(LĐ online) - Hàng trăm m3 bùn nạo vét từ hồ lắng số 1 của hồ Xuân Hương trong quá trình đổ bị vỡ bờ be đã chảy xuống suối Prenn thay vì vào vị trí bãi thải trên đèo Mimosa (Phường 10, TP Đà Lạt). Sự cố đã làm ít nhất 40 hộ dân phía hạ nguồn con suối bị ảnh hưởng.
(LĐ online) - Hàng trăm m3 bùn nạo vét từ hồ lắng số 1 của hồ Xuân Hương trong quá trình đổ bị vỡ bờ be đã chảy xuống suối Prenn thay vì vào vị trí bãi thải trên đèo Mimosa (Phường 10, TP Đà Lạt). Sự cố đã làm ít nhất 40 hộ dân phía hạ nguồn con suối bị ảnh hưởng.
Mặc dù sự cố nghiêm trọng trên xảy ra từ ngày 7/4 nhưng tới thời điểm hiện tại, nhiều người dân phía hạ nguồn con suối cho biết vẫn chưa thể dùng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới rau màu như bình thường.
|
Nước suối khu du lịch đèo Prenn thường ngày trong thì sáng nay vẫn còn đỏ đục |
Gần 30ha rau màu thiếu nước tưới
Sáng 12/4, tại vị trí bãi đổ bùn thải giữa đèo Mimosa cách khu vực đầu đèo khoảng 3km, chúng tôi chứng kiến hàng trăm mét khối bùn vẫn tiếp tục được đổ ngay bên vệ đường đèo rồi chảy tràn xuống vực sâu phía dưới thành bãi sình khổng lồ.
Có mặt tại khu vực trên, ông Nguyễn Thanh Minh (62 tuổi) là Chi hội trưởng Hội Nông dân Tổ 19, Phường 3, TP Đà Lạt cho hay: vào khoảng 9h sáng ngày 7/4, ông và nhiều người dân có đất trồng rau màu dọc suối Prenn bất ngờ thấy nước suối màu đen, bốc mùi hôi khó chịu. Để làm rõ nguyên nhân, ngày 9/4 ông Minh cùng một số bà con đã lên tận phía đầu nguồn con suối khoảng 7km thì phát hiện nhiều xe đang đổ đất phía trên đèo Mimosa, phía dưới bùn lỏng vẫn tiếp tục chảy thẳng xuống con suối làm dòng nước trong bình thường chuyển sang đen đặc.
Theo ông Minh, số lượng bùn thải đổ xuống suối khá lớn. Bằng chứng là gần 2 ngày con suối có màu bùn đen, tới ngày 10/4 mới dần chuyển sang đục ngầu. Do đây là nguồn nước chính duy nhất, hàng chục hộ dân tại đây cho biết đã dùng nước suối để tưới thì có hiện tượng rau bị cháy, sun đọt, lá rau xơ xác...
Ông Nguyễn Hiểu (61 tuổi, ngụ Tổ 19, Phường 3) có 2,5 sào lơ xanh, 2,5 sào xà lách cho biết đã dùng nước suối bị ô nhiễm để tưới như bình thường nhưng chỉ 1 ngày đã thấy dấu hiệu lạ. “Nhiều đám xà lách non bị sun đọt, cháy vành lá ngoài, riêng lơ xanh thì nhiều búp chuyển sang vàng. Cái khó là mình biết nước suối bị ô nhiễm do chất thải ai đó đổ từ đầu nguồn xuống nhưng không tưới nước, rau sẽ chết cháy trong 2” – ông Hiểu chia sẻ.
Đưa chúng tôi đi xem những vườn rau, hoa đang khát nước do phải dùng hạn chế từ nguồn nước suối Prenn có dấu hiệu ô nhiễm để tưới, ông Nguyễn Văn An (Khu phố 2, Phường 10), cho rằng: khu Sở Lăng có khoảng hơn 20 hộ dân với 20 ha rau màu, trong đó có gần 5ha rau nhỏ tưới nước ô nhiễm bị ảnh hưởng. Ngoài tưới rau, nhiều gia đình còn dùng nước suối này để tắm giặt, sinh hoạt hằng ngày nên nước ô nhiễm dù 1 ngày cũng gây khó khăn cho bà con. “Chúng tôi nghe các đơn vị đã khắc phục nhưng hiện nước suối vẫn còn đục và có mùi khó chịu, gia đình tôi hiện vẫn chưa thể an tâm dùng nước suối để tưới tắm cho rau màu” – ông lo lắng nói.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND Phường 3, TP Đà Lạt nói đã nắm thông tin người dân báo lên từ ngày 9/4 và địa phương đang tích cực cùng các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết sự cố. Theo thống kê ban đầu, số hộ dân sống dọc suối Prenn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bùn thải làm ô nhiễm tại Phường 3 là 20 hộ trên diện tích 8ha rau màu. Riêng bên phía Phường 10, khu Sở Lăng có 20 hộ canh tác trên diện tích rau màu khoảng 16ha dọc suối Prenn.
