(LĐ online) - Vụ việc diễn ra trong nhiều ngày qua ở suối Cam Ly, đoạn chảy qua xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), khiến người dân địa phương bất bình…
(LĐ online) - Vụ việc diễn ra trong nhiều ngày qua ở suối Cam Ly, đoạn chảy qua xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), khiến người dân địa phương bất bình…
Một số hộ dân sống tại thôn 2, xã Gia Lâm, cho biết dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn xã diễn ra khoảng 3 tuần qua, nhưng các hộ chăn nuôi tại đây không báo cho cơ quan chức năng mà mang những con heo chết vứt thẳng ra suối. Có hôm quá nhiều lợn chết bị vứt xuống suối, mùi hôi thối từ dưới suối bốc lên nồng nặc làm nhiều người có vườn ở cạnh suối phải bỏ dở công việc vì không chịu nổi.
Theo ghi nhận hiện trường vào ngày 4/3, dọc theo suối Cam Ly, đoạn qua xã Gia Lâm có tới hàng chục xác heo chết trương sình trên mặt nước, đang trong quá trình phân hủy bốc mùi nồng nặc. Đặc biệt, những khu vực nước xoáy, xác heo chết bị cuốn và tụ lại với số lượng nhiều nên mùi rất đậm đặc và khó chịu.
Một số nông hộ có đất sản xuất nông nghiệp ở cạnh suối Cam Ly cho biết, do nguồn nước có nguồn bệnh dịch làm ô nhiễm nên nhiều hộ sống gần suối không thể sử dụng nước để tưới cà phê, dâu tằm.
Liên quan vụ việc, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm Đào Văn Hinh cho biết: Địa phương phát hiện dịch lở mồm long móng trên đàn heo từ trước Tết Nguyên đán 2019 và đã báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra. Tuy nhiên, khi có xuất hiện dịch bệnh vì xót của nên người dân lại che giấu, bán chạy đàn… Chính vì vậy, khi kiểm tra chỉ phát hiện có 13 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh dịch với số lượng heo nhỏ.
Cũng theo ông Hinh, việc người dân bán chạy đàn mà không thông báo với chính quyền địa phương sẽ gây khó khăn cho nông dân sau này. Nếu công bố dịch bùng phát, những hộ này sẽ không được hỗ trợ. Vì vậy người dân nên thông báo với địa phương để có phương án xử lý, tránh dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng Hoàng Huy Liệu, cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, cơ quan Thú y các cấp đã phối hợp xử lý dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Còn việc vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường, sông suối cho thấy ý thức của người dân chưa cao. Về việc này, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chuyên môn cấp huyện để phối hợp với xã nhanh chóng thu gom, xử lý chôn lấp theo đúng quy định.
Cũng theo ông Liệu, để tránh tình trạng người dân giấu dịch, các cấp chính quyền nên công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ có gia súc, gia cầm chết. Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh: Khi thiệt hại do dịch bệnh, nhà nước sẽ hỗ trợ 38.000/kg heo hơi; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu bò, dê cừu... Khi đã công khai chính sách thì người dân sẽ không giấu dịch, tránh tình trạng vứt xác gia súc, gia cầm có mầm bệnh trực tiếp ra môi trường.
Báo cáo ngày 4/3 của Sở NN&PTNT Lâm Đồng: Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại ba huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đạ Tẻh, với trên 800 con heo mắc bệnh; trong đó đã tiêu hủy 337 con bệnh, chết.
Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng chưa ghi nhận bệnh dịch tả châu Phi trên heo.
* Một số hình ảnh heo chết người dân vứt thẳng ra suối Cam Ly:
Đặng Tuấn - Thụy Trang