Oằn mình dọn rác

08:05, 09/05/2019

Câu chuyện về môi trường và ý thức của rất nhiều du khách đến Ðà Lạt vẫn đang là câu chuyện gây nhiều tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Bởi sau mỗi kỳ nghỉ ngơi của du khách là y như rằng để lại "bãi chiến trường ngập rác" từ các con phố đến nơi vui chơi. Và để trả lại cho thành phố vốn mệnh danh "xanh - sạch - đẹp" Ðà Lạt, những phụ nữ lao công lại có những đêm trắng "oằn mình dọn rác" để cho một sớm mai trước khi mọi người thức giấc lại thấy thành phố tinh khôi. 

Câu chuyện về môi trường và ý thức của rất nhiều du khách đến Ðà Lạt vẫn đang là câu chuyện gây nhiều tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Bởi sau mỗi kỳ nghỉ ngơi của du khách là y như rằng để lại “bãi chiến trường ngập rác” từ các con phố đến nơi vui chơi. Và để trả lại cho thành phố vốn mệnh danh “xanh - sạch - đẹp” Ðà Lạt, những phụ nữ lao công lại có những đêm trắng “oằn mình dọn rác” để cho một sớm mai trước khi mọi người thức giấc lại thấy thành phố tinh khôi. 
 
Trong những đêm cao điểm đợt du lịch lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, đã định từ trước nên đồng hồ vừa điểm 11 giờ 30 phút là tôi thay vội bộ đồ màu tối đã chọn sẵn từ chiều, lấy chiếc xe số cà tàng vẫn hay dùng đi chụp ảnh chạy thẳng ra Chợ Đà Lạt, vòng quanh hồ Xuân Hương, qua khu vực Quảng trường Lâm Viên…. Phố xá đã thưa thớt bước chân du khách, chỉ còn vương lại bộn bừa rác ở khắp nơi, tôi bắt đầu tìm kiếm bóng dáng của những chiếc áo xanh bảo hộ lao động đeo dây dạ quang, trong đầu thì suy tính xem làm thế nào để hòa nhập với họ trong vai “người quét rác”. 
 
Thu gom rác vào giữa đêm ở khu vực Chợ Đà Lạt. Ảnh: N.Thi
Thu gom rác vào giữa đêm ở khu vực Chợ Đà Lạt. Ảnh: N.Thi
 
Thâu đêm quét rác
 
Tôi quyết định dựng chiếc xe máy của mình ở phía trước Công viên Yersin để theo chân cô công nhân quét rác có gương mặt khá xinh đang dọn rác ở khu vực này để bắt chuyện. 
 
Sương bắt đầu phủ xuống càng lúc càng dày, dưới ánh đèn vàng, có thể thấy những hạt sương như lớp mưa bụi đang bay bảng lảng đầy ma mị, chúng phủ lên thân hình gầy gò, nhỏ bé của cô công nhân đang lầm lũi dọn rác phía sát hồ. Phía trong này, giữa bãi cỏ rộng chừng gần một ngàn mét vuông cách chỗ cô đang làm việc khoảng vài mét, là chục bạn trẻ chia làm 3 tốp nhỏ đang ngồi quây bên chiếc bếp than hồng lửa của cô bán hàng rong uống bia, ăn mực nướng và ca hát, chuyện trò râm ran. 
 
Dường như chẳng để ý đến nhóm khách du lịch đang ăn uống hát hò phía trong, bóng của Sáu - cô công nhân quét rác vẫn thoăn thoắt di chuyển, tay liên tục lùa từng chiếc ly nhựa, bịch ni lông vứt lăn lóc trên bãi cỏ vào chiếc hốt rác nhỏ trên tay. Tôi vội chạy lại xin quét phụ, chẳng có cây chổi hay cái hốt rác nào dư nữa nên đành lẽo đẽo đi theo chân Sáu trò chuyện, thỉnh thoảng phụ cô đẩy cái xe rác nặng gấp đôi gấp 3 số cân nặng của tôi và Sáu cộng lại. 
 
Sáu tên đầy đủ là Tống Thị Sáu, quê ở Nam Định. Cô kể: “Em học chưa hết lớp 12. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau vài năm làm nông ở quê thì bỏ quê vào Đà Lạt tìm kế sinh nhai. Năm nay em 33 rồi, cũng được 9 năm làm nghề và đã trải qua đủ mọi cung bậc vui buồn của nghề thu gom rác”.
 
