Những lò gạch cũ - xóa đến bao giờ? (Kỳ cuối)

08:04, 26/04/2019

Dù đã quá hạn phải chấm dứt hoạt động theo như kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Ðồng, nhưng 14 lò gạch cũ tại Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh, Cát Tiên vẫn đang tiếp tục sản xuất. Lý giải cho điều này, chủ các lò gạch cho rằng, lò gạch là nguồn sống chính của họ và họ không có điều kiện để chuyển đổi công nghệ sản xuất hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì kêu khó trong việc xử lý và chưa đưa ra được những giải pháp tối ưu. 

Dân than khổ, chính quyền kêu khó
 
[links()]Dù đã quá hạn phải chấm dứt hoạt động theo như kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Ðồng, nhưng 14 lò gạch cũ tại Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh, Cát Tiên vẫn đang tiếp tục sản xuất. Lý giải cho điều này, chủ các lò gạch cho rằng, lò gạch là nguồn sống chính của họ và họ không có điều kiện để chuyển đổi công nghệ sản xuất hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì kêu khó trong việc xử lý và chưa đưa ra được những giải pháp tối ưu.  
 
Do nhiều nguyên nhân, khiến các lò sản xuất gạch thủ công lạc hậu trên địa bàn huyện Cát Tiên vẫn chưa thể đóng cửa theo lộ trình.
Do nhiều nguyên nhân, khiến các lò sản xuất gạch thủ công lạc hậu trên địa bàn huyện Cát Tiên vẫn chưa thể đóng cửa theo lộ trình.
 
Lò “quá đát” vẫn hoạt động
 
Theo lộ trình đến năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng phải chấm dứt hoạt động của 31 lò gạch đất sét nung sử dụng các công nghệ lạc hậu như lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng (Hoffman) và lò đứng. Trong đó, tại 3 huyện phía Nam có đến 25 lò gạch phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2018. Đến thời điểm này, mới chỉ có huyện Đạ Tẻh thực hiện đạt kết quả đúng theo lộ trình như kế hoạch đã đề ra, trong khi huyện Cát Tiên vẫn còn 11 lò và Đạ Huoai còn 3 lò gạch nung sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn đang tiếp tục hoạt động.
 
Cát Tiên là địa phương có đến 17 lò sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lạc hậu (lò thủ công) phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2017. Để thực hiện chủ trương này, ngay từ năm 2016, UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các xã, thị trấn có lò gạch tiến hành kiểm tra, tuyên truyền và vận động các chủ cơ sở chấm dứt hoạt động theo lộ trình của UBND tỉnh; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét xây dựng phương án trình UBND tỉnh hỗ trợ chủ các lò gạch chuyển đổi công nghệ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề… Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã quá hạn 1 năm nhưng huyện Cát Tiên vẫn còn 11 lò gạch chưa thể đóng cửa. Trong đó, thị trấn Cát Tiên còn 8 lò, thị trấn Phước Cát có 2 lò và xã Quảng Ngãi 1 lò.
 
Hiện tại, tất cả số lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Cát Tiên đang hoạt động tự phát, không còn giấy phép sản xuất. 
 
Các lò gạch này đang tạo công ăn việc làm cho hơn 100 người lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, về cơ bản các lò gạch cũng đang cung ứng được khoảng 60% gạch xây dựng cho người dân địa phương. Tương tự, huyện Đạ Huoai cũng là địa phương có 3 lò sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng - Hoffman phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 lò gạch này vẫn còn hoạt động. Trung bình mỗi ngày, 3 lò gạch này đang sản xuất khoảng 35.000 viên gạch (tương đương hơn 10 triệu viên/năm).
 
Lò gạch đất sét nung công nghệ Hoffman đang hoạt động tại huyện Đạ Huoai.
Lò gạch đất sét nung công nghệ Hoffman đang hoạt động tại huyện Đạ Huoai.
 
