Phục hồi rừng bằng trồng xen cây lâm nghiệp

09:04, 15/04/2019

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và suy thoái rừng là tình trạng người dân xâm canh vào đất rừng để sản xuất cây công nghiệp và cây nông nghiệp. Việc trồng xen cây lâm nghiệp (LN) vào đất xâm canh là giải pháp vừa nhằm khôi phục lại môi trường rừng, vừa hài hòa và chia sẻ lợi ích sinh kế cho người dân.

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và suy thoái rừng là tình trạng người dân xâm canh vào đất rừng để sản xuất cây công nghiệp và cây nông nghiệp. Việc trồng xen cây lâm nghiệp (LN) vào đất xâm canh là giải pháp vừa nhằm khôi phục lại môi trường rừng, vừa hài hòa và chia sẻ lợi ích sinh kế cho người dân.
 
Trồng xen tại vườn hộ ông Ha Dù, xã Liên Hà. Ảnh: M.Đạo
Trồng xen tại vườn hộ ông Ha Dù, xã Liên Hà. Ảnh: M.Đạo
 
Hơn 52.000 ha bị xâm canh 
 
Ông Lê Quang Nghiệp, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Chương trình UN-RDD Lâm Đồng cho biết: Theo kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh Lâm Đồng trình UBND tỉnh phê duyệt đến tháng 10/2018, xác định đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất bị xâm canh để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 52.060 ha. Trước thực trạng mất và suy thoái rừng và đất rừng ở Tây Nguyên, ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận rất quan trọng về định hướng về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 bằng Thông báo số 191/TB-VPCP. 
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, một trong những giải pháp hành động khôi phục môi trường rừng đã được UBND tỉnh ban hành đó là Kế hoạch hành động REDD+ tại Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 21/1/2015. Kế hoạch này cũng phù hợp với chỉ đạo bảo vệ và sử dụng hợp lý rừng và đất rừng sau khi rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo Thông báo số 125/TB-UBND ngày 16/5/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương và đơn vị chủ rừng, người dân đã có những mô hình thực tế triển khai hoạt động trồng xen cây LN vào diện tích đất LN đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp. Các mô hình triển khai thông qua Nghị quyết của địa phương cấp huyện, sự hỗ trợ của các chương trình dự án trong nước và quốc tế, các chính sách hỗ trợ LN và người dân tự phát trồng. Một trong những điển hình của giải pháp trồng xen cây LN vào đất xâm canh có nhiều kết quả bước đầu là ở huyện Lâm Hà. 
 
Quyền lợi và nghĩa vụ đối với hộ tham gia
 
Ở Lâm Hà, mô hình trồng xen được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Ban triển khai theo Đề án 04/ĐA-UBND ngày 25/7/2014 của UBND huyện Lâm Hà. Trước hết là hỗ trợ các hộ có diện tích đất LN đang xâm canh trồng cây cà phê. Đối với hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo (dưới 5 năm) được hỗ trợ 70% kinh phí mua cây giống bằng hình thức cấp cây giống (Sao đen hỗ trợ 12.000 đồng/cây, Muồng đen hỗ trợ 100%); bình quân khoảng 2.000.000 đồng/ha. Đồng thời, các hộ này được ký hợp đồng giao, nhận đất với đơn vị chủ rừng sau 4 năm trồng đạt mật độ theo quy định. Nghĩa vụ của họ là phải thực hiện trồng và chăm sóc cây LN đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đủ mật độ theo quy định, kịp thời vụ; chăm sóc, quản lý, bảo vệ, không được nhổ bỏ, chặt phá cây LN trồng xen. 
 
Theo quy định, các hộ phải trồng xen vào diện tích đã trồng cây cà phê, hoa màu. Mật độ trồng 185 cây/ha (hàng cách hàng 9 m, cây cách cây 6 m). Đối với cà phê catimo, 8 hàng cà phê trồng 1 hàng cây LN; cà phê vối, 3 hàng trồng xen 1 hàng; chè, 6 hàng trồng 1 hàng cây LN. Danh mục các loại cây trồng xen gồm Sao đen, Muồng đen và Mắc ca. Sau 3 năm triển khai (2015-2018), toàn huyện Lâm Hà đã thực hiện được gần 2.304 ha. Những hộ điển hình trồng xen có kết quả khả quan như: hộ ông Phạm Tiến Dũng, hộ ông Trần Khánh Dư ở thôn Cổng Trời, xã Mê Linh; hộ ông Ha Dù, xã Liên Hà...
 
Những bài học và đề xuất
 
Việc quan trọng là công tác phối kết hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức từ huyện đến xã, trong đó nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Mặt khác, công tác thiết kế, lập hồ sơ phải được thực hiện sớm ngay từ đầu năm do diện tích lô chia theo diện tích của từng hộ gia đình, nhỏ lẻ 1-2 sào. Thực hiện rà soát diện tích thiết kế liền vùng, liền khoảnh nhằm tạo được sự đồng thuận và cùng tham gia của các hộ liền kề. Làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phải đến vận động từng hộ gia đình để người dân tự nhận thức được hiệu quả của việc trồng xen, họ tự giác tham gia thực hiện. Cuối cùng là công tác giám sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho từng hộ gia đình trong quá trình người dân trồng rừng.
 
Qua thực tế ở Lâm Hà dẫn đến diện tích thực hiện không đạt theo kế hoạch do nhiều nguyên nhân. Trước hết là khó khăn trong tuyên truyền, gặp gỡ để vận động người dân đăng ký tham gia. BQL RPH Nam Ban cho rằng, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm địa bàn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ; do đó hầu như chỉ đơn vị chủ rừng thực hiện. Số hộ không được hỗ trợ cây giống thì cố tình chây ỳ không trồng rừng, viện lý do không có kinh phí. Một số hộ được hỗ trợ cây giống thì cố tình không chịu nhận cây để trồng rừng, viện những lý do khách quan về thời tiết. Quá trình cắt cỏ, xịt thuốc cỏ không cẩn thận đã làm cho cây trồng bị gãy, bị chết... 
 
Từ thực tế triển khai, BQL RPH Nam Ban nêu một số vấn đề nhận thức và đề xuất để triển khai trồng xen cây LN trên diện rộng toàn tỉnh. Đó là chính quyền địa phương hàng năm phải có kế hoạch tuyên truyền và kiểm tra đôn đốc người dân thực hiện. Nên chăng hỗ trợ cây giống cho tất cả các đối tượng tham gia trồng rừng theo Đề án. Đối với những hộ không trồng rừng, trồng theo kiểu chống đối đề nghị các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vào cuộc kịp thời nhằm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và có biện pháp thu hồi, giải tỏa kiên quyết để răn đe đối tượng… 
 
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết: “Với những thành quả bước đầu từ Đề án, huyện Lâm Hà tiếp tục triển khai trồng xen cây LN trên cơ sở đúc kết những bài học kinh nghiệm; đồng thời, cùng với sự đồng hành của các sở, ban, ngành của tỉnh để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Lâm Hà đã và đang quyết tâm tăng dần tỷ lệ độ che phủ rừng bằng nhiều giải pháp; trong đó trồng xen cây LN là giải pháp được chú trọng hàng đầu, bởi từ đây sẽ lan tỏa nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng”.                    
 
MINH ÐẠO