Huyện cũng tổ chức được 8 lớp dạy nghề trong năm cho khoảng 250 lao động, trong đó có 3 lớp đan dây nhựa, 2 lớp trồng và chăm sóc cây điều, 2 lớp trồng và chăm sóc cây cà phê, 1 lớp về bảo vệ thực vật.
Vận động người nghèo cùng vươn lên
Một phần không kém quan trọng, theo ông Bình, đó là việc vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng nỗ lực vươn lên.
Trong nhiều năm nay huyện thực hiện rất tốt công tác truyền thông giảm nghèo và đối thoại trực tiếp với người nghèo hằng năm. Huyện yêu cầu các địa phương trong huyện tổ chức đối thoại với các hộ nghèo tại địa phương, đăng ký nhu cầu thoát nghèo. Như trong năm 2018, toàn huyện có 217 hộ đăng ký thoát nghèo, 228 hộ đăng ký thoát cận nghèo. Trên cơ sở đăng ký này các địa phương sẽ xem xét, xúc tiến việc hỗ trợ giúp đỡ cụ thể cho từng gia đình (như vốn vay tín dụng, đăng ký học nghề, hỗ trợ vật tư, phương tiện sản xuất, phân công người chịu trách nhiệm giúp đỡ…).
Huyện cũng yêu cầu chính quyền cơ sở và Mặt trận Tổ quốc các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là phát huy vai trò của các đoàn thể, từng đoàn thể cần xây dựng kế hoạch giúp đỡ cho đoàn viên, hội viên của mình vươn lên thoát nghèo.
“Việc vận động người nghèo, hộ nghèo thay đổi ý thức tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, tìm kiếm việc làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo rất quan trọng” - ông Bình nhấn mạnh.
Dù vẫn còn một số điểm cần khắc phục trong công tác giảm nghèo của địa phương hiện nay như nhiều cơ sở chưa nắm bắt kịp thời đời sống của người dân để đề xuất hỗ trợ khó khăn, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo kịp thời; một số hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước…, tuy nhiên Cát Tiên trong năm 2019 này đã đưa ra mục tiêu tiếp tục giảm nhanh hộ nghèo trong huyện. Cụ thể, giảm từ tỷ lệ 2,83% hiện nay xuống còn 1,68%, tương ứng với 116 hộ thoát nghèo trong năm nay, trong đó có 41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện cũng có kế hoạch để đưa 105 hộ thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo, giảm số hộ cận nghèo từ 2,77% xuống còn 1,72%.
VIẾT TRỌNG