Vừa từ trong hội nghị của UBND huyện Lâm Hà bước ra, Hạt trưởng Kiểm lâm Ðồng Văn Tuyên nói với tôi: "Trên địa bàn đang giảm mạnh tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp so với cùng kỳ năm trước".
Vừa từ trong hội nghị của UBND huyện Lâm Hà bước ra, Hạt trưởng Kiểm lâm Ðồng Văn Tuyên nói với tôi: “Trên địa bàn đang giảm mạnh tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp so với cùng kỳ năm trước”.
|
Bình yên những cánh rừng phía bắc huyện Lâm Hà. Ảnh: M.Ðạo |
Tôi hiểu niềm vui và ý thức trách nhiệm của vị Hạt trưởng mới từ vị trí Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 Đồng Văn Tuyên. Bởi, nhắc đến Lâm Hà, nhiều năm qua là địa bàn luôn “nóng” về phá rừng và xâm hại đất lâm nghiệp. Một trong những thông tin mà anh Đồng Văn Tuyên cho tôi hay là, ngoài các văn bản chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền… của UBND huyện và Hạt Kiểm lâm, đó còn là tình hình hoạt động của từng kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã, thị trấn về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Một mặt đánh giá, phân tích, mặt khác chỉ ra những vụ phá rừng cụ thể, từ vị trí tiểu khu (TK) đến mức độ thiệt hại, diễn biến về xử lý… Cùng đó là những thông tin về các công tác như: phòng cháy chữa cháy rừng; giao rừng, cho thuê rừng; khoán QLBVR; công tác bảo tồn thiên nhiên; trồng cây, trồng rừng phân tán, trồng rừng; giám sát, kiểm tra việc khai thác lâm sản và đặc biệt là công tác kiểm tra, truy quét, chống phá rừng với những trọng điểm phá rừng, canh tác nương rẫy…
Theo đó, anh Tuyên cho biết, trong quý I/2019, trên địa bàn huyện Lâm Hà xảy ra 8 vụ phá rừng, diện tích hơn 30.000 m2 (tại các TK 236, 250, 251, 287, 286A xã Phúc Thọ, lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lâm Hà và TK 292 xã Tân Thanh, lâm phần BQLR nguyên liệu giấy Lâm Hà); lâm sản thiệt hại hơn 139 m3. Đó còn là những khu vực khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái pháp luật như xã Phúc Thọ (TK 236, 287), xã Đạ Đờn (TK 259). Hạt trưởng Đồng Văn Tuyên thẳng thắn nêu những vấn đề nổi cộm, cần quan tâm giải quyết, đó là “Vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra chủ yếu tại lâm phần BQLRPH Lâm Hà, tập trung tại TK 250, 251, 287, 286A, 236 xã Phúc Thọ và TK 292 BQLR nguyên liệu giấy Lâm Hà. Mặc dù Hạt Kiểm lâm đã tăng cường lực lượng tuần tra, chốt chặn nhưng vẫn chưa hạn chế được vi phạm. Đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác QLBVR”. Tất cả những thông tin trên được Hạt Kiểm lâm tổng hợp báo cáo kịp thời đến Chi cục Kiểm lâm, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và các bộ phận trong Hạt để cùng nắm bắt và phối hợp, phát huy tính tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã và chủ rừng.
Với tinh thần quyết liệt cùng những giải pháp như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, quý I/2019 tại địa bàn Lâm Hà đã giảm 42% tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với 15 vụ, (chỉ tiêu giảm 20%); diện tích phá rừng hơn 30.000 m2, giảm 49% (chỉ tiêu giảm 30%); không xẩy ra vụ nào về lấn chiếm đất lâm nghiệp. Những kết quả vui này tiếp tục được phát huy tốt hơn trong tháng 4/2019, giảm so với cùng kỳ năm 2018, cả về số vụ, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại: Số vụ vi phạm 9 vụ, giảm 43,75%, (chỉ tiêu đăng ký giảm 20%); diện tích phá rừng 6.017 m2, giảm 84,81%, (chỉ tiêu đăng ký giảm 30%); số vụ vắng chủ 7 vụ, giảm 30% (chỉ tiêu đăng ký giảm 40%); lâm sản thiệt hại 14,339 m3, giảm 92,7%, (chỉ tiêu đăng ký giảm 50%). Quả là những con số hết sức ấn tượng và đáng được ghi nhận, động viên khích lệ từ các cấp.
Dĩ nhiên khi nhìn nhận nhiệm vụ QLBVR và PTR nghiêm túc và trách nhiệm cao thì Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cũng không tự thỏa mãn với thành tích này, ngược lại ý thức thử thách luôn ở phía trước. Hạt trưởng Đồng Văn Tuyên nêu lên những tồn tại trong tháng 4 như, một số địa bàn xảy ra vi phạm các quy định QLBVR là xã Tân Thanh (1 vụ phá rừng diện tích 1.728 m2 tại TK 291, lâm sản thiệt hại 4,385 m3); xã Phúc Thọ (4 vụ phá rừng, diện tích 3.595 m2, lâm sản thiệt hại 1,578 m3 gỗ tròn và lồ ô), 1 vụ khai thác 2,875 m3 gỗ tròn tại TK 252…; thị trấn Đinh Văn (1 vụ phá rừng tại TK 274, diện tích 693 m2, lâm sản thiệt hại 2,868 m3 gỗ tròn thông). Cùng đó, các trọng điểm phá rừng, canh tác nương rẫy gồm có: TK 250, 251, 252, 236, 286A, 287, 252, 253 (xã Phúc Thọ); TK 286B, 288, 289, 290, 291, 292, 285 (xã Tân Thanh); TK 261A, 262A, 243A (xã Phi Tô), TK 262B, 263A (xã Mê Linh)... Số vụ phá rừng chưa xác định được đối tượng vi phạm vẫn còn cao.
Hạt trưởng Đồng Văn Tuyên cho biết, trong tháng 5 và thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện tuyên truyền về công tác QLBVR, PTR, PCCCR, tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các khu vực trọng điểm và các vùng giáp ranh; đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét, mật phục để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm tại khu vực các xã (xin được giấu tên)… Nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt và đồng bộ, hy vọng năm 2019 địa bàn huyện Lâm Hà không những không còn “điểm nóng” về vi phạm Luật Lâm nghiệp mà sẽ giảm sâu ở cả 3 tiêu chí: số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại.
MINH ÐẠO