Mạng xã hội giúp cho việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa mọi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Không thể phủ nhận tính hiệu quả của mạng xã hội nhưng đi kèm theo đó là mặt trái của nó cũng không ít...
Mạng xã hội giúp cho việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa mọi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Không thể phủ nhận tính hiệu quả của mạng xã hội nhưng đi kèm theo đó là mặt trái của nó cũng không ít. Do quá dễ dàng share (chia sẻ), like (thích) nên đôi khi, một thông tin thiếu chính xác, thậm chí bịa đặt, vu khống… khi đưa lên mạng lại có tác động nguy hại khôn lường tới cộng đồng xã hội.
|
Không ít trường hợp share thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng xấu tới nhiều người |
Mạng ảo nhưng hậu quả thật
Những ngày vừa qua, người dân trên địa bàn TP Bảo Lộc chưa quên câu chuyện, một phụ nữ bán hàng online trên mạng facebook đã tự dựng lên câu chuyện mua thịt heo nhiễm sán tại địa phương làm nhiều người bị ảnh hưởng bởi tin đồn thất thiệt này.
Cụ thể là vào ngày 18/3, chị T.T.H (32 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc) đã dùng tài khoản facebook cá nhân đăng tải 2 hình ảnh miếng thịt lợn nhiễm sán kèm theo câu hỏi “Các chị chuyên bán thịt heo có thể giải thích đây là gì không. Nó dai lắm. Mấy bữa nay khu vực Bảo Lộc toàn bị như này và hôm nay là em. Em mua ở chợ Lộc Phát nhé”.
Ngay khi thông tin trên được chị H đưa lên trang facebook cá nhân đã có 300 lượt comment (bình luận) và 768 lượt chia sẻ, tạo hiệu ứng rất lớn trên mạng xã hội khu vực TP Bảo Lộc. Nhiều người dân đọc thông tin trên đã bày tỏ không dám ăn thịt lợn tại Bảo Lộc. Trong khi đó, nhiều người trong đó là tiểu thương tại chợ Lộc Phát phản ứng gay gắt trước tin giả của chị H.
Tới ngày 20/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Lâm Đồng đã mời chị H. lên làm việc và xử phạt chị này 10 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật. Điều đáng nói là mặc dù người đăng thông tin sai sự thật bị xử phạt, buộc phải đính chính trên trang facebook cá nhân nhưng ảnh hưởng từ thông tin giả lại có hậu quả rất lớn.
Sáng 28/3, có mặt tại chợ Lộc Phát, nơi bị tung tin đồn heo nhiễm sán hơn hai tuần trước, các tiểu thương cho biết nhiều người dân khu vực gần như ngưng ăn thịt heo do lo sợ heo nhiễm sán có thật. Bà Nguyễn Thị Hoàn, một tiểu thương bán heo tại chợ cho hay, cùng với e ngại bởi heo bị bệnh lở mồm long móng tại địa phương, nên 1 tháng nay sức tiêu thụ thịt heo đã giảm khoảng 20% so với bình thường. Tuy nhiên, khi nhiều người dùng facebook chia sẻ tin heo bị nhiễm sán từ chị H. vào ngày 18/3, gần như rất nhanh chóng người dân đã quay lưng hẳn với thịt heo tại chợ. “Từ vài chục quầy bán thịt giờ chỉ còn 6-8 quầy bán nhưng bán cũng không chạy. Chúng tôi và người nuôi heo gặp nhiều khó khăn trước tin đồn ác ý trên” - bà Hoàn nói. Nhiều người dân tại TP Bảo Lộc chia sẻ đã không dám ăn thịt heo hoặc ăn hạn chế vì người này truyền tai người khác về câu chuyện heo nhiễm sán mà không hề biết thông tin đó chỉ xuất phát từ một cá nhân và nội dung hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật.
Đây chỉ là một trong những trường hợp chúng tôi ghi nhận, bởi trước đó cũng không ít tin đồn không đúng sự thật được nhiều nguời dân, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ trên địa bàn đăng tải trên mạng đã để lại phiền phức, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều người xung quanh. Phổ biến là những tin đồn ác ý như có người bị tai nạn để bán hàng online, bịa đặt về nguyên nhân một số vụ án mạng… với mục đích “câu like” để mọi người quan tâm nhưng ngược lại đã bị phản ứng và gây hiểu lầm tới nhiều người.
Tung tin để “câu like”
Thừa nhận rằng việc mạng xã hội phát triển phát sinh ra nhiều vấn đề khiến cơ quan chức năng luôn luôn phải xử lý những tình huống mới, tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Hằng, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Lâm Đồng thừa nhận, việc truy tìm các nguồn thông tin, gốc gác của những tin đồn để xử lý khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Hằng, việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng nếu nghiêm trọng sẽ gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội. Thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng. Điển hình gần nhất là vụ chị H. tung tin đồn heo nhiễm sán tại TP Bảo Lộc đã bị Thanh tra Sở xử phạt theo quy định nhưng đó có thể chỉ là bề nổi, còn nhiều trường hợp, vụ việc các đơn vị, chính quyền địa phương chưa thể nắm bắt, xử lý kịp thời.
Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước, ngoài phát hiện, xử lý các trang mạng xã hội tung tin đồn gây ảnh hưởng tới người dân, hiện Thanh tra Sở TT&TT Lâm Đồng đang tiếp tục mời chủ sở hữu của hơn 1.000 trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh lên đơn vị để kiểm tra, rà soát, cũng như nhắc nhở, tuyên truyền liên quan tới việc thực hiện hoạt động thông tin theo đúng quy định pháp luật. Còn theo Hội Luật sư tỉnh Lâm Đồng, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả của việc tung tin đồn gây ra cho dư luận, tình hình an ninh trật tự, xã hội, con người… thì sẽ có hình thức và mức xử lý tương ứng về hành chính, dân sự, hình sự.
Hãy chọn lọc thông tin để chia sẻ
Theo đại diện Sở TT&TT Lâm Đồng, những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram hay Twitter… là nơi mọi người sử dụng để bày tỏ ý kiến của mình; tiếp nhận, chia sẻ thông tin, đây là quyền của mỗi người, nhưng trước hết, người sử dụng cần phải tự ý thức về trách nhiệm đối với những thông tin do bản thân đưa lên.
Đặc biệt, không nên lạm dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, không có căn cứ, dù chỉ nhằm mục đích trêu đùa, không có chủ đích xâm phạm đến quyền lợi của người khác.
Người dân cũng cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.
C.PHONG