Cẩn thận với ná bắn chim

07:05, 29/05/2019

Nhiều tháng nay, trên địa bàn TP Ðà Lạt, các huyện Ðức Trọng, Lâm Hà, TP Bảo Lộc, Di Linh... xuất hiện nhiều điểm bán ná bắn chim. Ná bắn được làm bằng khung sắt, khung gỗ, bắn với bi sắt được bán công khai, mua khá dễ dàng, có thể gây thương tích ở cự ly hàng chục mét.

Nhiều tháng nay, trên địa bàn TP Ðà Lạt, các huyện Ðức Trọng, Lâm Hà, TP Bảo Lộc, Di Linh... xuất hiện nhiều điểm bán ná bắn chim. Ná bắn được làm bằng khung sắt, khung gỗ, bắn với bi sắt được bán công khai, mua khá dễ dàng, có thể gây thương tích ở cự ly hàng chục mét.
 
Việc dùng ná chơi thể thao không hề xấu, nhất là tại các vùng quê nhà cửa thưa thớt. Tuy nhiên, trong không gian thành phố, thị trấn vô tình trở thành trò chơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với trẻ nhỏ, đối tượng ưa thích tìm tòi, khám phá.
 
Một xe di động bán ná, có chạc bằng gỗ với giá 120.000 đồng/chiếc tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Ảnh: C.Phong
Một xe di động bán ná, có chạc bằng gỗ với giá 120.000 đồng/chiếc tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà.
Ảnh: C.Phong
 
Bán khắp nơi
 
Chiều 26/5, dạo một vòng đường Hùng Vương, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Thụ (TP Đà Lạt) chúng tôi ghi nhận một số thanh niên sử dụng xe máy chạy di động bán ná thun tại nhiều vị trí, tập trung nhiều nhất là gần khu vực các trường học, ngã ba, ngã tư. 
 
Đặc điểm của các loại ná trên là nhỏ, gọn, nhẹ, độ bền vật liệu tốt hơn với ná bằng chạng ba của cành cây mà các thiếu niên tại các vùng quê hay tự làm để chơi. Thay vì thân làm từ thân cây cứng, ná bán có thân bằng nhựa cứng nhẹ và ná bằng kim loại. 
 
Với giá bán từ 120.000 - 250.000 đồng/cái tùy loại, ná bắn chim hiện nay được chế tạo khá hiện đại, có thêm bộ phận chứa chất lỏng dưới tay cầm giúp người bắn điều chỉnh độ cân bằng, tránh nghiêng ná. Ngắm nghía kỹ lưỡng 5-10 phút, chúng tôi ghi nhận một số học sinh cấp 2 Trường Phan Chu Trinh (đường Hùng Vương, Phường 10) đã mua 3 chiếc ná với giá 100.000 đồng/chiếc. Để quảng cáo sản phẩm, người bán còn dùng bi sắt, dương ná bắn thử vào một thân cây ven đường. Ở cự ly lên tới khoảng 10 m, xác suất bắn trúng mục tiêu rất cao.
 
Ngoài bán ná, họ còn bán kèm “bi sắt” trong bịch nilong khoảng 100 viên/bịch. Dây cao su đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... dùng cho chiếc ná cũng được người bán quảng cáo có hai loại, của Mỹ và Trung Quốc với giá bán chênh nhau khoảng 30.000 đồng, cả hai loại đều có lực đàn hồi rất mạnh. Anh Quốc, một thanh niên bán ná bắn chim khoảng 1 năm nay còn khoe với chúng tôi, mỗi ngày bán được 6-7 chiếc ná, chủ yếu là cho thiếu niên, học sinh nam các trường học trên địa bàn TP Đà Lạt. Ngoài bán ở đây, anh này còn chạy bán di động, chủ yếu dưới khu vực thị trấn các huyện lân cận Đà Lạt. Khi khách mua ít dần, anh lại chạy xuống trung tâm các xã. 
 
