Dân chiếm đất công, thành phố xử lý lúng túng

07:05, 17/05/2019

"Ðất 287" là đất thuộc Nông trường Chè Hà Giang trước đây được giao theo Quyết định 287 của UBND tỉnh Lâm Ðồng ngày 5/8/1995 cho UBND thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc) với tổng diện tích 185 ha. Từ đó đến nay, dù thành phố đã giao cho UBND Phường I và phường Lộc Phát quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm, xây dựng và mua bán trái phép đất 287 vẫn cứ tiếp diễn.

“Ðất 287” là đất thuộc Nông trường Chè Hà Giang trước đây được giao theo Quyết định 287 của UBND tỉnh Lâm Ðồng ngày 5/8/1995 cho UBND thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc) với tổng diện tích 185 ha. Từ đó đến nay, dù thành phố đã giao cho UBND Phường I và phường Lộc Phát quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm, xây dựng và mua bán trái phép đất 287 vẫn cứ tiếp diễn.
 
Khu đất tại số 72 Lý Thường Kiệt nằm trong đất quy hoạch nhưng ngày càng được xây dựng kiên cố và quy mô lớn. Ảnh: Ð.Anh
Khu đất tại số 72 Lý Thường Kiệt nằm trong đất quy hoạch nhưng ngày càng được xây dựng kiên cố
và quy mô lớn. Ảnh: Ð.Anh
 
Cho “mượn” đất 287 
 
Khi TP Bảo Lộc triển khai các dự án tại khu vực đất 287, có 121 hộ dân lấn chiếm phải xử lý vi phạm, cưỡng chế thu hồi mới giải phóng được mặt bằng. Hiện, còn 44 hộ đang tiếp tục triển khai thu hồi theo từng dự án. Các dự án triển khai trên diện tích đất 287 gồm: Dự án Khu dân cư đông hồ Nam Phương, Cụm Công nghiệp Lộc Phát, Khu đô thị mới Lý Thường Kiệt, Công viên hồ Nam Phương 2. Sở dĩ có tình trạng lấn chiếm đất diễn ra tại khu vực này là trong thời gian TP Bảo Lộc giao đất 287 cho các phường quản lý, phường giao lại cho tổ dân phố và tổ dân phố lại cho dân “mượn” đất chủ yếu để làm các vườn ươm cây giống. Từ đó, dân bắt đầu xây cất từ nhà tạm đến nhà kiên cố và có sự mua bán qua lại trong thời gian dài. “Khi thành phố triển khai các dự án mới lộ ra việc quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn quá lỏng lẻo. Qua kiểm tra cho thấy các hộ lợi dụng mượn đất làm vườn ươm đã dựng nhà kho (chòi), sau đó xây dựng thành nhà ở trái phép, mua bán sang tay kiếm lời trên đất do nhà nước quản lý. Việc vi phạm này diễn ra từ năm 2001” - ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho biết. 
 
