Mấy kiến nghị về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

08:05, 31/05/2019

Theo chương trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu theo đề nghị của Chính phủ, với hai phương án là...

Theo chương trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu theo đề nghị của Chính phủ, với hai phương án là: 
 
1. Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 
2. Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 
 
Qua theo dõi thực tiễn hiện trạng về lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) loại hình bắt buộc từ trước đến nay, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo hai phương án trên cần phải xem xét một cách hết sức thận trọng, bởi mấy nguyên nhân sau:
 
- Đối với lao động nam, tăng lên đủ 62 tuổi để nghỉ hưu là hợp lý, nhưng với lao động nữ, chỉ nên tăng lên đủ 58 tuổi là phù hợp nhất. Bởi, ai cũng biết, người phụ nữ ngoài gánh vác công ăn việc làm, còn một thiên chức vô cùng quan trọng đó là làm vợ, làm mẹ, suốt đời tần tảo chăm lo mái ấm gia đình, thời gian nghỉ ngơi cuối đời khi con cháu khôn lớn không thể thảnh thơi như nam giới.
 
- Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo thời gian, nên tăng thêm mỗi năm đều 3 tháng cho cả nam và nữ, để sau khi nội dung sửa đổi có hiệu lực thì lao động nam sau 8 năm sẽ đủ 62 tuổi và lao động nữ sau 12 năm sẽ đủ 58 tuổi, đảm bảo nghỉ hưu theo luật định. 
 
- Về đối tượng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, xin đề xuất: 
 
Tính đến ngày 31/12/2020, lao động nam đã đủ 30 năm đóng BHXH trở lên và lao động nữ đã đủ 25 năm đóng BHXH trở lên thì không thuộc diện tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, mà vẫn giữ nguyên như hiện nay, nghĩa là khi đủ 60 tuổi đối với nam; đủ 55 tuổi đối với nữ và thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm trở lên là đủ điều kiện nghỉ hưu.
 
Giới hạn nhóm đối tượng này nhằm từng bước thay thế lực lượng lao động lớn tuổi đang vận hành trong cơ quan, doanh nghiệp, khả năng xử lý phần mềm quản lý phục vụ công tác chắc chắn gặp không ít khó khăn bằng sinh viên mới tốt nghiệp, được đào tạo cơ bản cả về chuyên môn lẫn độ nhạy bén tiếp cận trình độ công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chương trình chính phủ điện tử. Còn các trường hợp kéo dài thời gian nghỉ hưu thêm 5 năm, bao gồm lao động có kỹ thuật cao, cán bộ nắm giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy của hệ thống chính trị thì đã được quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động và Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ “Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức”.
 
Theo chúng tôi, nếu thực hiện điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu như trên sẽ vừa đảm bảo hài hòa giữa việc chuyển giao thế hệ lao động trình độ cao, vừa đảm bảo bình đẳng giới và phù hợp với xu thế chung của khu vực cũng như thế giới trong điều kiện dân số vàng của nước ta.
 
NGUYỄN TIẾN ÐẠT