Chống mua bán người - "cuộc chiến" chưa có hồi kết

07:05, 23/05/2019

Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng không nổi cộm so với các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, thời gian từ 2011 đến nay, đã diễn ra nhiều vụ việc phức tạp mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng không nổi cộm so với các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, thời gian từ 2011 đến nay, đã diễn ra nhiều vụ việc phức tạp mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
 
Trẻ em, phụ nữ vùng sâu, vùng xa luôn là đích ngắm mà bọn buôn người tìm cách giăng bẫy. Trong ảnh: Ka Viên (bìa trái), nạn nhân trở về từ vụ buôn người sang Trung Quốc.
Trẻ em, phụ nữ vùng sâu, vùng xa luôn là đích ngắm mà bọn buôn người tìm cách giăng bẫy. Trong ảnh: Ka Viên (bìa trái), nạn nhân trở về từ vụ buôn người sang Trung Quốc.
 
Những cuộc đời bị “đánh cắp”
 
“Lúc bị giam lỏng bên đó, nhiều lần cố gắng bỏ trốn không được, em đã muốn chết đi. Bởi thế, đêm đó em đã liều nhảy từ trên tầng lầu xuống vì nghĩ có chết cũng được. Nhảy xuống rồi em chẳng biết đau là gì nữa, cứ chạy, chạy mãi. Nó đuổi theo em, nắm lấy tóc em mà đánh giữa đường. Em chỉ còn biết la lên, cố la thật to. Rồi mọi người xung quanh báo công an và may nhờ thế em được trả về, được Công an huyện Đam Rông lên đón em từ Lào Cai”. Đó là lời kể của Ka Lương (24 tuổi) - cô gái may mắn thoát về từ vụ mua bán người sang Trung Quốc. 
 
Chúng tôi tìm đến nhà của Ka Lương vào một buổi chiều mưa. Bao nhiêu đất đai bán để chữa bệnh cho cha, cho anh trai bị tai biến nên căn nhà gỗ lụp xụp và khoảnh sân nhỏ đầy bùn đất là tài sản quý giá nhất của gia đình em. Có lẽ cái gia cảnh không thể nghèo hơn ấy đã để Ka Lương rơi vào bẫy mua bán người năm ấy dễ dàng đến thế. Vừa nhặt ớt, Ka Lương vừa kể cho chúng tôi nghe một đoạn ngắn trong khoảng thời gian đầy “ám ảnh”: Năm 2012, Ka Lương vừa 17 tuổi, cùng hai người chị là Ka Hương, Ka Viên (cùng sống tại xã Đạ K’Nàng) được một người đàn ông tên Sơn rủ ra miền Bắc chơi. Sơn là người quen Ka Hương. Người đàn ông này mua vé xe khách để đưa ba chị em sang Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), rồi tiếp tục đi qua một số tỉnh khác, sau đó ra Hà Nội và lên Lào Cai. Trên đường đi không có chuyện gì xảy ra nên khi lên tới Lào Cai, người đàn ông tên Sơn rủ ba chị em qua biên giới chơi. Cả ba cô gái trẻ tận Tây Nguyên xa xôi không mảy may nghi ngờ lời đường mật ấy. Di chuyển bằng xe máy, Sơn và một số người đàn ông lạ đã chở ba chị em đi đường rừng sang Trung Quốc. Tại đây, Lương được người đàn ông này cho uống viên thuốc gì đó làm cho em thấy mệt và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, không thấy 2 chị đâu, chỉ nghe tiếng người lạ nói với nhau, Lương mới lờ mờ hiểu ra mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Lương được bán cho một gia đình Trung Quốc, em kháng cự bằng cách không ăn, uống. Em bị đánh đập rồi tiếp tục bị bán từ chỗ này qua chỗ khác. Sau gần 8 tháng, Lương bị bán đến 5 lần, không chịu đựng nổi em quyết định nhảy lầu bỏ trốn.
 
Câu chuyện của Lương với chúng tôi đã dừng lại ở đó, bởi có lẽ đối với Lương đó là quãng thời gian muốn trôi vào quên lãng, em đã không còn muốn nhắc tới nữa. 
 
