Khoảng 7.740 m2 là diện tích đất rừng phòng hộ xung yếu thuộc Tiểu khu 476 (Thôn 5, xã Ðại Lào) bị Công ty TNHH Lâm Phần san ủi, lấn chiếm để khai thác đá. Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc đã dùng máy định vị xác định diện tích này do Hạt quản lý, bảo vệ. Việc san ủi, khai thác đá còn khiến hàng ngàn tấn đất đá nằm chênh vênh trên đỉnh đèo, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đèo Bảo Lộc.
[links()]
Khoảng 7.740 m2 là diện tích đất rừng phòng hộ xung yếu thuộc Tiểu khu 476 (Thôn 5, xã Ðại Lào) bị Công ty TNHH Lâm Phần san ủi, lấn chiếm để khai thác đá. Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc đã dùng máy định vị xác định diện tích này do Hạt quản lý, bảo vệ. Việc san ủi, khai thác đá còn khiến hàng ngàn tấn đất đá nằm chênh vênh trên đỉnh đèo, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đèo Bảo Lộc.
|
Hàng ngàn tấn đất đá Công ty Lâm Phần đổ trên đỉnh đèo tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm đối với đường đèo Bảo Lộc |
Khai thác đá ngoài diện tích cấp phép
Theo Quyết định 946 của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 21/4/2008, thì Doanh nghiệp tư nhân Lâm Phần (nay là Công ty TNHH Lâm Phần) được thuê đất khai thác đá vật liệu xây dựng với diện tích 99.655 m2, gồm 6 thửa đất thuộc Tờ bản đồ số 62 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Thời hạn khai thác là 21 năm kể từ ngày UBND tỉnh cấp Giấy phép số 57 ngày 29/11/2007. Theo đó, Giấy phép khai thác khoáng sản và Quyết định cho Công ty TNHH Lâm Phần thuê đất đều nêu rõ: Công ty có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng mục đích, đúng diện tích, đúng ranh giới và các yêu cầu khác khi giao đất như: bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ rừng, phục hồi môi trường, đất đai sau khi khai thác…
Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, cử tri xã Đại Lào phản ánh trong quá trình khai thác đá, Công ty TNHH Lâm Phần đã lấn ra ngoài diện tích đất được cấp phép và lấn vào đất rừng phòng hộ giáp ranh đất của Công ty trên đèo Bảo Lộc. Ngay 20/3/2019, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Bảo Lộc, các cơ quan chức năng TP gồm Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND xã Đại Lào đã kiểm tra thực trạng khu khai thác đá xây dựng của Công ty Lâm Phần. Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy: “Công ty TNHH Lâm Phần đã san ủi, đổ đất đá tầng phủ thải ra ngoài diện tích thuê tại Tiểu khu 476. Diện tích mà Công ty đã tác động san ủi, đổ đất đá tại Tiểu khu 476 là khoảng 7.740 m2. Hiện trạng san ủi là rừng lồ ô và keo rừng trồng. Thời gian san ủi, đổ đất đá thải vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019. Hiện, Công ty TNHH Lâm Phần đang tiếp tục bốc đất tầng phủ và khai thác đá trên một phần diện tích này”.
Cũng theo kết luận của Đoàn kiểm tra, diện tích mà Công ty TNHH Lâm Phần đã san ủi, đổ đất đá tầng phủ là đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ xung yếu theo Quyết định số 2016 ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Bùi Gia Dương - Thanh tra Pháp chế Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc, cho biết: “Việc Công ty TNHH Lâm Phần san ủi, đổ đất đá lấn qua Tiểu khu 476 được định vị bằng máy chuyên dụng là rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra làm việc, đại diện phía công ty không hợp tác ký biên bản nên chúng tôi chưa thể xử lý. Việc này, đã được Hạt báo cáo UBND TP Bảo Lộc để có hướng xử lý trong thời gian tới”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm Phần, cho rằng: “Phần đất chúng tôi đang san ủi là đất của Công ty, nên chúng tôi làm không có gì sai. Đất của công ty là do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép, thì phải do tỉnh kiểm tra. Còn các cơ quan khác không có quyền kiểm tra. Kể cả báo chí, khi không được chúng tôi cho phép cũng không được chụp hình, quay phim”. Khi chúng tôi đề nghị xem Giấy phép khai thác và Quyết định cấp phép của UBND tỉnh Lâm Đồng thì ông Tuân từ chối: “Mọi hồ sơ tôi không nắm, mà có nắm tôi cũng không thể cung cấp cho ai được. Vì trên tôi còn có Giám đốc Công ty nữa, nên khi không được cho phép tôi không có quyền cung cấp”.
Cần nhanh chóng xử lý
Ngoài việc đổ đất đá lấn chiếm đất rừng phòng hộ xung yếu thì việc làm này của Công ty TNHH Lâm Phần còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho phương tiện và người tham gia giao thông trên đèo Bảo Lộc. Ông Phạm Công Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho hay: “Hiện tại, với hàng ngàn tấn đất đá mà Công ty đổ trên đỉnh đèo là rất nguy hiểm. Trước đây, vị trí này cũng thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa. Giờ Công ty lại đổ thêm hàng ngàn tấn đất đá mới, khiến nguy cơ sạt lở xuống đèo Bảo Lộc là rất lớn. Địa phương mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm”.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 27/3/2019, UBND TP Bảo Lộc đã có Công văn số 462 gửi Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Lâm Phần để hướng dẫn hoặc xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Công văn nêu rõ: “UBND TP Bảo Lộc đã kiểm tra thực tế hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Lâm Phần. Tại hiện trường nhận thấy, đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản chưa đúng với Giấy phép khai thác được UBND tỉnh duyệt; có hiện tượng khai thác ngoài ranh mỏ, san ủi tầng phủ qua đất lâm nghiệp quy hoạch là đất rừng phòng hộ xung yếu…”.
Trên cơ sở đó, UBND TP Bảo Lộc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Lâm Phần để có hướng xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
HẢI ÐƯỜNG