Sáu có khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn với đôi mắt đẹp. Cô cho biết hiện đang sống cùng chồng và cậu con trai 10 tuổi ở đường Tô Hiến Thành, Phường 3, Đà Lạt. Khen Sáu xinh, chẳng giống kiểu phụ nữ lao động chân tay, tôi nửa đùa nửa thật hỏi: “Xinh như em thì xin được nhiều việc khác đỡ cực hơn sao lại chọn nghề này?”. Sáu bảo: “Công việc gì cũng vậy thôi chị, em còn chưa học hết lớp 12 nên có được nghề nghiệp ổn định, rồi gắn bó được với nghề là có duyên với cuộc đời rồi chị. Dù công việc này khá cực, thức khuya thức hôm, cũng có chút nguy hiểm vì phải tiếp xúc với mùi hôi thường xuyên, rồi thỉnh thoảng gặp tai nạn nghề nghiệp và cũng không được xã hội đánh giá cao, nhưng với em thì công việc này đến nay đã thành nghiệp gắn vào đời mình rồi, em không muốn thay đổi”.
 
Theo tìm hiểu của tôi thì lương trung bình của một công nhân quét rác của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt vào khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng được hỗ trợ thêm 1 kg đường và 2 hộp sữa Ông Thọ gọi là hỗ trợ độc hại. Thế nên, cuộc sống của những công nhân như Sáu không phải dư giả gì. Ngoài công việc hàng ngày thì nhiều chị phải làm thêm rất nhiều công việc khác, để tăng thêm thu nhập trang trải nhu cầu của cuộc sống cá nhân và gia đình.
 
Chia tay Sáu, 1h 30 sáng, tôi chạy vội ra khu vực Chợ đêm Đà Lạt và bắt gặp hình ảnh nhóm 6 chị em đang chia nhau ngược xuôi gom rác ở khu vực đài phun nước và dốc Lê Đại Hành. Hình ảnh Ý lầm lũi, cần mẫn nhặt nhạnh từng miếng bánh rơi vãi trên đường ngay cạnh gót chân của vị khách du lịch ở khu vực Chợ đêm Đà Lạt khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Đó là Viên Thị Ý, phụ trách tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 1, Đà Lạt. Ý tâm sự: “Em mới đi làm được 6 tháng. Chưa quen nên nhiều khi cũng thấy tủi thân lắm chị. Như hôm rồi, khi em vừa mới quét xong đoạn đường này thì thấy một du khách lại ném ly nước bằng nhựa ra giữa đường. Em quay lại nhặt và nhắc nhẹ “Lần sau em bỏ rác vào thùng giúp chị nhé”, thế là ngay lập tức bị cô ấy mắng “Phải có người vứt rác thì các chị mới có việc mà làm chứ!”.
 
Suy nghĩ nông cạn ấy đáng tiếc lại đang tồn tại ở không ít người. Có lẽ vì vậy cho nên mỗi ngày, đặc biệt là vào những ngày đông khách du lịch, Đà Lạt luôn tràn ngập rác ở khắp nơi. Trong suốt quá trình trò chuyện với các chị làm nghề này, tôi nhận ra bên trong sự cần mẫn, chịu đựng của họ ẩn giấu một trái tim vô cùng nhạy cảm. Họ nhạy cảm không phải bởi vì công việc của họ nặng nhọc, không được đánh giá cao, mà bởi cái cách nhiều người suy nghĩ, cư xử và có hành vi không đẹp với môi trường sống xung quanh. 
 