Theo nhận đình từ cơ quan an ninh, từ năm 2011 đến nay, tình hình mua bán người trở nên phức tạp do sự di cư tự do của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào định cư tại huyện Đam Rông và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng hầu hết là người Mông từ các tỉnh phía Bắc vào móc nối, cấu kết với các đối tượng cũng là người Mông di cư tự do vào Tây Nguyên. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ việc của chị Giàng Thị Tồng (29 tuổi), trú tại Thôn 2, xã Liêng Sronh (huyện Đam Rông). Năm 2013, Tồng bị các đối tượng mua bán người từ phía Bắc vào lừa bán sang Trung Quốc. Khi bị dụ dỗ đi Tồng mang theo con trai mới 8 tháng tuổi. Sang tới nơi hai mẹ con Tồng bị tách ra mỗi người mỗi nơi. Năm 2014, Tồng được Công an Trung Quốc giải cứu và trở về Việt Nam, còn con trai Tồng hiện không rõ tung tích. 
 
Theo Thượng úy Trần Văn Hà - người nhiều năm theo dõi vụ việc này tại Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đam Rông cho biết: “Đời sống của người Mông di cư tự do nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung còn nhiều khó khăn. Vì nghèo nên nhiều người muốn đổi đời lại thiếu hiểu biết,  họ bị các đối tượng lừa bán qua biên giới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cũng như sự vào cuộc ráo riết của cơ quan an ninh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ việc nào”.
 
Lợi dụng công nghệ để dụ dỗ, mua bán người
 
Trung tá Bùi Xuân Hóa, Đội trưởng Đội chuyên đề và nghiệp vụ cơ bản Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Trước đây, tội phạm mua bán người tiếp cận đến nơi tạo mối quan hệ để dụ dỗ lôi kéo thực hiện hành vi mua bán người, nhưng hiện nay hoạt động của bọn chúng ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Chúng lợi dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo… để liên lạc kết bạn, sau đó dụ dỗ bằng cách tìm việc làm, vờ yêu đương hẹn hò, du lịch lên các tỉnh biên giới, nhất là khu vực Sa Pa tỉnh Lào Cai sau đó bán qua cửa khẩu”. 
 
Cá biệt có nhiều trường hợp nạn nhân bị chính người quen lừa bán qua nước ngoài. Theo hồ sơ tại cơ quan an ninh về trường hợp của nạn nhân Cao Thị Thu Huyền, trú tại Phú Thuận 3, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương bị chính người bạn là Nguyễn Thị Tố Uyên lừa bán sang Malaysia năm 2016. Sau một thời gian Uyên sang Malaysia làm việc thì chủ động liên hệ rủ Huyền qua làm việc với mức lương cao. Huyền được Uyên làm thủ tục xuất ngoại theo hình thức đi du lịch với thời hạn 1 tháng. Lúc ấy, bạn trai của Uyên tên là Achun đã cho người đón tại sân bay. Huyền được bố trí đi làm tại quán bar dưới sự quản lý của Uyên và Achun. Công việc của Huyền là làm tiếp thị bia. Do không chịu tiếp khách mua dâm nên Huyền bị nhốt lại. May mắn Huyền nhờ được người điện thoại về cho mẹ xin tiền trả nợ cho Achun để được thả về Việt Nam. Thấy con mình bị Uyên dụ dỗ lừa bán, mẹ của Huyền đã làm đơn tố cáo. Uyên nghe tin đã chủ động liên lạc và trả lại số tiền 2.500 Ringgit cho Huyền trở về Việt Nam. Hiện tại Uyên vẫn ở Malaysia. Mới đây nhất, đầu năm 2019, Công an lâm Đồng nhận được đơn trình báo và xác minh về việc tháng 10/2018 Phạm Thị Thuyết Băng (14 tuổi) và Lương Thị Ý Nhi (16 tuổi) trú tại xã Lộc Ngãi huyện Bảo Lâm rủ nhau đi TP Hồ Chí Minh xin việc làm nhưng gia đình không biết... Nhi sử dụng tài khoản facebook để liên lạc nhưng đến tháng 11/2018 tài khoản facebook này không hoạt động nữa. Đến đầu năm 2019, một người bạn trên facebook của Ý Nhi đã báo cho gia đình biết tài khoản này hiện đã có người khác sử dụng. Họ đã gửi hình ảnh của Nhi, Băng và nhắn hiện hai cô gái này đã bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc để mang thai đẻ thuê. Hiện cơ quan an ninh đang phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra làm rõ. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ với 21 nạn nhân. Trong đó đa phần là phụ nữ và một em bé 8 tháng tuổi.
 
Cũng theo trung tá Bùi Xuân Hóa: “Các đối tượng mua bán người trên địa bàn Lâm Đồng chủ yếu là các đối tượng hoạt động lưu động. Các đối tượng cầm đầu không phải là người địa phương nên trong quá trình điều tra, xác minh thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy kết quả điều tra, khám phá loại án này đạt thấp”. 
 
H.YÊN - N.NGÀ