Khó chuyển đổi 
 
Lý giải cho việc chưa thể ngừng hoạt động các lò gạch cũ, lạc hậu thì hầu hết các chủ lò gạch đều đưa ra những lý do đây là nghề “cha truyền, con nối” và là nguồn sống chính của gia đình nên không thể nói dừng là dừng ngay được. Ông Đinh Văn Cảnh - Chủ cơ sở sản xuất gạch tại Tổ dân phố 5 (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên), cho biết: “Lò gạch của gia đình được cha tôi xây dựng từ năm 1990. Tôi vẫn biết chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công lạc hậu là đúng đắn. Nhưng cuộc sống của gia đình tôi trông chờ cả vào lò gạch này, nên không thể nói bỏ là bỏ được. Ngoài gia đình tôi, còn có hơn 10 công nhân đã gắn bó hàng chục năm với lò gạch và có nguồn thu nhập ổn định từ công việc này. Nếu ngừng hoạt động mà chúng tôi được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đảm bảo cuộc sống tốt hơn thì chúng tôi sẵn sàng. Thế nhưng, đến hiện tại chúng tôi chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Trong khi đó, việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang sản xuất gạch không nung thì nguồn lực của gia đình không thể đáp ứng. Vì thế, nếu ngừng sản xuất thì chúng tôi không biết lấy gì để sống”.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ lò gạch Duy Ngọc (Thôn 2, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), cho hay: “Lò gạch của gia đình tôi xây dựng cách đã hơn 30 năm. Trước đây, chúng tôi sản xuất theo lò thủ công lạc hậu. Để tiếp nối nghề, năm 2012, gia đình tôi đã vay mượn đầu tư hơn 7 tỷ đồng chuyển qua lò Hoffman. Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa thể thu hồi vốn và đang chịu khoản nợ ngân hàng gần 3 tỷ đồng. Vì vậy, nếu ngừng hoạt động thì chắc chắn gia đình tôi sẽ lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất. Tới đây, gia đình tôi sẽ làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, với mong muốn tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian hoạt động”.
 
Trong khi các chủ lò gạch và người lao động than khổ nếu phải dừng hoạt động, thì chính quyền các địa phương lại gặp khó trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động để chấm dứt theo đúng lộ trình. Đối với huyện Cát Tiên, về cơ bản các chủ lò gạch chưa định hướng được nghề nghiệp sẽ chuyển đổi khi phải chấm dứt hoạt động. Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: “Hiện tại, địa phương vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu để trình UBND tỉnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch nên chưa thể yêu cầu các cơ sở chấm dứt hoạt động. Tới đây, huyện sẽ đề xuất để UBND tỉnh sớm có cơ chế, kinh phí hỗ trợ các lò gạch chuyển đổi ngành nghề và công nghệ sản xuất”.
 
Ngoài lúng túng trong việc hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi ngành nghề hoặc công nghệ thì nhu cầu sử dụng gạch nung của người dân là rất lớn, cũng là một trở ngại lớn trước việc phải chấm dứt hoạt động các lò gạch theo đúng lộ trình. Cũng theo ông Phúc, hiện nay, người dân địa phương vẫn chưa thể tiếp cận gạch không nung để phục vụ nhu cầu xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu thực tế của người dân địa phương là khoảng 30 - 35 triệu viên gạch xây dựng/năm. Do đó, ngoài số lượng gạch từ các cơ sở trên địa bàn cung cấp thì người dân còn phải mua thêm từ tỉnh Bình Phước và Đồng Nai mới đáp ứng đủ nhu cầu. Cũng như huyện Cát Tiên, huyện Đạ Huoai mỗi năm tiêu thụ khoảng 40 - 45 triệu viên gạch. Các lò gạch sản xuất trên địa bàn là nơi cung cấp chính nguồn gạch cho người dân địa phương. Ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: “Thói quen của người dân vẫn ưa chuộng gạch nung nên nếu đóng cửa các lò gạch, chắc chắn người dân địa phương sẽ thiếu gạch xây dựng. Đây chính là những lý do khiến việc chấm dứt hoạt động các lò gạch nung tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, cả 3 lò gạch trên địa bàn huyện đều được các chủ cơ sở chuyển đổi sang lò Hoffman với mức đầu tư 7 - 8 tỷ đồng/lò, nên nếu chấm dứt ngay thì cũng gây thiệt hại lớn cho các cơ sở này vì chưa thể thu hồi vốn”. 
 
Thực tế cho thấy, thói quen của người dân nói chung và tại 3 huyện phía Nam nói riêng vẫn trung thành lựa chọn gạch đất sét nung để xây dựng. Vì thế, sản phẩm gạch không nung, từ các cơ sở sản xuất thủ công đến những dây chuyền hiện đại, vẫn trong tình trạng ế ẩm không thể tiêu thụ. Theo thống kê, hiện tại 3 huyện phía Nam đang có 5 cơ sở sản xuất gạch không nung. Trong đó, 4 cơ sở tại huyện Cát Tiên đang đóng cửa vì không thể tiêu thụ sản phẩm. Còn 1 cơ sở với dây chuyền hiện đại tại huyện Đạ Tẻh đang hoạt động cầm chừng.
 
KHÁNH PHÚC - ÐÔNG ANH