Người dân thôn Tân Phú 1, xã Ðinh Lạc, huyện Di Linh vẫn gọi ông Nguyễn Tấn Thạnh (51 tuổi) bằng cái tên thân mật: ông Thạnh cầu đường, để ghi nhận sự đóng góp của ông trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Người dân thôn Tân Phú 1, xã Ðinh Lạc, huyện Di Linh vẫn gọi ông Nguyễn Tấn Thạnh (51 tuổi) bằng cái tên thân mật: ông Thạnh cầu đường, để ghi nhận sự đóng góp của ông trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
|
Ông Nguyễn Tấn Thạnh (bên phải) đang trao đổi cùng bà con trong thôn về cách thức làm con đường trong tương lai |
Đồi 988, nơi ông Thạnh chọn để lập nghiệp, cũng là khu đất canh tác của 32 hộ dân sinh sống dọc Quốc lộ 20, thuộc thôn Tân Phú 1, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh. Để đến được Đồi 988, những hộ dân có vườn rẫy ở đấy phải băng qua một con đường đất lầy lội, trơn trượt mỗi khi gặp trời mưa. Trên con đường đó, lại có một cây cầu tạm bợ, khiến cho việc đi lại, vận chuyển nông sản càng thêm khó khăn. Mùa thu hái cà phê, người dân phải vác từng bao cà phê một thì mới qua được cầu.
“Vì nhiều lần chứng kiến cảnh tai nạn xảy ra tại đây nên tôi đã chủ động đứng ra vận động bà con trong thôn đóng góp tiền mua vật liệu xi măng, sắt thép để xây dựng một cây cầu kiên cố, giúp việc vận chuyển nông sản đỡ vất vả. Thế rồi, sau rất nhiều nỗ lực, cây cầu đã hoàn thành, với chiều dài gần 12 m, chiều rộng hơn 4 m. Tổng kinh phí xây dựng cây cầu 105 triệu đồng. Trong đó, người dân trong thôn Tân Phú 1 đóng góp 87 triệu đồng. Có được cây cầu bê tông kiên cố rồi bà con có đất canh tác tại Đồi 988 rất phấn khởi”, ông Thạnh chia sẻ.
Theo ông Thạnh, từ ngày cây cầu hoàn thành, việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều, ai nấy đều phấn khởi vì cây cầu được mở rộng, kiên cố. Cùng với việc “xóa” cây “cầu khỉ”, ông Thạnh còn vận động người dân trong thôn Tân Phú 1 làm con đường cấp phối, có chiều dài 1,5 km. Con đường có kinh phí 187 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Thạnh và những hộ dân có con đường đi qua còn hiến 2 ha đất làm đường, cũng như góp thêm 64 triệu đồng để kéo hơn 1 km đường điện thắp sáng. “Muốn bà con tin và ủng hộ, trước hết là ở mình. Mình phải đi đầu, phải gương mẫu, từ tiền bạc cho đến công sức. Mình phải làm trước cho bà con thấy thì bà con mới ủng hộ”, ông Thạnh cho biết về cách vận động người dân thôn Tân Phú 1 đóng góp tiền của, ngày công làm cầu, đường.
“Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Thạnh là người phát huy được năng lực của Nhân dân. Qua sự vận động của ông Thạnh, nhiều người dân đã thấy được lợi ích của phong trào xây dựng nông thôn mới nên đã tích cực ủng hộ tiền của, ngày công lao động. Trong quá trình xây cầu, làm đường, ông Thạnh luôn động viên, nhắc nhở những thợ xây nhớ phải đảm bảo chất lượng công trình, cũng như chăm lo cơm nước chu đáo cho thợ”, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc nhận xét. Tiếp lời ông Nguyễn Trường Giang, ông K’Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Lạc nói thêm: “Ông Nguyễn Tấn Thạnh là một điển hình, tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính từ việc làm của ông Thạnh đã và đang tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương ngày càng đi vào chiều sâu”.
Vẫn lời ông K’Sáu, ông Thạnh không chỉ tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, còn là điển hình làm kinh tế giỏi. Hiện, gia đình ông Thạnh có 4 ha cà phê. Trong đó, 1 ha cà phê ông Thạnh đã chuyển sang trồng tiêu và chanh dây. Ngoài ra, ông Thạnh còn trồng xen mít Thái với diện tích 1,5 ha và hơn 1 ha bơ. Mỗi năm, gia đình ông Thạnh thu khoảng 9 - 12 tấn cà phê nhân. “Ông Thạnh và tôi đang tiếp tục vận động những hộ dân có đất sản xuất tại Đồi 988 đóng góp tiền, vật tư, ngày công để bê tông hóa con đường cấp phối. Theo dự tính, kinh phí để làm con đường này vào khoảng 1,5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Trọng Phu, một nông dân có đất sản xuất gần vườn ông Thạnh trao đổi.
Theo ông Thạnh, vì là đường cấp phối, nên thời gian sử dụng chỉ vào khoảng 3 năm là xuống cấp. Do vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ theo hình thức 50 - 50 giúp bà con cứng hóa con đường cấp phối này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.
TRỊNH CHU