Không ít vụ việc chó dữ thả rông cắn người gây thương tích, thậm chí gây chết người như vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị cả đàn chó cắn chết và hai cha con ở Hòa Bình bị chó dại cắn tử vong mới đây là lời cảnh báo mới nhất về mối nguy hại tiềm ẩn đối với chó chưa tiêm phòng, không đeo rọ mõm khi ra đường...
Không ít vụ việc chó dữ thả rông cắn người gây thương tích, thậm chí gây chết người như vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị cả đàn chó cắn chết và hai cha con ở Hòa Bình bị chó dại cắn tử vong mới đây là lời cảnh báo mới nhất về mối nguy hại tiềm ẩn đối với chó chưa tiêm phòng, không đeo rọ mõm khi ra đường. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mặc dù chưa xảy ra vụ việc chó cắn người gây tử vong thời gian gần đây nhưng việc chó thả rông ra đường còn rất phổ biến.
Việc quy định xử phạt đã có từ lâu nhưng câu chuyện người dân còn chủ quan, chấp hành chưa nghiêm túc, trong khi cơ quan quản lý địa phương một số nơi chưa quan tâm vấn đề trên một cách quyết liệt.
|
Chó thả rông trên QL20 (địa bàn huyện Đức Trọng) là hình ảnh có thể bắt gặp thường xuyên hằng ngày |
Chó không rọ thoải mái chạy ngoài đường
Chiều cuối tuần, dạo bộ trong Quảng trường Lâm Viên, nơi du khách và người dân địa phương tập trung vui chơi, không khó để bắt gặp được một vài chú chó cảnh to lớn, thậm chí chó becgiê nguồn gốc từ Bỉ, chó Pitbull không rọ mõm được chủ dắt đi dạo thong dong.
Nhiều người thích thú đứng xem mấy chú chó ngoại chơi đùa nhưng nhiều gia đình có con nhỏ tỏ ra e ngại. Bởi hầu hết các chú chó không hề được rọ mõm bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân Đà Lạt thường tập thể dục quanh hồ Xuân Hương mỗi chiều, nói: “Tôi nghe mấy giống chó có giá trị thường được chủ tiêm phòng cẩn thận nhưng cũng không ai dám khẳng định chúng không cắn người vì có một số loại là chó dữ. Trước đây, tôi hay đưa cháu ngoại chơi đùa với chó cảnh nhưng từ ngày thấy chó dữ thả rông cắn người ở một số tỉnh, thành khác nên không dám cho cháu tới gần chơi đùa...”.
Còn tại Tổ dân phố 7, đường Phan Chu Trinh (Phường 9, TP Đà Lạt) nhiều năm nay cuối chiều trẻ em thường ùa ra con đường cạnh tổ dân phố để vui chơi nhưng luôn phải có người lớn theo kèm vì ngoài xe cộ đi lại còn có mối lo về... chó.
Hàng xóm gần đó cho hay có 3 con chó cỏ được thả rông thường xuyên và khá hung dữ. Chúng suốt ngày gầm gừ, dọa cắn trẻ nhỏ. Một số người dân đã nhiều lần góp ý hàng xóm xích chó lại nhưng chủ nhân của hai chú chó biện minh đủ lý do và xích lại đôi lần nhưng được vài hôm thì đâu lại vào đó.
Trước đó, vào tháng 2/2019, tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, một bé đang chơi và ăn bim bim thì con chó của gia đình nuôi chạy theo đùa giỡn. Bé V. lấy nhánh cây để đuổi chó thì bất ngờ bị con chó lao vào cắn. Người nhà vội vàng chạy lại nhưng bé đã bị chó cắn làm chảy máu trên mặt, cổ và chân có nhiều vết thương. Rất may cho gia đình cháu V. là chú chó cắn người đã được tiêm phòng trước đó vài tháng. Tương tự, tại huyện Di Linh cuối năm 2018, một thanh niên tên H. cũng bị con chó trong xóm bất ngờ cắn nhiều vết vào vùng mặt. Dù vụ việc đã trôi qua gần nửa năm, nhưng các vết thương trên mặt thanh niên này vẫn còn hằn rõ nhiều vết sẹo.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho hay, trong năm 2018, đơn vị tiếp nhận khoảng trên 10 ca trẻ em, người lớn bị chó cắn. Riêng số liệu chó cắn người phải nhập viện sơ cứu tại trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn chưa thể thống kê hết.
Khó quản lý vì nhiều người chưa đăng ký?
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2017. Hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Riêng trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự từ 600.000 đến 800.000 đồng như hành vi trên. Còn đối với trường hợp chó cắn, cào người khác thì chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định.
Mặc dù đã có quy định xử phạt chó thả rông nhưng tình trạng thả rông chó tại các khu dân cư và nơi công cộng trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn rất phổ biến. Chó thả rông không chỉ phóng uế, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông, nguy cơ lây lan bệnh dại... Theo nhiều người dân không nuôi chó tại địa phương nhận xét, quy định là vậy nhưng trên thực tế, pháp luật về vật nuôi chỉ được dùng tới khi có sự cố như chó cắn người gây thương tích, còn bình thường chẳng ai quan tâm, chính quyền cũng ít xử phạt. Khi có chuyện, giữa người dân trong phố thường cãi vã, thách thức thay vì dùng tới pháp luật.
Ghi nhận của chúng tôi trên nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cho thấy hiện vẫn có nhiều hộ gia đình để chó thả rông, không rọ mõm trên đường. Điều đáng nói là trường hợp xử phạt do để chó thả rông, chó chưa tiêm phòng còn rất khiêm tốn, cơ quan chức năng chưa thể thống kê được các trường hợp người nuôi chó vi phạm cũng như số chó không đăng ký với phường, xã, khu phố nơi cư trú. Đây là điều rất đáng lo ngại, khi chó chưa được tiêm bệnh dại, chó dữ cắn người, đặc biệt là với trẻ em vẫn luôn là nguy cơ tiềm ẩn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, tính đến đầu quý I/2019, trên địa bàn tỉnh có 108.697 con chó được đăng ký tại các huyện, xã, tổ dân phố… trên toàn tỉnh. Trong đó, đơn vị các cấp đã tiêm phòng được 66.653 con trong tổng số 69.660 liều vắc xin dại chó đã nhận. Số chó chưa được tiêm bệnh dại còn lại, các đơn vị tiếp tục xin kinh phí tiêm phòng vào đợt tiếp theo.
C.PHONG