Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại các tỉnh phía Bắc, Lâm Đồng cũng đang khẩn trương tìm cách phòng chống các dịch bệnh trên đàn lợn.
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại các tỉnh phía Bắc, Lâm Đồng cũng đang khẩn trương tìm cách phòng chống các dịch bệnh trên đàn lợn.
|
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra một cơ sở chăn nuôi tại huyện Lâm Hà |
Theo UBND huyện Lâm Hà, hiện trên địa bàn huyện có gần 110 ngàn con lợn, tổng số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ là khoảng 2.400 hộ với tổng đàn khoảng 40 ngàn con. Qua kiểm tra phát hiện trên 330 con lợn nhiễm bệnh lở mồm long móng, chưa phát hiện ca bệnh dịch tả lợn châu Phi nào. Hiện, UBND huyện Lâm Hà đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và nhanh chóng chấn chỉnh các cơ sở chăn nuôi xử lý lợn chết chưa đúng quy định. Trung tâm Nông nghiệp của huyện cũng đăng kí 56.000 liều vắc xin lở mồm long móng để tiêm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cùng với đó, công tác tiêu độc khử trùng cũng được đồng loạt tổ chức. Riêng đối với các xác lợn ở suối Cam Ly thời gian qua cũng đã được nhanh chóng tiêu hủy, hộ chăn nuôi lợn bị bệnh được cán bộ thú y hướng dẫn xử lý sạch sẽ nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh trước lúc có kế hoạch tái đàn.
Theo ông Võ Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, tổng đàn lợn của toàn huyện tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 91.562 con, trong đó có 85.199 con lợn thịt, 6.472 con lợn nái giống, 61 con đực giống, tăng 3.443 con so với cùng kỳ năm 2018.
Từ ngày 1/2 - 18/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 294 xã, 62 huyện của 19 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 34.774 con. |
Qua kiểm tra trên địa bàn, đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 8/3/2019, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh lấy mẫu xét nghiệm bệnh tại 1 hộ thuộc xã N’Thol Hạ. Kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh dịch tả châu Phi.
Riêng đối với dịch lở mồm long móng, từ ngày 15/3 - 18/3 đã phát hiện 125 con lợn mắc bệnh/ 17 hộ chăn nuôi thuộc 6 thôn của 3 xã (xã Liên Hiệp, Ninh Loan và Tân Hội). Số lợn đã chết, tiêu hủy là 119 con.
Hiện, UBND huyện Đức Trọng đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác. Riêng đối với các địa phương, các xã, thị trấn cũng đã tổ chức tuyên truyền trong Nhân dân về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; về cách phòng trừ dịch bệnh thông qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp dân, các địa phương đã chủ động tiêu hủy động vật chết tại các vùng giáp ranh với huyện Lâm Hà và tại địa phương Liên Hiệp, N’Thol Hạ, Bình Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa với số lượng trên 200 con.
Tại Đam Rông, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông đã triển khai phun xịt hóa chất khử trùng, tiêu độc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại tất cả các xã trên địa bàn huyện bằng hóa chất Han - Iodine. Đối tượng tiêu độc, khử trùng là các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các khu vực công cộng, chuồng trại và vùng phụ cận, phương tiện ra vào cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống, tiêu độc khử trùng trên diện rộng nên đến nay hầu hết các đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 460.000 con lợn (trong đó nuôi nhỏ lẻ khoảng 230.000 con). Theo báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trong toàn tỉnh, tính đến ngày 18/3/2019, trên địa bàn toàn tỉnh, bệnh xảy ra tại 13 xã thuộc 5 huyện, gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Tẻh làm 1.628 con lợn và 31 con trâu mắc bệnh; đã tiêu hủy 1.022 con lợn mắc bệnh, chết và nuôi cùng ô chuồng. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn tại huyện Đạ Tẻh và Đức Trọng đều dương tính với vi rút lở mồm long móng serotype O.
Trước tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ lan nhanh như hiện nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh (thời gian kiểm tra từ ngày 11/3 đến ngày 30/3/2019), do đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND làm trưởng đoàn.
Ông Phạm Phi Long cho biết thêm, Lâm Đồng hiện có 3 trạm kiểm dịch động vật (KDĐV), gồm: Trạm KDĐV Eo gió, Trạm KDĐV Madagui; Trạm KDĐV Phước Cát. Để ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh Lâm Đồng, ngày 12/3/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 40/TTr-SNN, đề nghị UBND tỉnh xem xét thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời là chốt trên Quốc lộ 27C, hướng từ tỉnh Khánh Hòa lên và chốt trên Quốc lộ 27 tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk và sẽ tiếp tục thành lập thêm các chốt khác trong thời gian tới nếu có dịch bệnh xảy ra. Riêng các tuyến đường chưa có trạm, chốt kiểm dịch động vật cũng thường xuyên có đội thanh tra kiểm dịch động vật lưu động tuần tra kiểm soát.
Mặt khác, trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh có Văn bản hỏa tốc số 670/UBND-NN ngày 15/2/2019, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính rà soát nhu cầu vắc xin tiêm phòng cho đàn heo chăn nuôi nhỏ lẻ. Sở Nông nghiệp đã tiến hành rà soát, Sở Tài chính đã thống nhất phương án. Hiện tại đang làm thủ tục mua sắm vaccin lở mồm long móng tiêm cho đàn heo; dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2019 sẽ có vắc xin cấp cho các địa phương.
“Đến thời điểm này, mặc dù chưa phát hiện bệnh dịch lợn tả châu Phi trên địa bàn Lâm Đồng nhưng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan như hiện nay, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên đàn heo gây ra, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về các giải pháp phòng chống dịch, tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc và kiểm soát các cơ sở giết mổ; quản lý chặt chẽ các trang trại và hộ gia đình chăn nuôi để kịp thời xử lý heo bệnh không để lây lan; bổ sung vắc xin lở mồm long móng và tiêm vắc xin trên đàn heo” - đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
THY VŨ