Trò chuyện với tôi được vài câu, Ý vội vã chạy theo các chị khác trong tổ đang cùng đẩy chiếc xe rác về phía trước Bưu điện thành phố. Trong khi những chiếc áo xanh khác đang tỏa đi các hướng để nhặt nhạnh từng miếng rác lớn nhỏ gom vào xe thì một chị lớn tuổi khác đang phải dùng hết sức vừa quét, vừa dùng chân đẩy đống cơm cháo bầy nhầy sực mùi hôi thối mà một người nào đó có lẽ mới nhậu xỉn đã ói đầy bên vệ đường. Hình ảnh tận lực của chị cứ ám ảnh tôi đến cả khi tôi đã về đến nhà. Chị như cô đơn, lạc lõng giữa phố xá mà chẳng tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Tôi tự hỏi, sao các chị có thể nhẫn nại với công việc này đến vậy mà gắn bó với nó, có người đã hơn 30 năm và tự động viên rằng, có lẽ mỗi đêm, khi họ quét rác, họ đã học được cách quét luôn cả nỗi buồn thân phận của mình.
 
Những người như chị Tống Thị Sáu đã góp phần giữ cho Đà Lạt luôn sạch đẹp trong lòng mọi người. Ảnh: N.Thi
Những người như chị Tống Thị Sáu đã góp phần giữ cho Đà Lạt luôn sạch đẹp trong lòng mọi người. Ảnh: N.Thi
 
Cần lắm sự chia sẻ
 
Không cần tới những con số thống kê lượng khách du lịch đến Đà Lạt mỗi năm từ các cơ quan chức năng thì người Đà Lạt ai cũng có thể nhận ra rằng, thành phố gần đây trở thành một địa điểm du lịch cực kỳ “nóng” và hấp dẫn du khách. Điều làm nên sự hấp dẫn ấy không chỉ là do cảnh sắc, khí hậu, sự đa dạng về sản phẩm và địa điểm du lịch, mà còn vì môi trường của thành phố luôn được đánh giá là sạch sẽ và trong lành. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, vào những ngày cuối tuần hay lễ - tết, khách đến quá đông, hàng rong theo đó cũng mọc lên tràn lan, trong khi nhiều khách du lịch lại thiếu ý thức, xả rác bừa bãi ngay tại chỗ ngồi, chỗ chơi mà chưa có ý thức gom rác bỏ vào thùng. Thậm chí thức ăn thừa họ cũng đổ bừa vào bãi cỏ, bồn hoa, gây chết hoa, cỏ... Khu vực tập trung đông người như quảng trường, công viên công cộng, chợ đêm và quanh hồ Xuân Hương, được bố trí nhiều thùng rác nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện rác thải sinh hoạt ngổn ngang khắp nơi, trông rất phản cảm. 
 
Tối cuối tuần, dạo một vòng quanh hồ Xuân Hương và các công viên, chúng tôi chứng kiến rất nhiều nhóm du khách tập trung ăn uống, hát karaoke bằng loa thùng và tổ chức đốt lửa ngay trên bãi cỏ hoặc nền gạch của công viên, mà không hề quan tâm đến việc mình đốt như vậy sẽ gây hư hỏng cỏ, hư hại nền nhà nghỉ chân. Thậm chí, sau khi xong, họ cũng chẳng thu gom rác bỏ vào nơi quy định mà bỏ lại cả một bãi rác giữa nền gạch rồi ra về, mặc dù ở công viên dán nội quy không xả rác ở khắp nơi. Một số thùng rác bố trí tại các điểm tập kết là thùng bằng nhựa composite và đã gắn biển cảnh báo là dễ cháy, nhưng một số trường hợp sau khi đốt lửa thì hốt luôn cả lửa, cả than đá, tro đổ vào gây cháy thùng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu gom rác trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện hầu hết đều do Đội Môi trường Đô thị Đà Lạt thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt thực hiện. Hiện đội này có khoảng 190 lao động, chủ yếu là lao động nữ. Với lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt bình quân 240 tấn/ngày, lực lượng này phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Để giữ gìn vệ sinh môi trường, sạch đẹp đô thị, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt cũng cho biết, đã bố trí 653 thùng rác loại 660 lít tại các tuyến đường, khu vực, tuy nhiên ý thức người dân trong việc thu gom rác đúng giờ đúng nơi quy định vẫn chưa tốt, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp như tuyên truyền bằng xe loa, bảng báo, tờ rơi, bố trí công nhân nhắc nhở trực tiếp. 
 