Trước đó, ngày 15/5, chúng tôi ghi nhận tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) cũng có nhiều người bán ná các loại. Có một số điểm bán ná cố định trước quán tạp hóa. Còn ở trên mạng Facebook, Youtobe, chỉ cần đánh chữ “ná bắn chim” sẽ có hàng chục kênh quảng cáo các loại ná hiện đại 3 chạng, 7 chạng bằng kim loại bán kèm “đạn” sắt cùng cách thức sử dụng, số điện thoại liên hệ. Người mua dễ dàng đặt hàng nhanh chóng chỉ mất 2-4 ngày, có thể kiểm tra hàng và trả tiền qua người chuyển phát nhanh.
 
Anh Ngô Hoài Anh (34 tuổi, ngụ tại Phường 9, TP Đà Lạt) chia sẻ, mới đây con anh học lớp 6 đã xin tiền ba mẹ mua một chiếc ná bằng gỗ, nghĩ là trò chơi con nít nên anh cũng không cấm cản. Thậm chí, nhà có 2 anh em nên anh buộc phải mua cho mỗi cháu 1 chiếc. “Thi thoảng 2 anh em bắn chim thì không trúng lại trúng vào kính cửa sổ của gia đình. Mình cũng sợ lúc không có nhà, con hiếu động mang ná bắn lung tung nếu lỡ trúng người, xe cộ của bà con hàng xóm cũng khá nguy hiểm, nên gần đây mình đã không cho con sử dụng và hướng dẫn cho các cháu các trò chơi khác lành mạnh hơn” - anh Hoài Anh kể.
 
Một học sinh dùng ná bắn chim trong nội ô thành phố Đà Lạt. Ảnh: C.Phong
Một học sinh dùng ná bắn chim trong nội ô thành phố Đà Lạt. Ảnh: C.Phong
 
Dễ lạc “đạn”, tiềm ẩn nguy hiểm
 
Nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ chơi ná cao su thừa nhận, việc trẻ nhỏ dùng ná bắn chim, cây cối... giải trí, song bắn trật mục tiêu, “đạn lạc” trúng vào xe cộ, thậm chí trúng người không phải hiếm gặp. Bởi khác các vùng quê đất rộng người thưa, việc bắn ná rất ít khi gây hư hại đồ đạc, thương tích cho người hoặc vật nuôi, thì nay trò chơi này đối với học sinh, bạn trẻ thành phố không còn đơn giản như vậy. 
 
Do không gian sống chật hẹp nên những tai nạn do chơi ná cao su cũng ngày càng tăng; xảy ra chuyện bắn chim bắn nhầm phải cửa kính, rồi không may trúng cả người qua đường. 
 
Tại địa bàn huyện Đức Trọng, chúng tôi còn được nghe câu chuyện đau lòng, một anh trai lúc chơi ná lỡ tay lạc “đạn”, bắn… mù mắt luôn em trai mình cách đây khoảng một năm. Nhưng câu chuyện “lỡ” tay của trẻ em khi chơi ná đâu đó vẫn còn diễn ra thường xuyên, nhất là dịp nghỉ hè này.
 
Nguy hiểm hơn, chuyện các em trai ngỗ nghịch rất dễ “giải quyết mâu thuẫn” bằng… ná sẽ mang lại nguy cơ lớn hơn. Một thầy hiệu trưởng của 1 trường THPT trên địa bàn huyện Lâm Hà xác nhận với chúng tôi, đã có trường hợp học sinh trường mình đả thương nhau bằng ná bắn chim trên đường đi học về. 
 
Với một đồ chơi tiềm ẩn nguy cơ như vậy, thiết nghĩ, vì sự an toàn của mọi người, đặc biệt là của các em học sinh, nên chăng các bậc cha mẹ cũng như các trường học, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần xem xét khuyến cáo, thậm chí có xử phạt đối với hành vi làm và sử dụng ná. Không thể vì pháp luật chưa có chế tài cấm bán ná cao su mà xem nhẹ nguy cơ của loại đồ chơi này và những hậu quả mà nó gây ra trong thực tế nhiều lúc thật sự khôn lường.
 
C.PHONG