Trong khi đó, tại Khu Du lịch thác Prenn (đơn vị cũng đang bị ảnh không nhỏ do dòng nước đầy bùn đất trên đổ về thác) thì tới ngày 9 và 10 tháng 3 âm lịch (tức ngày 13 và 14/4) tại đây sẽ diễn ra trọng thể Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương 2019. Một lãnh đạo Ban quản lý Khu Du lịch thác Prenn bày tỏ lo lắng, mặc dù sáng nay nguồn nước đã bớt đục nhưng trong thời gian diễn ra lễ hội lớn của tỉnh Lâm Đồng, nếu gặp mưa thì nhiều khả năng bãi bùn thải trên đèo Mimosa sẽ có dấu hiệu tràn, rò rỉ nước ra suối và tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước là khó tránh khỏi.
“Bờ kè bị tràn bất ngờ”
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Nhựt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác Công trình Thuỷ lợi TP Đà Lạt, đơn vị chủ đầu tư bãi chứa chất thải trên đèo Mimosa khẳng định đây là sự cố bất ngờ và thừa nhận việc người dân dưới hạ nguồn dòng suối Prenn đã bị ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt
Giải thích nguyên nhân vụ việc, ông Nhựt cho biết: Bùn thải được đổ từ trên đèo Mimosa xuống bãi chứa phía dưới thì bị trật hướng, chảy thẳng xuống suối Prenn là do bờ kè bị tràn bất ngờ. Ngay khi xảy ra sự cố vào ngày 7/4, đơn vị đã tiến hành đắp bờ kè và xử lý bằng hình thức đắp, gia cố lại bờ kè. Hiện nay bùn khi đổ xuống chảy về đúng vị trí bãi thải. Giải pháp lót bạt phủ phần đất bùn đã chảy ra suối để lấy nguồn nước trong, không cho bùn thải chảy vào dòng nước suối cũng được đơn vị áp dụng.
Ông Nhựt cũng cho rằng, khi mưa hay nước lũ kéo về thì lượng bùn đất còn bám ven suối đã thải ra trước đây tiếp tục chảy về phía hạ nguồn, làm đục dòng suối là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ông trường hợp nếu có mưa lớn vào chiều nay hoặc ngày mai làm vỡ bờ kè, bùn thải tiếp tục chảy ra ngoài là không thể xảy ra?
Theo ghi nhận của chúng tôi, tính từ ngày 30/3 tới chiều nay, bãi chứa chất thải trên đã tiếp nhận cả ngàn m3 bùn thải nạo vét từ hồ lắng số 1 của hồ Xuân Hương. Mặc dù lượng bùn đất rất lớn khoảng trên 10.000 m3 nhưng phần lớn bãi chứa bờ kè xung quanh chỉ được gia cố bằng đất, độ cao thấp và không được giằng bằng rọ sắt kiên cố. Về nguyên tắc thì chỉ cần nắng hơn một tháng nữa, toàn bộ số bùn đã đổ sẽ thành đất cứng, không thể trôi chảy xuống khe suối được. Tuy nhiên, mùa mưa ở Lâm Đồng chuẩn bị bắt đầu từ đầu tháng 4 hằng năm nên nguy cơ khi mưa xuống, nước bùn thải sẽ chảy tràn xuống con suối gây ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt và sản xuất, gây ô nhiễm thác Prenn...sẽ khá cao.
Được biết, dự án nạo vét 2 hồ lắng hồ Xuân Hương có khối lượng bùn khoảng 50.000 m
3. Hiện Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác Công trình Thuỷ lợi TP Đà Lạt đã giao các nhà thầu thực hiện nạo vét được khoảng 15.000 m
3.
Nhiều người dân tại đây cho rằng, trước đây năm 2010 bãi chứa chất thải trên cũng gây sự cố bùn thải tràn xuống suối gây ô nhiễm nghiêm trọng nên lần này chính quyền các cấp cần xử lý rốt ráo sự cố vừa xảy ra. “Mong muốn của bà con là cơ quan chức năng quan tâm, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm phát sinh từ bãi chứa chất thải trên để giữ gìn môi trường, đảm bảo cuộc sống của bà con về lâu dài”- ông Nguyễn Thanh Minh - Chi hội trưởng Hội Nông dân Tổ 19, Phường 3 đề nghị.
|
Vị trí các xe tải đổ bùn xuống bãi thải trên đèo Mimosa |
|
Có khoảng 15m3 bùn nạo vét từ hồ lắng hồ Xuân Hương được đổ xuống bãi chứa chất thải trên đèo Mimosa |
C.THÀNH