Tại buổi tiếp xúc giữa cử tri xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) với Ðoàn Ðại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Ðồng vào đầu tháng 5/2019, một lần nữa, vấn đề về giao rừng cho cộng đồng dân cư Thôn 4 (xã Lộc Phú) lại nóng lên với những phản ánh về nạn phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng...
Tại buổi tiếp xúc giữa cử tri xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) với Ðoàn Ðại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Ðồng vào đầu tháng 5/2019, một lần nữa, vấn đề về giao rừng cho cộng đồng dân cư Thôn 4 (xã Lộc Phú) lại nóng lên với những phản ánh về nạn phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa là do việc giao rừng cộng đồng rơi vào tay số ít những người trục lợi cá nhân. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý rốt ráo.
|
Hình ảnh rừng cộng đồng bị tàn phá mà Báo Lâm Đồng đã từng phản ánh trước đây. Ảnh: Ð.Anh |
“Hao hụt” hơn 76 ha
Từ tháng 10/2013, các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm đã tiến hành giao rừng cộng đồng cho dân cư Thôn 4 (xã Lộc Phú). Vào thời điểm này, có 9 hộ dân được giao hơn 220 ha đất rừng tại Tiểu khu 438A và 439 thuộc địa bàn xã Lộc Phú. Trong tổng diện tích này, có gần 195 ha đất có rừng, còn lại là đất không có rừng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, không hiểu vì lý do gì, tổ cộng đồng nhận rừng từ 9 người rút xuống chỉ còn 2 người là ông Nguyễn Đức Dạo và ông Phạm Quang Thọ.
Ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, giải trình với cử tri tại buổi tiếp xúc: Năm 2018, UBND xã đã chỉ đạo kiện toàn lại tổ nhận rừng cộng đồng Thôn 4 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng rất lỏng lẻo. Trên thực tế đã có nhiều cây rừng bị cắt, ken và một diện tích lớn đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm. UBND xã và Hạt Kiểm lâm huyện đã nhiều lần lập biên bản, xử lý các vụ vi phạm. Theo kết quả kiểm tra thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào năm 2016, đã có 76 ha rừng cộng đồng bị lấn chiếm, khai thác. “UBND huyện và UBND xã đã làm tròn trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng nhưng các công ty, doanh nghiệp, trong đó có tổ cộng đồng nhận rừng Thôn 4, không có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nên đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng” - ông Tâm cho biết.
Hiện tại, rừng cộng đồng dân cư Thôn 4 chỉ có 2 thành viên là ông Nguyễn Đức Dạo và ông Phạm Quang Thọ. Trong khi đó, theo quy định về giao rừng cộng đồng của UBND tỉnh Lâm Đồng thì mỗi hộ chỉ được nhận không quá 30 ha. Đồng thời, cộng đồng dân cư nhận rừng phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích đất có rừng (hưởng lợi theo dịch vụ chi trả môi trường rừng) và xây dựng phương án trồng rừng đối với diện tích đất trống. Đặc biệt, rừng cộng đồng tuyệt đối không được mua bán, sang nhượng hoặc cho, tặng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì có rất nhiều diện tích đất rừng cộng đồng hiện tại trở thành đất trồng cà phê và chính những người nhận rừng cộng đồng đã có dấu hiệu mua bán, sang nhượng diện tích này.
Nhiều lần đề xuất thu hồi
Trong suốt thời gian quản lý rừng cộng đồng, những người có trách nhiệm hoặc những người “có liên quan” đến rừng cộng đồng Thôn 4 đã nhiều lần “bán” đất rừng dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những hình thức đó là “hợp đồng thỏa thuận giao khoán thực hiện phương án sản xuất nông lâm kết hợp theo dự án cộng đồng” do ông Phạm Quang Thọ đại diện cộng đồng dân cư đứng ra ký. Dù mang danh nghĩa là hợp đồng giao khoán với thời hạn đến tận năm 2063 (!?), nhưng trên thực tế, hầu hết diện tích đất giao khoán này đã được ngầm sang tay và chủ yếu được trồng cà phê. Không những vậy, diện tích rừng cộng đồng còn bị một cán bộ tư pháp xã Lộc Phú (có họ hàng với ông Dạo) rao bán với giá 150 triệu đồng/ha. Hành vi này đã bị một số hộ dân mua đất tố cáo lên UBND xã. Các hộ này khẳng định cán bộ tư pháp đã nhận tiền và hứa bán đất rừng cộng đồng, nhưng giải trình với xã thì ông này cho rằng mình chỉ mượn tiền của những hộ này. Sự việc này đang được Thanh tra huyện Bảo Lâm tiếp tục làm rõ.
Liên quan đến đất rừng cộng đồng Thôn 4, tại buổi tiếp xúc với cử tri, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Rừng bị mất nhiều thì trách nhiệm thuộc về cộng đồng dân cư Thôn 4. Sau nhiều lần kiểm tra, đến hiện tại thì rừng giao cho cộng đồng dân cư Thôn 4 hầu như không còn, đất thì mất. Trước thực trạng này, huyện đã rất nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án rừng cộng đồng này. Hiện tại, huyện cũng đã nhận được đơn tố cáo liên quan đến rừng cộng đồng Thôn 4. Huyện sẽ chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra lại toàn bộ dự án. Về những thông tin liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, huyện sẽ chỉ đạo Công an huyện mở một đợt công tác tại xã Lộc Phú để làm rõ một số nội dung mà người dân phản ánh về việc bị chặt phá cà phê, bị uy hiếp khi có những ý kiến phản ánh liên quan đến rừng cộng đồng”.
ÐÔNG ANH