Ðó là khẳng định của ông Vũ Ðình Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trường Cao đẳng Sư phạm (CÐSP) Ðà Lạt trước việc nhà trường ngưng cho khách vào tham quan trường - Công trình được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích kiến trúc Quốc gia vào năm 2001…
Ðó là khẳng định của ông Vũ Ðình Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trường Cao đẳng Sư phạm (CÐSP) Ðà Lạt trước việc nhà trường ngưng cho khách vào tham quan trường - Công trình được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích kiến trúc Quốc gia vào năm 2001…
|
Di tích kiến trúc Quốc gia Trường CĐSP Đà Lạt được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. |
Ông Sơn cũng bác bỏ thông tin cho rằng nhà trường “đóng cửa” với du khách nhằm tạo áp lực để xin thu phí, hay “đóng cửa” là để sửa chữa, tôn tạo công trình di tích theo đề án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Vụ việc được nhiều người quan tâm khi ngày 12/4, lấy lý do đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh cảnh quan trường học, Trường CĐSP Đà Lạt bất ngờ thông báo tạm ngưng giải quyết cho khách vào tham quan khuôn viên nhà trường. Điều đáng nói, việc ngưng đón khách tham quan này chưa biết khi nào mở cửa trở lại, khiến nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối vì không được “check in” tại Di tích kiến trúc Quốc gia Trường CĐSP Đà Lạt. Cũng có ý kiến cho rằng đã là di tích kiến trúc cấp Quốc gia mà người dân không được tiếp cận thì thật đáng tiếc, không biết trước khi ban hành thông báo, nhà trường có tham vấn các cơ quan hữu quan về Luật Quản lý bảo vệ di sản hay chưa (?).
Trường CĐSP Đà Lạt đã được cấp Bằng di tích kiến trúc Quốc gia, đồng thời được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. |
Mang ý kiến của bạn đọc đến làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường và được Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp Trường CĐSP Đà Lạt Vũ Đình Sơn, bộc trực: “Tôi là người làm việc ở trường này đã lâu nhưng chưa được tiếp xúc với bất cứ văn bản nào qui định phải phục vụ miễn phí vào tham quan khuôn viên nhà trường, do trường được công nhận di tích cấp Quốc gia… Tự bản thân chúng tôi thấy trường mình đẹp thì tự giác mở cửa phục vụ du khách tham quan trong những năm qua, không ai giao nhiệm vụ phải phục vụ du khách, nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo”.
Cũng theo ông Sơn, bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách tham quan, ngày cao điểm lên đến cả ngàn lượt khách, do đó nhà trường phải tốn khoản chi phí khá lớn để hợp đồng thêm nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh, trả tiền nước và chi phí thu gom rác, sửa chữa nhỏ, tôn tạo cảnh quan trường học… Năm nay, do số lượng sinh viên đào tạo giảm nhiều khiến kinh phí của nhà trường cũng giảm đáng kể, do đó không đủ nguồn lực, kể cả kinh phí lẫn con người để phục vụ miễn phí khách tham quan. Trong khi ý thức của một bộ phận du khách quá tệ: xả rác bừa bãi, ăn uống bày bừa ra khuôn viên của trường, thậm chí một số người còn phóng uế bừa bãi… Chưa kể một số đối tượng xấu đã trà trộn vào đó để trộm cắp tài sản của nhà trường. Với lý do này, tạm thời nhà trường phải ngưng cho du khách vào tham quan trường, còn việc mở cửa đón khách tham quan trở lại chỉ khi nào nhà trường có đủ nguồn lực thì mới thực hiện được.
Một cán bộ của Trường CĐSP Đà Lạt cũng cho biết thêm, từ tháng 11/2017, nhà trường đã có tờ trình báo cáo đề xuất các cơ quan thẩm quyền về việc xây dựng Đề án thu phí vào cổng để có nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tham quan di tích của du khách mà không ảnh hưởng tới công tác dạy, học của trường. Về việc này, ông Vũ Đình Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp nhà trường cho rằng cần tách riêng thành hai vấn đề, trước đó nhà trường có làm tờ trình xin thu phí tham quan để có thể hợp đồng thêm bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh, đồng thời đầu tư tôn tạo thêm hoa, cây cảnh cho khuôn viên trường. Sự thật là vậy, nhưng đây không phải lý do để nhà trường ngừng việc cho khách tham quan.
Trong khi đó, một số du khách cho rằng việc thu phí/bán vé vào cổng để tham quan di tích kiến trúc Trường CĐSP Đà Lạt là cần thiết, vừa đảm bảo chi phí phục vụ khách tham quan vừa làm đẹp thêm cảnh quan của nhà trường. Nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng đây là trường học, nhiệm vụ chính là đào tạo, nhà trường nên tập trung làm tốt công tác giảng dạy, nếu được thì đề xuất xin thêm lao động để đảm bảo nhân lực mở cửa đón khách tham quan (tham quan ngoài giờ học của học sinh, với số lượng hạn chế, có kèm điều kiện như đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường), không nên đổ hết gánh nặng về phía nhà trường khi vừa làm công tác đào tạo vừa kinh doanh ngay tại môi trường giáo dục sẽ “lợi bất cập hại”.
|
Thông báo ngưng tham quan vô thời hạn của Trường CĐSP Đà Lạt |
Nhiều sinh viên, cựu sinh viên của trường cũng cho rằng cần có giải pháp thích hợp để “mở cửa” cho khách tham quan trở lại. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới và là Di tích kiến trúc Quốc gia nên đông đảo du khách mong muốn được “check in”, mở mang kiến thức. Mặt khác, nếu không có khách tham quan cũng sẽ làm mất đi tính sinh động và tính quảng bá cho trường.
Liên quan đến vụ việc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long, cho biết: Mặc dù Trường CĐSP Đà Lạt là đơn vị sự nghiệp giáo dục nhưng đây cũng là Di tích kiến trúc Quốc gia nên không có lý do gì để đóng cửa không phục vụ người dân. Sau khi nhận được báo cáo, Sở sẽ có hướng dẫn để Trường có phương án giải quyết hợp lý, việc tạm ngưng đón khách tham quan để làm công tác vệ sinh là hợp lý, nhưng cần phải ấn định thời gian cụ thể thực hiện để người dân chủ động nắm rõ.
THỤY TRANG