Thời điểm hiện tại, để thực hiện Dự án Công viên Khu đô thị Lý Thường Kiệt, UBND TP Bảo Lộc tiếp tục thu hồi đất tại Tổ dân phố 2 (phường Lộc Phát) đối với 8 hộ, gồm: Hồ Xuân Thân, Quách Văn Hoạt, Nguyễn Thị Mai Yên, Dương Hồng Đăng, Nguyễn Công Tuấn, Hoàng Mạnh Hùng, Nguyễn Minh Sơn và Trần Thị Hải. Mỗi khi nhận được thông báo việc thu hồi đất hoặc quyết định cưỡng chế nhà, các hộ này đều khiếu nại. Họ xuất trình giấy tay mua bán đất có xác nhận của chính quyền địa phương, biên lai thu thuế nhà đất. Họ so bì cách giải quyết không công tâm của UBND thành phố khi đất của họ buộc phải bị cưỡng chế nhưng nhiều hộ khác cũng làm nhà trên đất 287 lại không bị cưỡng chế, hoặc được đền bù, bố trí đất tái định cư. Đơn cử hộ ông Nguyễn Tấn Thanh (72 Lý Thường Kiệt, Tổ dân phố 2, phường Lộc Phát) chỉ cách 8 hộ trên khoảng 50 mét, từ tháng 4/2011 bị UBND TP Bảo Lộc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng nhà trái phép và ngày 18/5/2012, thì có quyết định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép của ông Thanh. Thế nhưng, đến nay, nhà ông Thanh vẫn tồn tại và xây dựng ngày càng bề thế hơn. Hoặc như đất của bà Phan Thị Loan nằm trong Dự án Công viên hồ Nam Phương 2 nhưng vẫn được nhận tiền, đất tái định cư và có cam kết bàn giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai dự án. Ông Nguyễn Quốc Bắc giải thích: “Một số hộ dân cho rằng mình sang nhượng đất của ông Trần Phước Đại có viết giấy tay, được phường xác nhận và hàng năm đều có đóng thuế. Trên thực tế, đất của ông Đại đã bị thu hồi nhưng ông Đại vẫn tiến hành việc mua bán. Người dân sử dụng đất phải đóng thuế là điều đương nhiên, nhưng nếu việc thu thuế này sai thì ngành thuế phải chịu trách nhiệm. Đối với đất của ông Thanh nằm trong quy hoạch Dự án hồ Nam Phương 2 nên khi triển khai dự án đến đâu thì tiến hành thu hồi đến đó. Còn đối với một số hộ được giải quyết mua đất ở, bố trí đất ở là do họ không có nơi ở nào khác và có sự xác nhận của phường”. 
 
Nhiều thủ tục có sai sót
 
Đối với 8 hộ dân trên, sau nhiều lần đối thoại nhưng các hộ dân không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Quá trình đang xử lý vi phạm vẫn ngang nhiên mua bán, cho thuê, vi phạm chồng lấn vi phạm nên UBND TP Bảo Lộc đã ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất lấn chiếm. Tuy nhiên, cả 2 lần cưỡng chế vào ngày 18/3/2019 và ngày 14/4/2019 đều bị tạm hoãn vì lý do “trùng lịch công tác đột xuất của lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc”. Tuy nhiên, lý do sâu xa tạm hoãn việc cưỡng chế là để công khai dự án cho người dân biết và hiểu rõ để tự giác tháo dỡ nhà xây dựng trái phép. Nếu dân không tự tháo dỡ mới thực hiện cưỡng chế.
 
Trong quá trình giải quyết, nhiều văn bản liên quan đến vụ việc này có nhiều sai sót và phải được điều chỉnh liên tục, hủy bỏ và ban hành lại nhiều quyết định, chủ yếu từ vi phạm “xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được xây dựng” sang vi phạm “lấn, chiếm đất phi nông nghiệp (đất công cộng)”. Ông Bắc cho rằng: “Khi lập biên bản, nhân viên, cán bộ phường Lộc Phát lập không đầy đủ nên ra quyết định không đúng, phải hủy, phải rà soát lại, phải sửa. Thành phố quyết tâm thu hồi đất 287, lập lại trật tự kỷ cương nhưng phải đúng về thủ tục hành chính nên mới có sự điều chỉnh”. 
 
Trả lời câu hỏi về những thông tin tiêu cực liên quan đến đất 287, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Quốc Bắc cho biết đã giao cho Công an TP Bảo Lộc lập chuyên án xác minh làm rõ những hành vi sai phạm để xử lý theo pháp luật. Đồng thời, thành phố cũng đã yêu cầu phường Lộc Phát, Phường I thành lập 2 tổ công tác để kiểm soát việc lấn chiếm đất đai, lập biên bản xử lý thu hồi đất đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong việc quản lý đất 287. “Thành phố khẳng định việc khắc phục hậu quả, cưỡng chế đối với các hộ dân lấn chiếm đất 287 là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, trật tự đô thị trong năm 2019” - ông Bắc khẳng định.
 
ÐÔNG ANH