Từ 1 hộ dân tiên phong trồng thử nghiệm, đến nay, 10 hộ dân ở 2 huyện Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Light City Jes (Gia Lai) và trồng gần 15 ha cây Sachi, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Từ 1 hộ dân tiên phong trồng thử nghiệm, đến nay, 10 hộ dân ở 2 huyện Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Light City Jes (Gia Lai) và trồng gần 15 ha cây Sachi, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
|
Vườn Sachi trĩu quả của chị Quyên (Thôn 4, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh). Ảnh: H.Ðường |
Giữa trưa nắng như đổ lửa, chúng tôi đã tìm về nhà chị Nguyễn Thị Quyên (Thôn 4, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) để thăm vườn Sachi - loại cây dược liệu họ dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Theo như lời chị Quyên, chị là người đầu tiên đưa cây Sachi về trồng thử nghiệm trên đất Đạ Tẻh. Rồi chị Quyên chỉ tay về phía đồi sau lưng nhà và nói: “Nơi đang phủ xanh nằm lọt thỏm giữa các vườn điều kia là vườn Sachi khoảng 8 sào của gia đình tôi; trong đó, có 4 sào đã cho thu hoạch. Mùa này, tuy trời nắng hạn kéo dài và thiếu nước tưới nhưng vườn Sachi chịu hạn tốt nên vẫn xanh mơn mởn. Gia đình tôi mới thu hoạch được 2 tháng, nên chưa thể thống kê được năng suất nhưng về hiệu quả mang lại thì đã thấy rõ”.
Theo chị Quyên, từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch loại cây này chỉ mất 6 tháng. Kinh phí đầu tư trồng Sachi dao động vào khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha. Đặc thù của cây Sachi là ra hoa đậu trái quanh năm nên hầu như tuần nào cũng có thu. Tuổi thọ và thời gian khai thác của Sachi từ 10 - 15 năm, năng suất tăng dần và cao nhất là từ năm thứ 5 đến năm thứ 10. Hiện tại, chị Quyên đang bán hạt Sachi cho thương lái ở TP Hồ Chí Minh, với giá từ 90 - 110 ngàn đồng/kg hạt khô. Trong 2 tháng vừa qua, vườn Sachi 4 sào mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Từ mô hình trồng Sachi thử nghiệm của chị Quyên, ông Võ Ngọc Sơn (ngụ Tổ dân phố 9, thị trấn Đạ Tẻh) còn cất công tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin về loài cây này. Sau khi biết được Công ty Light City Jes đang hợp tác đầu tư với người dân tại một số tỉnh phía Bắc và tỉnh Gia Lai trồng Sachi, ông Sơn đã lặn lội qua Gia Lai tìm tới Công ty Light City Jes để đặt vấn đề cùng hợp tác trồng Sachi. Sau khi thương thảo với Công ty này, ông Sơn đã về bàn bạc với anh em, bạn bè tại Đạ Tẻh và Đạ Huoai về ý tưởng đưa cây Sachi về trồng phát triển kinh tế. Tháng 10/2018, ông Sơn cùng 9 hộ dân khác (4 hộ ở xã Mađaguôi và 5 hộ ở huyện Đạ Tẻh) quyết định cùng hợp tác trồng Sachi. “Để chắc ăn, chúng tôi đã tiến hành ký hợp đồng với Công ty Light City Jes. Theo các điều khoản hợp đồng đã ký, Công ty hỗ trợ 50% chi phí trồng, chăm sóc Sachi cho bà con chúng tôi (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha). Đặc biệt, Công ty nhận bao tiêu sản phẩm, với giá từ 50 - 70 ngàn đồng/kg hạt khô (tùy từng thời điểm) cho bà con” - ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, trong tổng diện tích 15 ha Sachi vừa xuống giống tháng thứ 4 thì gia đình ông có 2 ha. Hiện tại, vườn Sachi của gia đình ông đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dự định, trong tháng 3 tới đây, ông Sơn sẽ tiến hành làm giàn để Sachi leo, chuẩn bị cho giai đoạn ra bông và đậu trái. Ngoài ra, ông Sơn cũng đang tập trung ươm giống để mở rộng diện tích trong thời gian tới. Theo nhẩm tính của ông Sơn, khi cho thu hoạch, Sachi có thể đạt năng suất từ 2,5 - 3 tấn hạt khô/ha.
Với giá 50 - 70 ngàn đồng/kg mà Công ty Light City Jes đang ký hợp đồng bao tiêu sẽ mang lại cho gia đình và những hộ cùng hợp tác nguồn thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Bùi Văn Bình (ngụ tại Thôn 4, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai) cho biết: “Trước đây, kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ 5 ha điều. Nhưng 3 năm trở lại đây, cây điều liên tục mất mùa, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, còn đất đai lại cằn cỗi chưa biết tìm cây gì thay thế cho cây điều thì được anh Sơn giới thiệu hợp tác trồng Sachi nên tôi đồng ý làm. Sau hơn 4 tháng xuống giống, 2 ha Sachi của gia đình tôi đang phát triển rất tốt. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm tôi cũng đã ký với Công ty. Tới đây, khi Sachi cho thu hoạch nếu hiệu quả kinh tế cao, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích để nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: “Bước đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế mà cây Sachi mang lại cho người dân tương đối cao, góp phần giải quyết vấn đề thu nhập so với một số cây trồng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại, địa phương chưa có quy hoạch trồng Sachi nên người nông dân phải cẩn trọng và không nên phát triển loại cây này ồ ạt, tự phát tránh cung vượt cầu...”.
HẢI ÐƯỜNG