“Gần đây hàng rong quá nhiều, mà ý thức của khách du lịch vẫn còn kém, đặc biệt là ở những nơi đông khách như dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quốc Toản, Quảng trường Lâm Viên, khu phố đi bộ… người ta cứ tiện tay vứt rác xuống đường chứ ít ai có ý thức đi kiếm coi cái thùng rác để ở đâu để bỏ miếng giấy, cái bịch ni lông hay ly nước nhựa vừa uống hết vào lắm. Người Việt còn có tâm lý nữa là, thấy trước mình có người vứt rác xuống đường rồi, thay vì lượm bỏ vào thùng, thì họ lại vứt theo. Mong rằng du khách cũng như người dân Đà Lạt sẽ cùng nhau nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường luôn sạch đẹp.” - Chị Anh Thư, Phường 1, Đà Lạt bày tỏ.
 
Công nhân Viên Thị Ý cho biết, nhóm của chị làm việc từ 4 giờ chiều ngày 28.4 đến khoảng 1 giờ sáng ngày 29.4, chỉ tính riêng ở khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai và bùng binh phun nước kéo lên dốc Lê Đại Hành, đã gom được tới 28 xe rác đầy ngút ngọn, nhiều gấp 3, 4 lần so với ngày thường. “Vậy mà vẫn chưa sạch được đó chị. Khoảng 2 giờ thì mới tạm gọi là làm sạch đợt 1 thôi. Giờ chuẩn bị tụi em sẽ về nghỉ ca, đến 5 giờ sáng lại có một nhóm khác ra dọn 1 lần nữa thì sáng mai đường phố Đà Lạt mình mới sạch đẹp được như mọi người vẫn thấy mỗi ngày đó ạ” - Ý nói.
 
Còn Nguyễn Khánh Hoàng - một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi của Đà Lạt chia sẻ: “Mỗi tối tôi làm việc ở khu vực chợ đêm Đà Lạt và thấy người dân, du khách ý thức rất kém về việc bảo vệ môi trường. Cứ tiện tay là vứt rác xuống đường. Tình trạng xả rác bừa bãi còn diễn ra ở cả những nơi mà đội công nhân thu gom rác không đến được như trong những cánh rừng thông, những điểm du lịch dã ngoại tự phát ở khu vực Đa Phú, Cây thông cô đơn, Thung lũng vàng... Đủ các loại rác từ chai lọ, lon bia, nước ngọt, đến bịch ni lông, áo mưa các loại gây hại môi trường và rất khó phân huỷ vứt bừa bãi vô ý thức ở khắp nơi. Rác nhiều đến mức chúng tôi đi chụp hình phong cảnh thấy sốt ruột phải lên mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng chung tay thỉnh dành ra một buổi sáng chủ nhật cùng tập hợp tại 1 số điểm trong rừng để gom rác đốt và chở ra ngoài trung tâm đổ”. 
 
Một đêm thức trắng Top of Form theo chân các chị, hình ảnh khiến tôi không suy nghĩ và trân trọng đó là cảnh cậu con trai 10 tuổi của chị Sáu thay vì được mẹ đưa đi chơi ở công viên hay bãi biển như bạn bè cùng trang lứa vào dịp lễ thì lại được mẹ cho theo chân đi làm. Cậu bé nói với tôi rằng cậu rất vui và chỉ quanh quẩn bên chiếc kinh khí cầu được đặt ở bãi cỏ bên Hồ Xuân Hương nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 chơi một mình. Thỉnh thoảng dõi theo mẹ và dùng chiếc điện thoại ghi lại hình ảnh mẹ mình đang làm việc. Cậu con trai của chị Sáu có thể chưa hiểu hết được những vất vả, nỗi niềm của mẹ trong công việc nhưng nhìn cách mẹ con họ dành thời gian cho nhau, tôi hiểu rằng, con cái, gia đình có lẽ là nguồn động viên và là động lực duy nhất hiện tại giúp họ tiếp tục gắn bó và sống trách nhiệm với nghề. 
 
Mong rằng, mỗi ngày qua đi, mọi người sẽ càng ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, để những người làm nghề quét rác đỡ vất vả, để hình ảnh Đà Lạt 24/24 giờ luôn đẹp trong mắt tất cả chúng ta và để những công nhân quét rác như chị Sáu, chị Ý… có thêm những điểm tựa làm tốt công việc vốn cực nhọc nhưng nhiều ý nghĩa.
 
Phóng sự: NGUYÊN THI